Đề xuất các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp.
Nhằm giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường, dự thảo Nghị định tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới và một số chi phí cố định. Thương nhân tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán xăng dầu trên thị trường của doanh nghiệp không được cao hơn giá bán tối đa theo công thức đã quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.
Theo Bộ Công Thương, giá bán xăng dầu tối đa bằng giá xăng dầu thế giới nhân với tỷ giá ngoại tệ cộng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, cộng tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, các loại thuế kể trên sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.
Lý giải đề xuất trên, Bộ Công Thương cho rằng xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường và tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Theo phương án này, việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân được giảm bớt, đây là cải cách trong tính toán giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của doanh nghiệp.
Đề xuất mới về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bên cạnh đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất quan trọng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng thường xuyên, liên tục theo quy định hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định mới, có ý kiến về việc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.
Do vậy, cần có cơ chế mới thay cho cơ chế điều hành giá hiện nay và cơ chế này cần được thể hiện công khai, minh bạch để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo được và quyết định tự công bố giá theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ chế điều hành nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang áp dụng.
Bộ Công Thương cũng nêu rõ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là một trong số các biện pháp bình ổn giá, theo quy định tại Luật Giá hiện hành. Quỹ bình ổn được quy định khá chi tiết tại Luật Giá, nhưng chưa quy định cụ thể khi nào, ở mức độ nào thì sử dụng Quỹ.
Để cụ thể hóa quy định của Luật Giá về bình ổn giá xăng dầu, Nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, ví dụ như: Trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức ...USD/thùng (chẳng hạn là 120 USD/thùng) trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng họp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Luật Giá.
Trước đó, tại kết luận thanh tra công bố đầu năm 2024, Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã nêu rõ việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng tồn tại nhiều bất cập dẫn tới bị doanh nghiệp chiếm dụng.
Theo kết luận thanh tra, trong hơn 5 năm, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi từ Quỹ bình ổn giá khi giá nhiên liệu chưa tăng, số tiền gần 1.143 tỷ đồng, và chi bình ổn cao hơn mức tăng giá, hơn 318 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ kỳ điều hành ngày 1/1/2017 đến 23/4/2018, văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý không rõ ràng, dẫn tới 19 doanh nghiệp đầu mối trích lập sai Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON95 hơn 1.013 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cũng chi sai từ quỹ gần 680 tỷ.
Theo quy định, Quỹ bình ổn giá chỉ được sử dụng trong trường hợp cấp bách, khi giá tăng cao bất thường ảnh hưởng tới đời sống người dân, song thực tế liên Bộ Công Thương – Tài chính sử dụng quỹ này liên tục trong thời gian dài, khi không có biến động về giá.
Việc này cũng dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy chế phối hợp, phân công giữa Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì quỹ, và Bộ Công Thương – cơ quan phối hợp trong quản lý Quỹ bình ổn, kiểm tra, giám sát thương nhân xăng dầu đầu mối.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ bình ổn, dẫn tới 7 doanh nghiệp sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, hơn 7.927 tỷ đồng. Số tiền này đã được doanh nghiệp để tại tài khoản thanh toán trong nhiều kỳ, không kết chuyển về tài khoản quỹ.
Trong đó, 3 doanh nghiệp đã trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn với khối lượng xăng dầu vượt sổ sách, dẫn tới trích lập sai gần 4,8 tỷ đồng và chi sai từ quỹ này gần 22,6 tỷ đồng. Một doanh nghiệp trích lập thiếu vào quỹ hơn 3 tỷ đồng, và một đơn vị thực hiện sai nguyên tắc kế toán số tiền điều chỉnh vào quỹ, gần 10,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý (Bộ Công Thương, Tài chính) không nắm rõ số dư đầu kỳ, số trích lập, sử dụng hay lãi của quỹ này tại một số doanh nghiệp khi ba năm liên tiếp, các doanh nghiệp đầu mối và ngân hàng thương mại nơi họ mở tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu không gửi sao kê.
Hệ thống phân phối xăng dầu hiện tồn tại các loại hình, gồm thương nhân đầu mối, phân phối và đại lý bán lẻ, nhượng quyền. Theo Bộ Công Thương, số lượng thương nhân phân phối xăng dầu tăng nhanh thời gian qua tạo thêm nguồn hàng cho doanh nghiệp bán lẻ, đa dạng hệ thống, nhưng cũng phát sinh bất cập.
Chẳng hạn, quy định cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau đã gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung. Thực tế, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu năm 2022 cho thấy, nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lòng vòng xăng dầu, khiến nguồn cung bị rối loạn.
Vì thế, ở lần sửa này Bộ Công Thương dự tính siết lại quản lý hệ thống phân phối xăng dầu. Trong đó, thương nhân phân phối có thể chỉ được mua xăng dầu tư đầu mối, không được mua bán lẫn nhau.
Với doanh nghiệp bán lẻ, dự thảo mới đề xuất 3 hình thức, gồm đại lý bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối; nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc mua xăng dầu từ đầu mối, thương nhân phân phối để bán lẻ tại cửa hàng.
Bộ Công Thương cũng tính siết quản lý với doanh nghiệp đầu mối. Ví dụ, họ sẽ phải đảm bảo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3/tấn một năm. Quy định này nhằm siết lại việc nhiều thương nhân đầu mối được cấp giấy phép, nhưng không thực hiện hoặc được ưu ái không phải thực hiện phân giao hạn mức nhập khẩu.
Các đầu mối sẽ phải kết nối dữ liệu kinh doanh, kho xăng dầu khi thuê kho với Bộ Công Thương. Dự kiến, họ có 24 tháng chuẩn bị, thực hiện việc này sau khi nghị định mới có hiệu lực.
T.M