vĐồng tin tức tài chính 365

Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ 2: 'Tòa thành' độc đáo và quy hoạch vàng

2024-03-28 12:05
Chợ Bến Thành giai đoạn mới xây dựng xong - Ảnh tư liệu

Chợ Bến Thành giai đoạn mới xây dựng xong - Ảnh tư liệu

Có bạn hỏi vì sao kiến trúc nhà lồng của chợ to quá? Có bạn ngạc nhiên khi biết xa xưa trước cửa chợ là nhà ga xe lửa và bến xe khách đông đúc.

Đúng vậy, để phố chợ này làm nên vai trò "cái rốn quý" hàng và người bậc nhất Sài Gòn - TP.HCM, không thể không có yếu tố kiến trúc và quy hoạch.

Đó chính là bệ phóng giúp phố chợ Bến Thành vượt qua khuôn khổ một cơ sở thương mại cấp quận để trở thành một đầu mối giao thương lan tỏa toàn thành và liên tỉnh!

Cơ ngơi đẹp, biểu tượng phồn vinh

Vốn dĩ chợ Bến Thành nguyên thủy có từ cuối thế kỷ 18, nằm bên bờ kinh Lớn mà nay là đường Nguyễn Huệ. Sau đấy, chính quyền thực dân dựng lại chợ gồm năm dãy nhà lồng - lợp ngói đỏ, xếp đặt thứ tự, khang trang nhưng vẫn mang vẻ chợ nông thôn.

Do hỏa hoạn (1870) và mưa bão (1904), chợ trở nên cũ nát, không còn phù hợp với chiều hướng mở mang đô thị. Chợ Bến Thành một lần nữa được "tái sinh" với quy mô to lớn, kiên cố và tân tiến hơn rất nhiều.

Chỉ trong hai năm xây dựng (1912 - 1914), từ một bãi đất đầm lầy nằm trũng giữa các kinh rạch vừa được lấp thành đường, đã mọc lên một ngôi chợ nhà lồng nguy nga.

Nhìn từ xa và từ trên cao, ngôi chợ trông như một "tòa thành" lớp lang và đăng đối, có đến 16 cửa với bốn cửa chính bề thế Đông - Tây - Nam - Bắc. Kiến trúc chợ hình chữ nhật, dài 100m, rộng 80m, chia thành bốn phần đều đặn.

Bên trong chợ có hai đường đi lớn ở giữa hợp thành chữ thập, rộng 20m. Còn vỉa hè bao quanh chợ thuở ban đầu rộng đến 8m. Nâng đỡ giàn mái ngói của chợ là vòm thép vĩ đại cùng loại sử dụng cho nhà ga và nhà máy lớn. Công nghệ xây dựng và vật liệu mới giúp các trụ đỡ nhà lồng được đặt ở hành lang vòng quanh.

Nhờ đấy, bên trong nhà lồng có được không gian cao rộng. Với mái ngói hai tầng và vòng ngoài không vách, chợ có được ánh sáng ban ngày chan hòa, thông thoáng. Dưới nền chợ có hệ thống cống và hầm nước loại lớn, sau này có thêm trạm biến thế và hệ thống điện.

Diện tích khuôn viên chợ Bến Thành hơn 13.000m2, lớn gấp đôi so với chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cùng thời. Mặt khác, các dãy nhà phố ba tầng xếp thành hình chữ U "ăn theo" chợ và các hàng phố liền kề (Lê Lợi, Phạm Hồng Thái) đều có kiểu dáng hài hòa với chợ.

Chúng thể hiện sự đồng bộ, chuyên nghiệp và mới mẻ so với các hàng phố xô bồ quen thuộc. Nếu tính cả chợ và các hàng phố gần bên thì tổng diện tích mặt bằng của toàn khu phố chợ Bến Thành là 91.500m2 - một diện tích thương mại cực lớn.

Chợ Bến Thành đã được hoàn chỉnh từ thời Pháp - Ảnh tư liệu

Chợ Bến Thành đã được hoàn chỉnh từ thời Pháp - Ảnh tư liệu

Tác giả thiết kế và công sức xã hội

Tuy không phải là nhà cao tầng nhưng tháp đồng hồ ở cổng chính của chợ Bến Thành có chiều cao hơn 18m giữa các mái nhà vòm đã tạo cho ngôi chợ một kiểu dáng đồ sộ mà thanh nhã.

Cái tháp đồng hồ độc đáo ấy đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ như một biểu tượng tiêu biểu của Sài Gòn. Người Việt ở Mỹ, Úc và Canada đã xây dựng mô phỏng tháp đồng hồ Bến Thành ở một số khu thương mại Việt.

Hình ảnh tháp đồng hồ Bến Thành còn được đưa vào logo - thương hiệu của nhiều công ty. Ai là tác giả kiểu dáng bất hủ của chợ Bến Thành? Theo nghiên cứu của Tổ chức Enterprises - Coloniales, người thiết kế chợ chính là kiến trúc sư Eugène Mopin thuộc nhà thầu xây dựng Brossard & Mopin (thành lập năm 1906).

Ông Mopin - vào năm 1914, đúng 40 tuổi, từng tham gia thiết kế và xây dựng trụ sở tòa án và nhiều công trình lớn ở Hà Nội cùng nhiều công trình công cộng khác ở Đông Dương.

Khi thiết kế chợ Bến Thành, có lẽ Mopin và các cộng sự lấy cảm hứng từ Les Halles - ngôi chợ nhà lồng khổng lồ (1870), bao gồm 12 gian, là chợ trung tâm của Paris. Song tác giả vẫn tạo cho chợ Bến Thành nét đẹp duyên dáng của riêng nó.

Có thể nói vào thời ấy, kiến trúc và quy mô phố chợ Bến Thành đều thuộc loại "khủng" ở Đông Dương và Đông Nam Á. Chỉ riêng kinh phí xây dựng chợ đã là 975.000 Francs, tương đương khoảng 19.000 tấn gạo xuất khẩu (*).

Tính theo giá xuất khẩu hiện tại thì lượng gạo ấy tương đương 12,7 triệu USD. Kinh phí xây chợ đến từ ngân sách chính quyền, và hẳn nhiên đó là tiền thuế của nhân dân. Như vậy, sự ra đời của phố chợ Bến Thành chính là tích hợp lớn lao và vô giá của tài lực, trí tuệ và mồ hôi của cả xã hội.

Tọa độ vàng, tầm nhìn xa, quy hoạch hiệu quả

Không phải ngẫu nhiên phố chợ Bến Thành được xây dựng tại khu đầm Boresse - một mặt bằng hoang hóa bao la và lại có vị trí rất đắc địa.

Bãi đất trống phía trước phố chợ được thiết kế thành một quảng trường quy tụ đến chín con đường, trở thành một giao lộ lớn nhất thành phố. Song điều thuận lợi hơn nữa là nhà ga xe lửa trung tâm (công viên 23-9) nằm cách cửa chợ chỉ trong 5 phút đi bộ.

Từ phố chợ, xe thẳng tiến trong vòng mươi phút qua đại lộ La Somme (Hàm Nghi), nguyên là kinh Cầu Sấu, là đến cảng Khánh Hội và các bến tàu dọc bờ sông.

Để nối phố chợ Bến Thành với Chợ Lớn thuở đầu phải dùng đường xe tram (xe điện) và đường ghe thuyền ven kinh Bến Nghé. Nhưng từ khi có đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo), xây dựng 1916 - 1928, thì đây là con đường huyết mạch giữa hai trung tâm thương mại chính của thành phố.

Gần đây, giới quy hoạch trong nước bàn thảo nhiều về mô hình TOD (Transit Oriented Development) lấy giao thông công cộng làm trung tâm mở mang thành phố. Mô hình này, xuất phát từ Nhật Bản, giúp người dân hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và tạo ra các khu dân cư lớn.

Thế nhưng, thật lý thú, từ xưa chính quyền Sài Gòn đã thực hành TOD khi quy hoạch khu vực phố chợ Bến Thành nằm trong tổng thể nhà ga xe lửa + bến cảng + chợ trung tâm. Sự ra đời của phố chợ Bến Thành cùng với nhà ga xe lửa Sài Gòn vào năm 1914, chính là kết quả của một tầm nhìn quy hoạch đô thị rất hiệu quả.

Bài học này rất cần được ôn lại khi thiết kế TP.HCM trở thành một đại đô thị đa trung tâm. Nhất là khi sẽ hình thành các trục đường metro, đường trên cao, đường vành đai, đường sông rộng lớn và tối tân hơn thế kỷ trước. Uống nước nhớ nguồn, phố chợ Bến Thành nhân năm sinh nhật lần thứ 110 cần được sớm công nhận là Di sản kiến trúc và kinh tế - văn hóa.

(*) Theo luận văn THE RICE INDUSTRY OF MAINLAND SOUTHEAST ASIA 1850 - 1914 của Norman G. Owen (siam society.org), giá gạo Nam Kỳ xuất khẩu vào năm 1910 là khoảng 3,10 Francs cho một Picul (60,7kg).

Như vậy, chi phí xây dựng chợ Bến Thành năm 1914 là 975.000 Francs, có thể tương đương với giá trị 19,091 tấn gạo thời ấy. Nếu so với thời giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao vào tháng 11-2023 là 667 USD/tấn thì số lượng gạo nói trên hiện tại trị giá 12,733 triệu USD.

Nhiều năm qua, kể từ trước năm 1975, một trong những địa điểm vàng ở Sài Gòn - TP.HCM mà du khách luôn được dẫn đến tham quan, mua sắm là chợ Bến Thành. Chính ở nơi này, người phương xa sẽ cảm nhận rõ sức sống của thành phố trù phú miền Nam Việt Nam, và sâu xa hơn nữa đó còn là lịch sử, văn hóa cùng bản sắc độc đáo riêng có của đất và người nơi đây.

------------------------

Cụ Vương Hồng Sển, tác giả Sài Gòn năm xưa, kể khoảng năm 1918 đã có đờn ca tài tử ở khách sạn Cửu Long Giang (hiện tại là tòa nhà Pizza 4P ở góc Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn) đối diện cửa bắc chợ Bến Thành.

Kỳ tới: Tri ân đời phố, đời chợ, đời người

Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ 1: Bến Thành - chốn đô hội phồn vinhNâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ 1: Bến Thành - chốn đô hội phồn vinh

Ngày 28-3-2024 này, ngôi chợ nhà lồng bề thế được bao quanh bởi các dãy nhà phố buôn bán sầm uất gọi chung là phố chợ Bến Thành sẽ thắp nến 'sinh nhật' 110 năm.

Xem thêm: mth.66384312272304202-gnav-hcaoh-yuq-av-oad-cod-hnaht-aot-2-yk-man-011-hnaht-neb-ohc-ohp-uin-gnan/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nâng niu phố chợ Bến Thành 110 năm - Kỳ 2: 'Tòa thành' độc đáo và quy hoạch vàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools