Trong bối cảnh xảy ra các sự cố liên tiếp gần đây giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines ở Biển Đông, có một diễn biến đáng chú ý tuần này: Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar gặp người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ở Manila hôm 26-3.
Ngoại trưởng S. Jaishankar nói Ấn Độ "kiên quyết ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình" và muốn khám phá các lĩnh vực hợp tác mới, gồm cả quốc phòng và an ninh.
"Ấn Độ đang tích cực tham gia câu lạc bộ chống Trung Quốc"
Tuyên bố của ông S. Jaishankar ngay lập tức đã khiến Trung Quốc nổi giận. Báo Trung Quốc cũng đăng bài bình luận với giọng điệu chỉ trích Ấn Độ.
"Các tranh chấp trên biển là vấn đề giữa những nước liên quan và bất kỳ bên thứ ba nào cũng không có quyền can thiệp" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) nói tại cuộc họp báo hôm 26-3, khi bình luận về phát ngôn của Ngoại trưởng Ấn Độ.
Một ngày sau đó, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài bình luận với dòng tít: "Ấn Độ ngây thơ can thiệp vào vấn đề Biển Đông".
"Ấn Độ đang tích cực tham gia 'câu lạc bộ chống Trung Quốc', hy vọng gây thêm áp lực lên Trung Quốc bằng cách đứng về phía Philippines trong vấn đề Biển Đông' - Thời báo Hoàn Cầu viết hôm 27-3.
Theo tờ báo Trung Quốc này, phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ giống với lập trường của Mỹ và các đồng minh của Washington về vấn đề Biển Đông.
"Việc Ấn Độ can thiệp vào vấn đề Biển Đông là không khôn ngoan. Các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines không liên quan đến bất kỳ bên thứ ba nào. Cái gọi là sự ủng hộ của Ấn Độ chẳng qua chỉ là bắt chước, và điều này sẽ chỉ khiến Ấn Độ giống một kẻ đi theo Mỹ. Về lâu dài, Ấn Độ sẽ chỉ dần trói buộc mình vào nước Mỹ, từ đó trở thành con tốt trong mạng lưới bá quyền toàn cầu của Mỹ và làm xói mòn quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ" - Thời báo Hoàn Cầu lập luận.
Rủi ro và tổn thất hơn cho Ấn Độ trong tương lai
Tờ báo này nói thêm việc Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông còn khiến vấn đề biên giới Trung - Ấn phức tạp hơn.
"Hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ đang cùng nhau nỗ lực giải quyết vấn đề biên giới thông qua đối thoại, và lợi ích chung của hai nước vượt xa những khác biệt. Tuy nhiên, nếu New Delhi tiếp tục đánh giá sai tình hình và đánh giá thấp quyết tâm, ý chí của Trung Quốc, thì điều đó sẽ chỉ dẫn đến nhiều rủi ro và tổn thất hơn cho Ấn Độ trong tương lai" - Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo.
Gần đây xảy ra một loạt sự cố giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines ở Biển Đông. Hôm 5-3, tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên Philippines và phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines khi Manila làm nhiệm vụ tiếp tế cho quân nhân của họ ở bãi Cỏ Mây. Ngày 23-3, tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế Philippines.
Thời gian qua Philippines tố tàu hải cảnh Trung Quốc và các tàu khác đã "quấy rối", "ngăn chặn", và thực hiện các hành động "nguy hiểm" nhằm vào tàu Philippines ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết nước này muốn giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc một cách hòa bình, nhưng Bắc Kinh "hãy dừng quấy rối chúng tôi".
Trong khi đó, Mỹ lên án việc Trung Quốc liên tục cản trở các tàu Philippines thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển và làm gián đoạn hoạt động tiếp tế cho quân nhân ở bãi Cỏ Mây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh Philippines nếu Manila bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Chỉ trong vòng chưa đến 20 ngày của tháng 3-2024, hải cảnh Trung Quốc đã hai lần phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế Philippines tại khu vực bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. Chuyện gì đang xảy ra?