Trừ tam hại hay có tên tiếng Anh nghe hình tượng hơn: The Pig, the Snake and the Pigeon (Heo, rắn và bồ câu). Phim là tác phẩm tội phạm tăm tối, đầy bạo lực được diễn tả một cách trần trụi.
Heo hoặc rắn hay là bồ câu
Trừ tam hại không chỉ thuần túy là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa công lý và tội ác mà là sự nhập nhằng của những kẻ mải miết chạy trên lằn ranh thiện ác ngõ hầu tìm một lối thoát cho đời sống quanh quẩn dần đi vào bế tắc.
Trừ tam hại còn thể hiện một khả năng hài hước nhất định khi rải rác trong suốt bộ phim, khán giả có thể nhặt nhạnh được nhiều tiếng cười mai mỉa.
The Pig, the Snake and the Pigeon Official Trailer
Phim khởi đi từ một tình huống nực cười. Trần Quế Lâm (Nguyễn Kinh Thiên đóng), tên tội phạm nguy hiểm bị truy nã, đến đồn cảnh sát đầu thú.
Nhưng khi đến đồn, y nhận về sự thờ ơ của các nhân viên công quyền. Muốn đầu thú hả? Xếp hàng chờ như mọi người đi chứ. Vì nói sao đi nữa, Trần Quế Lâm cũng chỉ là kẻ truy nã gắt gao thứ ba thôi.
Vậy là tên hung thần quyết định lên đường tìm kiếm hai kẻ bị chính quyền truy nã suốt nhiều năm liền, tiêu diệt chúng và trở thành người bị truy nã số 1.
Hành trình của Trần Quế Lâm là kiểu "vượt lên chính mình", vươn lên vị trí thành công theo cách tréo ngoe buồn cười. Y vừa ranh ma vừa hết sức bản năng, vừa yếu ớt nhưng cực kỳ nhạy bén.
Mang trong mình suy nghĩ xấu nhưng lại dẫn đến một hành động tốt.
Điều đó là do Trừ tam hại dựa trên một tình huống có vẻ giản đơn nhưng lại chứa đựng tâm lý phức tạp.
Nó không chỉ là con đường biến kẻ ác thành người hùng mà còn là cách một cá nhân tội lỗi tìm thấy sự thanh thản và cứu chuộc.
Một dòng phim tội phạm
Sự phức tạp đó làm ta nhớ đến bộ phim Nghịch lý kẻ sát nhân của Hàn Quốc vừa mới trình chiếu thời gian gần đây.
Nghịch lý kẻ sát nhân dựa trên một nguồn cảm hứng lớn hơn: tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky - cuốn sách gối đầu của nhân vật chính.
Trong tập đầu tiên, nhân vật này từ một thanh niên yếm thế, bị bắt nạt biến thành kẻ sát nhân máu lạnh thông qua hành động tự vệ lấy búa đập bể đầu nạn nhân.
Y không hay biết rằng nạn nhân của mình là một tên sát nhân chưa bị pháp luật trừng phạt. Vậy là thông qua việc thủ ác, y đã thực thi công lý.
Dĩ nhiên cuộc đời vốn chẳng có những sự trùng hợp như vậy. Cũng giống như không có tên sát nhân nào rỗi hơi như Trần Quế Lâm. Nhưng điện ảnh hay rộng hơn là nghệ thuật không phải chép y đời sống và chỉ được nói những chân lý đã được xác quyết.
Nó còn đặt ra những tình thế sống, những "nếu như..." liên tục để thử thách và dò xét con người. Để cho thấy thế giới này thật đa đoan và phức tạp, vốn không thể rạch ròi bằng đôi ba khái niệm đơn nhất chung chung.
Cũng phải nhắc đến một bộ phim đồng hương của Trừ tam hại, có tên Ác nữ, cũng vừa ra mắt khán giả thời gian gần đây. Ác nữ là một trò chơi trinh thám trong trò chơi quyền lực, nơi ai cũng có thể là nạn nhân và là nơi mọi thứ không bao giờ đơn giản như vẻ ngoài của nó.
Sau rốt, tất cả chúng ta đều mang khả năng giữ trong mình một mầm ác. Chỉ có điều mầm ác đó có đủ điều kiện để nở thành hoa ác hay không?
Nhưng nếu trong mỗi con người có mầm ác thì đồng thời cũng có các hạt mầm thiện. Hành trình làm ác của Trần Quế Lâm vô tình đã cho hạt mầm thiện nơi y nảy mầm. Vì thế, không chỉ nói về những tội phạm và cuộc điều tra, về cái ác ở thâm tâm con người.
Gã "trùm cuối" của Trừ tam hại là một tên ác quỷ đội lốt thiên thần. Trốn truy nã, lánh lên hòn đảo biệt lập, y tự biến mình thành giáo chủ của một giáo phái "chữa lành", dẫn dắt bá tánh bằng những trò lừa đảo.
Điều đáng nói là khi bộ mặt nạ của y bị lột xuống, nhiều tín đồ vẫn u mê dù đối diện với cái chết nhưng không chịu thức tỉnh.
Trường đoạn các đệ tử ruột đứng trên sân khấu hát ca khúc chữa lành với khuôn mặt hạnh phúc, dù cho tiếng súng nổ, dù cho từng người ngã xuống, có thể nói là trường đoạn bi hài nhất của toàn bộ phim.
Vì tất cả điều này, Trừ tam hại đã mang về doanh thu tương xứng với những gì nó đem đến cho khán giả. Và cũng từ chính những điều trên, cái tên phim bằng tiếng Anh lại thành ra dễ hiểu.
Chúng ta chọn lựa gì đây? Là con heo mặc nhiên đợi người ta giết thịt? Là con rắn chứa đầy nọc độc? Hay sẽ là con bồ câu tự do bay nhảy trên bầu trời? Cũng có thể trong cuộc đời, lúc ta sẽ làm heo, lúc là rắn và hiếm khi trở thành bồ câu.
Trên hết, chúng ta có quyền chọn lựa chăng? Hay để cho số phận mình xuôi theo những hoàn cảnh trên trời rơi xuống?
Trừ tam hại đạt doanh thu hơn 1.500 tỉ đồng sau hai tuần ra mắt ở Trung Quốc. Điều này nằm ngoài dự tính của cả nhà sản xuất. Trong khi đó, Nghịch lý kẻ sát nhân (A Killer Paradox) ra mắt đầu năm 2024 đã đạt Top 1 Netflix toàn cầu.
Ngoài những yếu tố như kịch bản, diễn xuất... đằng sau thành công của dòng phim đề tài tội phạm còn có thể thấy sự quan tâm của khán giả với thể loại không mới mẻ nhưng vẫn đầy sức hút này.
Những bộ phim còn muốn qua đó vạch trần những mặt trái của xã hội, sự giàu có không mang lại hạnh phúc và cả sự u mê của một bộ phận dân chúng giữa thời đại văn minh.
Đường đua phim truyền hình Hàn Quốc tháng 4 khởi đầu với nhiều thể loại thú vị như khoa học viễn tưởng, tội phạm, với sự góp mặt của Lee Je Hoon, Suho (EXO)...