Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/3, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 0,3 % trong tháng 2 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 2 chỉ số đều khớp với ước tính của Dow Jones.
Nếu bao gồm cả chi phí năng lượng và thực phẩm, PCE tổng thể tăng 0,3% trong tháng 2 - thấp hơn ước tính 0,4% và tăng 2,5% so với năm trước - khớp với dự báo.
Giá năng lượng đã tăng 2,3%, giá hàng hóa tăng 0,5%, giá dịch vụ tăng 0,3% và giá thực phẩm tăng 0,1%. Khác với xu hướng năm qua là giá dịch vụ đã tăng 3,8%, trong khi hàng hóa thực tế giảm 0,2%.
Áp lực tăng giá khác đến từ dịch vụ du lịch quốc tế, vận tải hàng không và dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Về mặt hàng hóa, xe cơ giới và phụ tùng đóng góp lớn nhất.
Cùng với việc lạm phát gia tăng, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,8% trong tháng, vượt xa ước tính 0,5%, có thể thấy áp lực lạm phát tăng thêm và có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang trì hoãn trước khi bắt đầu xem xét cắt giảm lãi suất. Thu nhập cá nhân tăng 0,3%, nhẹ hơn một chút so với ước tính 0,4%.
Thị trường đã đóng cửa trong ngày 29/3 để nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh.
Trong khi công chúng theo dõi sát sao chỉ số giá tiêu dùng CPI của Bộ Lao động thì Fed lại thích phân tích PCE lõi hơn. CPI chủ yếu xem xét chi phí hàng hóa, dịch vụ, trong khi PCE tập trung vào thứ mọi người đang thực sự chi tiêu, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng khi giá cả biến động.
Báo cáo về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân được đưa ra hơn một tuần sau khi ngân hàng trung ương một lần nữa giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm trong năm nay với mỗi lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
Các thị trường đang dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên quan điểm khi đưa ra quyết định vào ngày 1/5 tới, sau đó bắt đầu cắt giảm tại cuộc họp ngày 11-12 tháng 6.
Tham khảo CNBC