Bà Nhàn bị đề nghị chung thân là quá nặng
Luật sư Nghiêm Diệu Thúy - bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cho rằng mức án viện kiểm sát đề nghị quá nghiêm khắc. Theo đó, luật sư Thúy đề nghị hội đồng xét xử xem xét xác định tội danh phù hợp cho bị cáo Nhàn.
Theo luật sư Thúy, trong trường hợp này, ông Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bà Nhàn và các thành viên khác của đoàn trong quá trình thanh tra Ngân hàng SCB.
Chính bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng chỉ đạo chia các thành viên ra làm nhiều tổ thanh tra khác nhau. Sau khi làm việc, các tổ tổng hợp, báo cáo cho bà Nhàn. Bà Nhàn tiếp tục nộp lại cho ông Hưng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, viện kiểm sát đã truy tố bà Nhàn tội nhận hối lộ với mức án đề nghị là chung thân. Đối với ông Nguyễn Văn Hưng, viện kiểm sát truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ cùng mức án đề nghị 14-15 năm.
"Đây là một chuỗi hành vi khép kín, diễn ra giữa các bị cáo Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn và thành viên trong đoàn thanh tra. Tại sao các thành viên khác bị truy tố đồng phạm với ông Hưng mà bà Nhàn lại tách riêng ra tội danh khác?", luật sư Thúy đặt câu hỏi.
Luật sư Lê Đình Ứng tiếp tục bào chữa cho bà Đỗ Thị Nhàn, cho rằng cần xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh đưa bị cáo vào vòng lao lý.
Cụ thể, luật sư cho rằng các bị cáo thuộc Ngân hàng SCB đều tin tưởng, mong muốn quá trình tái cơ cấu thành công. Vì thế trong quá trình thực hiện công việc, các bị cáo đã có hành vi sai phạm liên quan đến bà Nhàn.
Đồng thời, luật sư Ứng cho rằng không có căn cứ về sự trao đổi, bàn bạc về việc đưa và nhận tiền giữa bà Đỗ Thị Nhàn và bà Trương Mỹ Lan.
"Bà Nhàn nhận tiền sau khi kết thúc thanh tra. Lúc đó, đoàn thanh tra đã ký biên bản làm việc với Ngân hàng SCB, trách nhiệm thanh tra đã hoàn thành. Việc chỉnh sửa số liệu trong báo cáo, bị cáo Nhàn nhận chỉ đạo từ cấp trên trực tiếp như cáo trạng nêu", luật sư Ứng nói thêm.
Luật sư Ứng cho biết bà Nhàn qua trao đổi đã rất hối hận. Chính bị cáo Nhàn từng nói bản thân mình không hiểu cả cuộc đời công tác, phấn đấu không sai phạm nhưng vì một phút không giữ được mình đã dẫn đến hậu quả hôm nay.
Sút 19kg sau nhiều cú sốc
Tự bào chữa cho mình, bà Đỗ Thị Nhàn nói: "Bị cáo rất xấu hổ với bản thân, xấu hổ với gia đình. Bị cáo đã cố gắng khắc phục, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra.
Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng đầy đủ khoan hồng của pháp luật trên tinh thần nhân văn, nhân đạo và tấm lòng khoan dung, độ lượng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.
Bị cáo giảm 19kg vì hai cú sốc mất mẹ, tang hiếu của mẹ chưa tròn mà bị bắt, xuất hiện tai biến, những cơn đau tim liên tục...".
Luật sư Đặng Hoài Vũ - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương) cho rằng ông Tùng, ông Đào Chí Kiên (cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Dầu Khí Đông Phương) và nhóm công ty ký hợp đồng tín dụng 37 khoản vay với SCB với số tiền 1.720 tỉ nhằm bổ sung vốn kinh doanh là có thật vì đầy đủ hợp đồng và có tài sản đảm bảo.
Trước đó, công ty của ông Tùng gặp nhiều khó khăn, thua lỗ và nợ thuế. Vì vậy, ông Tùng phải vay tiền xoay xở nhưng công ty không còn hạn mức vay.
Bà Trương Mỹ Lan hứa hỗ trợ tài sản bảo đảm cho các khoản vay do các công ty trong nhóm của bị cáo Tùng đứng tên. Đồng thời, bà Lan cũng xác nhận sẽ trả tiền cho một số khoản vay do bà mượn sử dụng.
Ông Tùng đã hoàn toàn tin tưởng quy trình cho vay, giải ngân đúng với quy định pháp luật nên đưa 35 công ty vào lập hồ sơ vay tại SCB.
Từ đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội để giảm nhẹ và cho ông Tùng hưởng án treo.
Tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, luật sư của ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng việc nhận 390.000 USD từ SCB ông Hưng nghĩ là quà nghỉ hưu.