Dọc sông Hồng từ ngã ba Bạch Hạc ngược dòng lên mạn bắc, xưa kia cá anh vũ và cá dầm xanh được kể lại như huyền thoại.
Nhất là anh vũ - loài cá mình tròn, vảy cá chép nhưng có cái môi sưng vếu lên như môi người bị ong đốt.
Chỉ một vài nhà hàng ở Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội có bán loại cá này, giá cả lên tới cả chục triệu đồng mỗi kg. Thực khách sành điệu kháo nhau thịt cá anh vũ vừa ngon vừa như một vị thuốc đại bổ.
Nuôi cá anh vũ tiến vua trên đỉnh đèo
Trang trại nuôi "ngũ quý hà thủy" của ông Nguyễn Việt Hòa ở Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) lại ở cheo leo lưng chừng núi.
Chục năm trước, khu này chỉ là vài đám ruộng bỏ hoang, ngay gần đầu nguồn con suối của bản. Giờ đây, đám ruộng xưa là một hệ thống ao được xây kiên cố có thiết kế bậc thang. Có nhà kho riêng, vườn rau và cả khu nhà sàn để đón khách ngủ lại.
Khu trang trại có đủ năm loại "ngũ quý hà thủy" gồm cá anh vũ, dầm xanh, lăng, chiên và cá bỗng.
Nhiều nhất là lũ cá bỗng, con nào con nấy to như bắp đùi, hai má hồng ửng, ăn toàn bắp cải với rau rừng.
Lũ cá chiên lừ đừ như cây gỗ mục, loại này da trơn nhưng không có nhớt, thịt vàng ươm. Ít hơn là dầm xanh và anh vũ - hai loại này rất chậm lớn, chỉ sống ở vùng nước chảy, ăn rong rêu, phù du. Nuôi vài năm trời, con to mới bằng cổ tay.
Ông Hòa chỉ mấy con cá mới to bằng chuôi dao trong hốc đá: "Đàn này bán cả con trâu đi không đủ tiền mua. Con như này (bằng cái đít chén nước trà) đã hai triệu rồi".
Trong hốc đá dưới đáy bể nước, dăm con cá có vảy giống cá chép nhưng mình tròn như cá trắm lại có cái môi sưng vếu lên như bị ong đốt đang chầm chậm chén mấy sợi rêu lởn vởn trước mặt. Loài này thịt chắc, con bằng cổ tay nhưng ruột nhỏ như que tăm. Bộ tiêu hóa bé xíu vậy bảo sao loài này nuôi mãi chẳng thấy lớn?
Cá anh vũ bán ngay tại trang trại trên lưng chừng núi này có giá 4 triệu đồng mỗi cân, về miền xuôi giá gấp đôi. Chúng tôi thử gọi điện đặt món cá anh vũ ở một nhà hàng ngay TP Việt Trì, cô lễ tân báo cá anh vũ loại hơn năm lạng có giá 10 triệu đồng mỗi cân.
Nhà hàng sẽ mổ hấp lá gừng hoặc làm món gì tùy khách đặt. Muốn ăn phải đặt trước hai ngày để nhà hàng "săn" cá.
Cá anh vũ là loài cá đứng đầu trong "ngũ quý hà thủy". Nhiều tài liệu ghi lại loài này nổi tiếng vùng Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), nơi ngã ba sông Hồng với sông Đà và sông Lô.
Thời vua Hùng, dân trong vùng đánh được cá quý dâng cho vua nên cá anh vũ vẫn được coi là một trong những loại cá tiến vua.
Ở quê ông Hòa, thời chưa có đập thủy điện, những cái vật (khúc sông nước quẩn) trên sông Gâm hay chân những con thác người dân đánh lưới vẫn bắt được cá anh vũ to bằng cổ chân. Hồi ông còn nhỏ có hôm lùa trâu xuống sông, chỗ chân con thác, cả đàn anh vũ giật mình lao lên mặt nước quẫy ùm ùm!
Chục năm trở lại đây gần như không thấy ai bắt được con anh vũ nào ngoài tự nhiên. Bọn trẻ lớn học cấp III cũng không biết cá anh vũ là con gì.
Chục năm tìm cá tiến vua cho "thượng đế"
Thế là chục năm trước, lão ngư Nguyễn Việt Hòa làm nhà bè ở một cái eo nhỏ trên hồ thủy điện. Thế nhưng bè cá trên hồ chỉ nuôi được mấy loại rô phi, cá trắm… bán đầy ngoài chợ. Giá rẻ, lại xa chợ, tính ra chẳng bõ công dãi nắng dầm mưa ngoài mặt hồ.
Ông Hòa gom góp những đồng vốn từ nuôi cá bè ngược lên Bắc Mê (Hà Giang) rồi xuôi Phú Thọ, Vĩnh Phúc, vào cả Thanh Hóa để tìm giống cá đặc sản.
Hơn năm sau, ông kiếm được ít giống cá nheo (một loại cá da trơn) và cá lăng đen. Hai loại này đều là đặc sản, bán được giá cao nhưng đòi hỏi nước chảy và sạch.
Vài tháng sau có người mách ông là ở Việt Trì có nơi bán giống cá anh vũ. Nghe điện thoại xong, ông vỗ bôm bốp vào miệng cái điếu thuốc lào reo lên như trúng xổ số.
Ít lâu sau, ao cá của ông Hòa có thêm hơn nghìn con cá anh vũ. "Nuôi loại này giống như trồng rừng ấy, lâu lắm! Nhưng càng lâu thì càng có gỗ tốt, bán được nhiều tiền", ông Hòa cho hay.
Ông bổ đôi cây móc rừng làm máng dẫn nước suối vào ao, vác đá xếp dưới đáy tạo hang hốc cho cá ở. Ông dự định nuôi 4-5 năm, con nào to thì bán, ngày ấy mỗi con cá anh vũ to cỡ cổ tay bán được hơn triệu đồng. Các loại lăng, nheo, dầm xanh có giá vài trăm nghìn mỗi cân.
Thế nhưng trời không chiều lòng người. Ao cá bị rò không rõ lý do, đàn cá anh vũ và cá nheo vài nghìn con bỗng nhiên đi đâu sạch! Có người ở bản dưới chân núi bắt được con cá lạ "chưa thấy bao giờ".
Họ bảo chắc đó là "cá ông Hòa". Rồi nhiều con khác bị thương tơi tả. Con rách vây, con tróc vảy, rách mép, có con bị loài nào cắn dở phần thịt lòi ra nham nhở.
Hai vợ chồng ông Hòa vét ao kiểm tra. Nước cạn gần hết, trong một vài cái hang mới đào, có con cua đá càng to như ngón tay giương mắt lên nhìn, một bên càng đang cặp khúc thịt cá. "Lúc đấy chẳng còn nước mắt đâu mà khóc", ông Hòa chua xót.
Mất mấy nghìn con tính ra cả tiền tỉ chứ có ít đâu! Mà có phải bão lũ, bệnh dịch gì đâu? Có tại mấy con cua thôi! Nó ăn cá của mình, lại còn đào hang thủng cả ao! Cá trôi theo lỗ thủng, chết thối um vườn cam nhà dân dưới bản".
Từ đấy, ao cá được kiên cố dần. Những con anh vũ đầu tiên được bán với giá hai triệu mỗi cân. Thế rồi tăng lên hai triệu rưỡi rồi ba triệu, bốn triệu… Một cân cá anh vũ bằng cả con bò giống của bà con trong vùng rồi. Dân trong vùng không ai dám ăn, chỉ vài người hiếm hoi tìm đến mua làm quà biếu. Ông Hòa bán cho các nhà hàng tận Việt Trì, Hà Nội nhưng cũng không có mấy để bán.
Hiếm người nuôi anh vũ thành công
Ông Lê Trần Nguyên Hùng - trưởng Phòng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) - cho hay cá anh vũ là một loài đặc hữu xuất hiện ở lưu hệ sông Hồng, sông Kỳ Cùng, sông Lam và một số nơi thuộc Vân Nam (Trung Quốc).
"Hiện nay nhiều trại giống đã cho sinh sản thành công để sản xuất giống. Tuy nhiên vì thời gian sinh trưởng rất lâu (khoảng 4 năm) nên nhiều người nuôi nhưng rất hiếm người thành công", ông Hùng nói.
Trăn trở bảo tồn
Trang trại của lão ngư trên đỉnh đèo giờ nuôi đủ "ngũ quý hà thủy", nhưng loại đầu bảng là anh vũ không còn nhiều.
Ông Hòa ước chừng chỉ còn hơn trăm con. Loại nhiều nhất trong trang trại là cá bỗng - thứ cá nuôi 3 năm bằng bắp đùi, lưng xanh má đào. "Giá cá bỗng rẻ hơn, hợp túi tiền nhiều người, ngày nào tôi cũng chuyển cho khách một vài con", ông Hòa nói.
Thế nhưng hai loài cá cực quý trong truyền thuyết là dầm xanh, anh vũ tưởng được khôi phục lại đang mất dần đi. Trung tâm giống trước đây đã giải thể, mối bán cá giống ở Bắc Mê cũng không còn. Họ nói cả sông Gâm và sông Nho Quế hiện giờ toàn đập thủy điện, tìm cá anh vũ giống như mò kim đáy bể.
Cá anh vũ nuôi trong ao chục năm nay không thấy đẻ, chắc không có những "bãi vật" tự nhiên dưới sông cho cá đẻ như năm xưa. Lão ngư trên núi tiếc nuối vì không có kỹ thuật để nhân giống nhân tạo. "Khách gọi rất nhiều nhưng nể lắm tôi mới bán cho một vài con để giữ mối. Mấy năm nay chưa tìm được giống để nuôi nối tiếp", ông Hòa tâm sự.
TTCT - Nhiều người từng nghe về cá anh vũ nhưng ít ai được nhìn ngắm tận mắt. Một tin vui là loài cá hiếm gắn với nhiều truyền thuyết này đang được sinh sản nhân tạo thành công.