Dinh 1 là công trình UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt thuê không qua đấu giá. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm và yêu cầu tỉnh Lâm Đồng phải thu hồi.
4 năm chưa xong thủ tục thu hồi Dinh 1
Tháng 11-2023, UBND TP Đà Lạt thực hiện theo ủy quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng phát văn bản yêu cầu Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt (Hoàn Cầu Đà Lạt) bàn giao Dinh 1 (số 10 Trần Quang Diệu, P.10, Đà Lạt). Việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà, đất và bàn giao diễn ra sau 60 ngày.
Dinh thự này có khuôn viên gần 16ha nằm ở nội ô Đà Lạt. Ngày 29-3, UBND TP Đà Lạt cho hay Hoàn Cầu Đà Lạt vẫn chưa bàn giao Dinh 1 cho cơ quan chức năng dù đã quá hạn nhiều ngày.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt (Hoàn Cầu Đà Lạt) thuê Dinh 1 để thực hiện dự án du lịch, nghỉ dưỡng đặt tên King Palace vào năm 2014. Năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm của việc này (kết luận 929/KL-TTCP).
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê nhà, đất Dinh 1 thực hiện dự án King Palace nhưng không có trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cho thuê không qua đấu giá là vi phạm quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng sau đó đã ra văn bản chấm dứt hoạt động của dự án tại Dinh 1 để tiến hành thu hồi đất.
Như vậy, về mặt pháp lý, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã chấm dứt hoạt động đầu tư, kinh doanh của dự án King Palace. Tuy nhiên theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 29-3, Hoàn Cầu Đà Lạt vẫn bán vé, đón khách tham quan tại King Palace.
Kinh phí Hoàn Cầu Đà Lạt đầu tư là 17 tỉ đồng hay 141 tỉ đồng?
Trong khi Dinh 1 chưa thể thu hồi thì mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đấu giá Dinh 1 và một số tài sản công khác.
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các điều kiện để tổ chức đấu giá phải hoàn thiện chậm nhất trong tháng 4-2024 để không gây lãng phí tài sản công và ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.
UBND TP Đà Lạt cho biết vẫn chưa thống nhất được khoản tiền Hoàn Cầu Đà Lạt đã đầu tư vào Dinh 1. Đây là khoản tiền phải hoàn trả cho chủ đầu tư Hoàn Cầu Đà Lạt để đi đến bàn giao đất, tài sản liên quan.
Vào tháng 5-2023, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh phê duyệt và tạm ứng 58,6 tỉ đồng từ ngân sách hoàn trả cho chủ đầu tư Hoàn Cầu Đà Lạt do chấm dứt hoạt động dự án King Palace.
Sở cũng ghi nhận số tiền Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt đầu tư vào dự án có chứng từ thanh toán là hơn 17 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu Đà Lạt lại có cách tính khác. Doanh nghiệp cho biết đã đầu tư vào dự án hơn 141 tỉ đồng và việc tính toán của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng chưa đầy đủ.
Liên quan đến khoản đền bù để chấm dứt dự án, Hoàn Cầu Đà Lạt cho rằng đã đóng tiền thuê đất (50 năm) ngay từ khi nhận mặt bằng để thực hiện dự án King Palace. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng phải trả lại số tiền thuê đất (còn 41 năm) theo giá hiện thời.
Đại diện Hoàn Cầu Đà Lạt cho biết đã gửi đơn cứu xét gửi đến Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ… và hiện đang chờ hồi đáp. Do đó, Hoàn Cầu Đà Lạt chưa thống nhất với việc thu hồi đất cũng như chấm dứt hợp đồng thuê đất.
Dinh 1 - biệt thự quý của Đà Lạt
Trong bộ ba dinh thự, Dinh 2 (Dinh Toàn quyền) được xây dựng sớm nhất, khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1937.
Tiếp theo là Dinh 3 (Dinh Bảo Đại), có tên ban đầu Palais Impérial, xây năm 1934, hoàn thành năm 1938. Công trình này dùng làm nơi ở và tiếp khách của Bảo Đại khi làm vua, về sau là quốc trưởng.
Còn Dinh 1 được xây dựng vào năm 1940 bởi một triệu phú, viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery. Công trình nằm trong rừng thông rộng 40 - 50ha ở độ cao 1.550m (so với mực nước biển), ở phía đông Đà Lạt.
Quần thể công trình này gồm một dinh thự lớn và hai biệt thự nhỏ hơn, tên ban đầu của khu dinh thự lớn này là Domain Bourgerie. Khoảng cuối năm 1951, "Quốc trưởng Bảo Đại" đã mua lại Domain Bourgerie để dành cho các cơ quan phục vụ "quốc trưởng" mà trước đây phải đặt rải rác ở nhiều nơi trên đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú).
Từ đó, Domain Bourgerie đổi thành Văn Võ phòng quốc trưởng. Về sau, khu dinh thự được chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng làm nơi nghỉ mát. Sau năm 1975, khu Văn Võ phòng quốc trưởng (Domain Bourgerie) được gọi là Dinh 1.
TTO - Nhiều thông tin lịch sử quan trọng dùng thuyết minh cho du khách về Dinh I được xác định là sai sự thật, đến gần đây mới được gỡ bỏ.