vĐồng tin tức tài chính 365

Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ 1: Bến Thành - chốn đô hội phồn vinh

2024-03-27 10:52
Cảnh người xe tấp nập ở chợ Bến Thành trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Cảnh người xe tấp nập ở chợ Bến Thành trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Ai là dân Sài Gòn - TP.HCM, ai là du khách một lần đến đây đều không thể quên hình ảnh tháp đồng hồ chợ đồ sộ và không quên khung cảnh mua sắm nhộn nhịp bên trong, bên ngoài. Ẩn giấu sau phố chợ này có gì độc đáo, có gì hay, gì đẹp để thu hút tâm trí nhiều thế hệ như thế?

Lần đầu vào Sài Gòn năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh khi đến chợ Bến Thành, thốt lên: "Rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu!". Ông gọi tháp đồng hồ của chợ là "cái nhà trời ở cửa giữa", vừa cao vừa lực lưỡng, như "một pháo đài"! 

Mẹ tôi, 70 năm trước, có cùng một ấn tượng như thế. Năm 1954, nhiều gia đình miền Bắc, vừa chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đã tìm đến phố chợ Bến Thành. Bởi ở đấy có tất cả những cảnh sắc, hương vị tiêu biểu cho một đô thành phồn vinh nhất phương Nam.

"Cái rốn quý" hàng và người

Này nhé, từ không gian cho đến tên gọi đều "lạ hoắc" với người miền ngoài. Nào là "bùng binh" to đùng, nào là ga "xe lửa" - chứ không phải tàu hỏa, nào là bến "xe đò", xe "xích lô máy", xe "thổ mộ" và đến cái chợ khổng lồ có đến hai ba tên theo người dân quen gọi: chợ Mới, chợ Sài Gòn, chợ Bến Thành. 

Bản thân ngôi chợ là một kiến trúc độc đáo nằm giữa một giao lộ lớn ở trung tâm thành phố. Đặc biệt, cái tháp đồng hồ cao to và vuông vắn thể hiện hình ảnh uy nghi của một "tòa thành" kiên cố. Song đây lại là một "tòa thành" đầy ắp hàng hóa, một phố chợ hiện đại, hòa trộn không khí bản xứ và quốc tế.

Mẹ tôi kể vào chợ Bến Thành là thấy trước nhất ngút ngàn thực phẩm từ bình dân đến sang trọng. Thuở đó, những chiếc bánh mì baguette dài ngoằng, trông rất mới mẻ. Kế đến là gạo thơm, tôm khô, cá khô - vun thành ngọn cao ở các sạp hàng. 

Thêm nữa, vú sữa, măng cụt và nhiều thứ trái cây mà người Bắc gọi là hoa quả được mua bán theo chục mười hay chục mười hai chứ không phải ký hay cân. Với bà ngoại tôi từng là đầu bếp "Hanoi hotel" thì thịt cá, gà vịt, đồ "lê-ghim" (rau quả) ở chợ đều là thượng hạng, không đâu sánh bằng.

Sau này, những năm 1990, khi khách sạn 5 sao New World mới mở, ông chánh đầu bếp Hong Kong nói với tôi mỗi sáng ông đều bỏ hai giờ để đi chợ Bến Thành lấy hàng tươi sống ngon nhất. 

Vào thế kỷ trước, khi chưa có siêu thị và các cửa hàng cao cấp thì chợ Bến Thành chính là chợ bán lẻ, là kho cung cấp thực phẩm số 1 cho các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng, cũng như giới thượng lưu. Thêm nữa là quần áo, giày dép, hàng gia dụng đều là loại "xịn", giá cao. Chẳng trách có người gọi chợ Bến Thành là "chợ nhà giàu"!

Thế nhưng, đây vẫn là chợ của mọi nhà. Từ thuở mẹ tôi đưa thằng nhóc con đến đây và về sau khi tôi dẫn hai cậu lớn lượn chợ vào dịp cuối tuần, tôi luôn thấy phố chợ Bến Thành có đủ "sắc áo và màu da". 

Khách khá giả, thương gia, viên chức, quân nhân, học trò cùng qua lại, mua bán với tiểu thương, đầu nậu, dân buôn thúng bán bưng, phu phen, xích lô... 

Khách đến từ khắp tỉnh thành, từ nhà ga xe lửa và bến xe lam, xe buýt kề bên, từ xe hơi, xe taxi, xe máy, xe đạp và cả những chiếc xe thổ mộ đã biến vào dĩ vãng. Dĩ nhiên, người đến chợ không chỉ mua bán mà còn dạo chơi, thưởng thức 1.001 sở thích riêng tư.

Ngoài thực phẩm, chợ Bến Thành là "tổng kho" vải vóc, y phục, nữ trang, bánh kẹo, đồ chơi, hàng lưu niệm và cả hàng ăn uống. Bên ngoài chợ các nhà phố dọc ngang - Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Tạ Thu Thâu (nay là Lưu Văn Lang), Nguyễn An Ninh hợp thành một "Đại Phố" có đủ tiệm vàng, trà, tơ lụa, tivi - radio, nhà thuốc, nhà hàng... 

Gần Tết, "mọc" lên các sạp hàng chạy dọc mặt tiền chợ, trang trí rực rỡ, thắp đèn sáng trưng suốt buổi tối.

Phố Lưu Văn Lang hướng cửa tây chợ Bến Thành, thời Pháp nhiều người Ấn Độ, gần đây có nhiều du khách Malaysia, Hồi giáo lui tới mua sắm (ảnh chụp tháng 2-2024) - Ảnh: PHÚC TIẾN

Phố Lưu Văn Lang hướng cửa tây chợ Bến Thành, thời Pháp nhiều người Ấn Độ, gần đây có nhiều du khách Malaysia, Hồi giáo lui tới mua sắm (ảnh chụp tháng 2-2024) - Ảnh: PHÚC TIẾN

Cục "nam châm" kỳ thú

Phố chợ Bến Thành mà tôi biết từ thuở nhỏ đến nay vẫn giống như một cục "nam châm" cực đại, hút về hàng hàng lớp vật phẩm và phận người. Đây là chốn mưu sinh lớn nhất ngay giữa trung tâm của một đô thị mà nó chính là cái đỉnh của trung tâm ấy. "Đỉnh cao" hàng và người này là điển hình "cộng sinh" nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề. 

Thiếu tiền, thiếu kế sinh nhai, thiếu niềm vui thì dù ở đâu, ai nấy đều tìm đến chợ. Đầu những năm 1980, khi còn là sinh viên đói kém, không ai bảo, lứa thư sinh chúng tôi đã ra chợ Bến Thành kiếm sống. Tôi đi bán lồng đèn, bạn tôi đi bỏ mối hàng này hàng nọ. Có lúc tôi ngậm ngùi nhìn thấy bạn mình đạp xích lô ở bùng binh chợ bị cảnh sát rượt vì đậu sai chỗ...

Không đi đâu xa, chỉ cần la cà phố chợ Bến Thành, ta có thể chứng kiến cả một xã hội đa dạng thu nhỏ, người dân đủ vùng miền tề tựu. Hơn thế nữa, "cục nam châm" này còn thu hút dân ngoại quốc xa gần. Năm 1994, tại khu Little India của Singapore, tôi gặp một ông già Ấn Độ ngoài 80 tuổi, từng bán "lụa Bombay" ở đường "Sabourain" (Lưu Văn Lang) bên chợ Bến Thành. 

Thuở xưa, người Việt, người Hoa, người Ấn và người Pháp vừa là cư dân, vừa là thương nhân, cùng làm nên sự phồn thịnh của phố chợ Bến Thành. Những năm gần đây, "hàng vải Bombay" trở thành "phố Malay", tràn đầy du khách Malay và các tiệm ăn, nhà hàng, khách sạn cho người Hồi giáo.

Ngày nay, tiểu thương và chủ tiệm ở phố chợ Bến Thành nói làu làu tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật và thêm nữa tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Malaysia. Vào năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ghé vào ăn phở ở đầu phố Phan Chu Trinh, là sự kiện quảng bá "có một không hai" không riêng cho nhà hàng...

Hơn 20 năm qua, phố chợ Bến Thành đã và đang là điểm đến không thể thiếu của du khách. Tuy vậy, toàn khu phố chợ cũng bị "tổn thương" một thời gian dài vì các lô cốt công trường Metro án ngữ và nhất là hai năm Covid-19. 

Hai năm trở lại đây, phố chợ Bến Thành đang bươn chải hồi phục sức sống. Lần đầu tiên từ thuở khai sinh, từ hè năm 2022 chợ mở cửa đến 9-10 giờ tối, trở thành một trọng điểm của "Kinh tế đêm".

Thiết nghĩ, phải làm thêm những gì để phố chợ Bến Thành tiếp tục góp phần phồn vinh cho thành phố, đó mới chính là câu chuyện kỷ niệm sinh nhật thiết thực cần bàn đến.

Nhà văn Võ Phiến trong một truyện ngắn trước 1975, kể chuyện tại chợ Tết Bến Thành có cô gái gặp chàng trai "trồng cây si" bám theo. Nhưng chàng "lẩn thẩn" đến mức vẫn để cho nàng khệ nệ bưng hai quả dưa hấu đi bộ suốt con phố.

Còn nhà văn Hồ Biểu Chánh trong truyện Một đời tài sắc (1935) có nói đến "chứng bệnh buồn" vì nhớ chợ Bến Thành, nhớ Sài Gòn hoa lệ của một công tử tỉnh lẻ lỡ một lần đặt chân lên đất Sài thành!

--------------------------------

Chỉ trong hai năm xây dựng (1912 - 1914), từ một bãi đất đầm lầy nằm trũng giữa các kênh rạch vừa được lấp thành đường, đã mọc lên một ngôi chợ nhà lồng nguy nga. Nhìn từ xa và từ trên cao, ngôi chợ trông như một "tòa thành" lớp lang và đăng đối, có đến 16 cửa với bốn cửa chính bề thế Đông - Tây - Nam - Bắc.

Kỳ tới: Tòa thành độc đáo và quy hoạch vàng

Biểu tượng hữu nghị từ chợ Bến ThànhBiểu tượng hữu nghị từ chợ Bến Thành

Tấm lòng luôn thương nhớ biết bao kỷ niệm với Sài Gòn - TP.HCM, tôi mạnh dạn phác thảo ý tưởng xây dựng biểu tượng thành phố năng động và hữu nghị của mình.

Xem thêm: mth.6051259072304202-hniv-nohp-ioh-od-nohc-hnaht-neb-1-yk-man-011-hnaht-neb-ohc-ohp-uin-gnan/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ 1: Bến Thành - chốn đô hội phồn vinh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools