Phổ biến nhất là mâu thuẫn, tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư và ban quản trị chung cư liên quan diện tích, tiện ích sở hữu chung và riêng, việc quản lý quỹ bảo trì chung cư…
Ban quản trị chung cư phải rõ quy định
Đáng nói, ngày càng có nhiều vụ việc cho thấy xung đột giữa cư dân với ban quản trị mình bầu ra trong các hành xử, điều hành, quản lý thường nhật.
Điển hình như vụ hộ dân kiện ban quản trị chung cư 24AB (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ra tòa vì bị cắt nước hơn một năm. Nguyên nhân là ban quản trị cho rằng hộ dân không đóng tiền quỹ bảo trì hằng tháng.
Trong khi hộ dân thì cho rằng ban quản trị thu chi không đúng, thiếu minh bạch tiền quỹ bảo trì, không giải trình cho cư dân nên mới phản ứng bằng cách không đóng tiền. Ban quản trị chung cư này còn chống cơ quan thi hành án và quyết định có hiệu lực của tòa án buộc mở nước cho hộ dân.
Hay vụ ban quản trị chung cư Miếu Nổi vì kê khống tiền lắp đặt thang máy nên bị cơ quan công an khởi tố tội tham ô.
Theo luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội, dù ban quản trị do cư dân chưng cư bầu ra, được trả thù lao cho công việc của mình nhưng công việc của họ có tính chất vì cộng đồng, "vác tù và"... "Tuy nhiên, chỉ với sự nhiệt tình là không đủ mà ban quản trị nên tìm hiểu, nắm quy định pháp luật liên quan để hành xử cho đúng", ông Tú nói.
Theo ông Tú, từ vụ việc ban quản trị chung cư Miếu Nổi sẽ giúp các ban quản trị khác nhận thức sâu sắc hơn khả năng vướng tội danh "tham ô" nếu họ có hành vi chiếm đoạt tiền quỹ chung cư hoặc có khuất tất trong việc quản lý, sử dụng các khoản tiền khác.
Vụ việc này cũng cảnh tỉnh cho những ai có ý định tham gia ban quản trị với mục đích cá nhân, "kiếm ăn" rồi có hành xử gây bất lợi cho cư dân.
Đồng tình, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng khi ban quản trị nắm quy định sẽ hạn chế hành xử tùy tiện, "hồn nhiên".
"Vụ việc ban quản trị chung cư 24AB chống quyết định của tòa là vi phạm pháp luật, có nguy cơ rất cao sẽ bị xử lý…", luật sư Tuấn nói.
Hành xử theo khuôn khổ, cư dân đồng thuận
Để tránh vi phạm, bảo đảm chuẩn mực trong công tác quản lý, vận hành chung cư, theo luật sư Tuấn, ban quản trị cần nắm rõ về quy định (như Luật Nhà ở, thông tư 02) và tuân thủ theo quy chế, quy định của hội nghị nhà chung cư.
Theo quy định, ban quản trị có các quyền và trách nhiệm như: quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì và báo cáo hội nghị nhà chung cư kết quả hoạt động, thu, chi tài chính có liên quan cho hội nghị nhà chung cư kiểm tra, giám sát; chịu trách nhiệm trước các chủ sở hữu nhà chung cư về nhiệm vụ được giao…
"Đồng thời ban quản trị phải thực hiện đúng theo quy chế của nhà chung cư, nhất là hoạt động liên quan đến tiền. Việc nào quy chế có quy định thì thực hiện, không tự ý thực hiện ngoài nhiệm vụ, chức trách để tránh việc vi phạm hoặc ít nhất là sự phản đối, xung đột với cư dân. Khi việc quản lý chung cư đúng khuôn khổ, minh bạch thì cư dân đồng thuận…", luật sư Tuấn chia sẻ.
Một điển hình về hành xử của ban quản trị được cư dân đồng thuận đó là việc mới đây chung cư A.H (TP Thủ Đức) tổ chức sơn lại mặt ngoài của chung cư. Quá trình lên kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí, đến quá trình thi công, quyết toán… đều được ban quản trị báo cáo chi tiết và không gặp phải bất kỳ một thắc mắc nào của cư dân.
"Chúng tôi tổ chức hội nghị nhà chung cư để quyết thông qua dự án sơn lại tòa nhà. Trong đó cư dân bầu chọn ra tổ tư vấn, giám sát bao gồm các cư dân có chuyên môn về kiến trúc, xây dựng, luật...
Tổ này tham gia vào việc mời thầu, chọn nhà thầu, chọn màu sơn, giám sát quá trình thi công, kiểm tra chứng từ thanh quyết toán… Mọi việc đều được cư dân đồng thuận thì không lo phát sinh mâu thuẫn…", một đại diện ban quản trị nói.
Ban quản trị nhà chung cư đại diện cho cư dân, thế nhưng tại một số chung cư, nhiều thành viên ban quản trị đứng vào thế "đối lập" với người dân để trục lợi.