Hãng lỗ 6.000 USD/xe điện?
Thực tế, các hãng chưa công bố chính xác khoản lãi/lỗ khi đầu tư vào xe điện. Nghiên cứu của công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu của Mỹ, Boston Consulting Group (BCG), được thực hiện dựa trên hàng loạt phép tính gián tiếp.
Con số này đi từ việc hãng nghiên cứu tìm ra người tiêu dùng muốn gì ở xe điện. Kết quả nghiên cứu cho thấy khách hàng phổ thông mong muốn xe điện phải đáp ứng được ít nhất 3 yêu cầu: thời gian sạc ngắn, phạm vi hơn 560km và giá cao cũng chỉ khoảng 50.000 USD (1,25 tỉ đồng).
Từ đó, BCG tìm hiểu xem với mức giá 50.000 USD, các nhà sản xuất có thể lãi được bao nhiêu.
Với xe xăng dầu tầm giá 60.000 USD, mức lợi nhuận trung bình các hãng kiếm được là 10%. Từ xe xăng dầu chuyển sang xe điện, các hãng sẽ mất khoảng 10.000 USD cho pin, 5.000 USD cho hệ truyền động điện và các thiết bị điện tử, 1.500 USD đầu tư cho nhà máy, kỹ thuật và các chi phí vốn khác. Chưa kể đến tiền nhân công, chi phí kinh doanh chung và đầu tư nghiên cứu.
Sau khi trừ đi 4.000 USD cho phần động cơ đốt trong do không phải làm nữa, tổng các chi phí bỏ ra vẫn khiến nhà sản xuất lỗ 10% hay 6.000 USD (gần 150 triệu đồng, tương đương một chiếc Honda SH350i phiên bản cao cấp) trên mỗi xe điện.
Như vậy, khoản thua lỗ này liên quan đến chi phí bỏ ra trong giai đoạn đầu phát triển, khi quy mô sản xuất còn nhỏ.
Không phải xe điện nào cũng lỗ
Xét theo giá phân phối ở thị trường Mỹ, hiện tại chỉ có duy nhất một mẫu xe điện đáp ứng được 3 yêu cầu của khách hàng. Đó là Hyundai Ioniq 6 với giá khởi điểm từ 42.450 USD (1,06 tỉ đồng) chưa bao gồm phí vận chuyển. Tesla Model 3 gần đạt được yêu cầu.
Điều này nghĩa là các hãng chưa hẳn thua lỗ nặng nề, do xe điện vẫn đang ấn định ở mức khá cao. Trang chuyên về xe điện InsideEVs cho hay Tesla đã có lãi vững chắc trong nhiều năm, BYD của Trung Quốc cũng thu được lợi nhuận từ việc sản xuất xe điện. Ngoài ra, BMW, Porsche và Audi cũng "làm ăn được".
Tuy nhiên, giá cao sẽ cản trở doanh số xe điện tăng trưởng. Dựa trên doanh số gần như tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020-2022, các hãng kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 70% trong năm 2023, song thực chỉ khoảng 50%.
BCG cảnh báo, nếu các hãng không thể tìm cách kiếm được lợi nhuận từ mức giá 50.000 USD, họ sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
Mở rộng quy mô là bắt buộc để có lãi
Hiện nay, các hãng đang cố gắng tạo ra những mẫu xe điện "giá rẻ" để đáp ứng nhu cầu người dùng phổ thông. Chẳng hạn, Ford cho biết đang tìm cách tạo ra những chiếc xe điện giá rẻ hơn. Ford Explorer EV được ấn định mức giá 40.000 bảng Anh (50.000 USD), song chỉ được bán ra ở châu Âu.
Tuy nhiên, nhờ lợi thế về quy mô, xe điện Trung Quốc vẫn đang đi đầu về giá. BYD đã ra mắt xe điện Seagull với giá khởi điểm 11.400 USD (276 triệu đồng).
BCG cho rằng mối quan hệ giữa nhà sản xuất và bên cung ứng trong việc phân chia chi phí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận cho xe điện.
"Có quá nhiều khoản cần đầu tư, trong khi quá nhiều rủi ro mà cả nhà sản xuất và bên cung ứng đầu vào phải tự gánh", Brian Collie, chuyên gia về ô tô của Tập đoàn Tư vấn Boston, nói với Automotive News. Ông cho rằng để giải quyết vấn đề thì cần phải tăng quy mô thông qua hợp tác và liên doanh.
Ngoài ra, các hãng cũng có thể giảm chi phí bằng nhiều con đường khác. Chẳng hạn tạo ra pin mật độ năng lượng cao hơn, động cơ hiệu quả hơn và phần mềm quản lý pin tốt hơn.
Mặc dù vậy, nghiên cứu cho thấy các nhà sản xuất ô tô vẫn có khả năng lỗ 3.000 USD (gần 75 triệu đồng) trên mỗi chiếc xe điện trị giá 50.000 USD bán được.
Toyota không có kế hoạch sớm tung ra một mẫu xe điện cỡ nhỏ giá rẻ.