Formosa và Hòa Phát nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc (thép Trung Quốc), đe dọa sản xuất trong nước.
Ngược lại có 7 doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng chưa có cơ sở để điều tra chống phá giá.
7 doanh nghiệp phản đối, nêu chưa có dấu hiệu thép Trung Quốc bán phá giá
Các doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Vinh OOne.
Tranh cãi giữa các doanh nghiệp đang nóng. Mỗi công ty có quan điểm và số liệu dẫn chứng khác nhau. Thép HRC tại Việt Nam có Formosa, Hòa Phát sản xuất.
Nhóm 7 doanh nghiệp lập luận sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ 1,26%, không vợt quá 2% nên không thể coi là bán phá giá.
Cách tính biên độ phá giá là giá trị thông thường tại nhà xưởng trừ giá xuất khẩu tại xưởng, chia cho giá trị xuất khẩu. Tính toán của doanh nghiệp tôn mạ, ống thép trong đơn kiến nghị đưa ra kết quả biên độ không vượt quá 2%.
Doanh nghiệp tôn mạ ống thép lo sụp đổ
Ông Vũ Văn Thanh - phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - cho biết hai doanh nghiệp Formosa và Hòa Phát luôn bán cho các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam với giá bán cao so với hàng nhập khẩu Trung Quốc và duy trì chênh lệch trong thời gian dài.
Giá trong nước cao hơn giá nhập khẩu từ 10 đến 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40-50 USD/tấn...
Từ việc mua hàng HRC của Formosa và Hòa Phát, theo các doanh nghiệp, hàng hóa luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải nhập vì có một số quốc gia xuất khẩu có yêu cầu đặc biệt về nguồn nguyên liệu.
Khởi xướng điều tra chống bán phá giá chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp, lo ngại "khả năng độc quyền và chi phối giá cả dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép sụp đổ", lãnh đạo Tôn Hoa Sen lo ngại.
Trong khi hiện nay chưa áp thuế chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu Trung Quốc, mà các nhà sản xuất HRC Việt Nam bán sản phẩm cho các công ty tôn mạ với mức giá cao. Khi sản phẩm thép HRC tăng, giá thành phẩm tăng tương ứng, người tiêu dùng sẽ gánh khoản chênh lệch này.
Trước đó, ngày 26-3, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết Formosa và Hòa Phát nộp đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc.
"Chúng tôi thấy có dấu hiệu bán phá giá nên kiến nghị lên cơ quan nhà nước, mong có sự đánh giá công bằng và chính đáng, làm sao để ngành sản xuất trong nước phát triển.
Việc áp thuế hay không phải dựa trên số liệu và các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá và quyết định" - lãnh đạo Hòa Phát nêu ý kiến.
Đang thẩm định hồ sơ
Trả lời riêng Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận cục đã nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống bán phá giá) của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc vào Việt Nam
Căn cứ theo quy định, thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) sẽ thông báo cho bên yêu cầu về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thông báo cho bên yêu cầu nộp hồ sơ bổ sung.
Đại diện cục cho hay đang tiến hành thẩm định tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được thông báo cho các bên liên quan theo quy định.
Quy định của Luật Quản lý ngoại thương, doanh nghiệp nhận thấy có dấu hiệu về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đại diện của ngành sản xuất trong nước có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Sau khi có văn bản thông báo về hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Cục Phòng vệ thương mại công khai trên trang web về hồ sơ yêu cầu điều tra và đề nghị các bên liên quan.
Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất nói cần bảo vệ ngành sản xuất trong nước, yêu cầu điều tra chống bán phá giá.