Sáng 2-2, nhiều người tới chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để làm lễ cúng và phóng sinh chim, cá.
Khác với mọi dịp, lần này người dân có phần an tâm và thong thả sắm "phương tiện" tiễn ông Táo về trời.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, khoảng 9h cùng ngày, lực lượng tàu kiểm ngư đã có mặt dưới sông phối hợp cùng Công an phường 13 (quận Bình Thạnh) trên bờ tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn thủy sản trên địa bàn sông Sài Gòn.
Trao đổi với phóng viên, trung tá Lê Xuân Thịnh - phó trưởng Công an phường 13 - cho hay:
"Nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện diễn ra trong ngày Tết ông Công, ông Táo, phường 13 cử 6 cán bộ phối hợp cùng lực lượng tàu kiểm ngư tuần tra để người dân yên tâm thả cá".
Chính vì lý do này, đội xuyệt điện, bắt cá đã vắng bóng hoàn toàn. Thêm đó, người dân tới chùa làm lễ, phóng sinh chim cá cũng được thoải mái hơn rất nhiều.
Chị Hà Trang (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chị phải xem xét tình hình có đội xuyệt điện chực chờ không đã mới dám mua cá đến thả.
Khi thấy tình hình trật tự, lực lượng tuần tra đàng hoàng chị Trang mới thở phào. "Hy vọng trong tương lai, các dịp lễ tương tự cũng có người quản lý, tuần tra như vậy chúng tôi mới yên tâm thực hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc ta", chị Trang nói.
Tuy đội xuyệt cá đã "mất tăm" nhưng nhiều người vẫn thuê ghe chở người và cá ra giữa sông để thả cá, trải nghiệm cảm giác khác lạ giữa sông Sài Gòn.
Tới khoảng thời gian gần trưa, không khí dần nhộn nhịp hơn, người già trẻ nhỏ dắt tay nhau ra bên bờ sông cạnh chùa Diệu Pháp thả cá chép.
Hòa mình vào không khí này, tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam - Trần Thị Thu Thảo bộc bạch:
"Mình đã chuẩn bị từ sớm, đến đây làm lễ và thả cá mong cho gia đình sức khỏe bình an, còn riêng bản thân mong gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp 2024".
TTO - Thấy giữa trưa vắng người, đối tượng bịt khẩu trang xông vào quật chủ tiệm vàng ngã xuống đất, dùng xuyệt điện tự chế ghim vào người nạn nhân bất tỉnh rồi hốt tiền, vàng bỏ vào balô định tẩu thoát nhưng bị người dân vây bắt tại trận.