Nhưng đó là điều nằm mơ với các cầu thủ trẻ, bởi được ra sân ở V-League là điều rất khó.
Cơ hội thi đấu ở giải trẻ cũng không nhiều
Thời gian qua hằng năm LĐBĐ VN (VFF) tổ chức hệ thống các giải trẻ xuyên suốt từ U9 đến U21 với số lượng các đội tham dự và số trận đấu ngày càng tăng. Ngoài ra VFF và LĐBĐ châu Á (AFC) quy định mỗi năm các CLB phải tham dự ít nhất 4 giải trẻ.
Trong đó bắt buộc với U15 và U17, nếu không CLB sẽ gặp khó khăn trong quá trình cấp phép tham dự mùa giải mới cũng như bị phạt tiền. Nhưng thực tế VFF cũng phải cấp phép ngoại lệ cho vài đội bóng, đứng đầu là CLB Hải Phòng, khi họ không có hệ thống đào tạo trẻ nào.
Nhưng dù có nhiều giải đấu, cơ hội thi đấu nhiều của các cầu thủ trẻ cũng không cao, nhiều chuyên gia cho rằng giống như trồng cây nhưng ít tưới nước vậy. Như vòng loại Giải U15 quốc gia 2023 có 28 đội bóng tham dự.
Các cầu thủ ở 26 đội bóng không giành quyền vào VCK cũng chỉ được đá 8 - 10 trận chính thức trong một năm. 12 đội lọt vào vòng chung kết, nếu dừng bước ở vòng bảng cũng chỉ đá thêm được 3 trận, nâng số trận đấu chính thức lên 11 - 13 trận.
Càng vào sâu, số trận sẽ tăng lên. Hai đội lọt vào chung kết sẽ được đá 6 trận, nâng tổng số trận toàn giải lên 14 - 16 trận. Con số này là quá ít so với mong muốn của HLV Troussier.
Giải U17 quốc gia 2023 cũng gần giống vậy khi 2 đội vào chung kết cũng chỉ thi đấu tổng cộng 16 trận. Tương tự là lứa U19. Với các cầu thủ U21, số lượng trận đấu còn ít hơn. Cầu thủ đá nhiều nhất cả giải (chung kết) cũng chỉ 10 - 11 trận/năm.
Dự bị dài hạn ở V-League
Ở V-League 2023 - 2024, VFF và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) lần đầu tiên quy định 14 CLB tham dự phải đăng ký tối thiểu 3 cầu thủ nội 16 - 22 tuổi nhằm giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội ra sân ở sân chơi cao nhất.
Nhưng thực tế đa số các CLB đều đăng ký cho có, hoặc mượn cho đủ 3 cầu thủ U22 theo quy định. Tuy nhiên việc sử dụng cầu thủ trẻ rất hạn chế. Như đội đang đứng đầu bảng Nam Định, HLV Vũ Hồng Việt chỉ đăng ký duy nhất tiền vệ Trần Ngọc Sơn (21 tuổi) vào danh sách thi đấu 7 trận (1 đá chính).
Ngay cả những lò đào tạo trẻ được đánh giá rất cao như CLB Hà Nội hay Thể Công - Viettel cũng gặp áp lực về thành tích nên sử dụng rất hạn chế cầu thủ trẻ. Các tuyển thủ của HLV Troussier như Văn Tùng, Văn Trường hầu như không được ra sân nhiều ở CLB Hà Nội.
Sử dụng nhiều cầu thủ U22 sau 13 vòng đấu V-League 2023 chỉ có 3 CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA), Hoàng Anh Gia Lai và B.Bình Dương.
Trong đó SLNA là lá cờ đầu khi đăng ký 18/26 cầu thủ ở độ tuổi U23 (sinh từ năm 2001 trở về sau) và sử dụng rất nhiều ở 13 trận đấu của lượt đi. Dù vậy vẫn là quá ít để các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát và phát triển tài năng của mình.
HLV Troussier đã chọn nhiều cầu thủ trẻ, những người phù hợp với triết lý thi đấu của mình lên đội tuyển VN. Nhưng sự hạn chế về kinh nghiệm đã khiến họ mắc lỗi dẫn đến bàn thua hoặc không thi đấu tốt như kỳ vọng.
Nếu các cầu thủ trẻ này được ra sân nhiều ở giải đấu trong nước, ông Troussier có lẽ không phải thất bại cay đắng và sớm chia tay bóng đá VN.
* Bình luận viên Vũ Quang Huy:
Bóng đá VN đang phát triển theo mô hình ngược
Nói vậy bởi càng về các giải hạng dưới, các đội càng teo tóp dần, trong khi xu thế của các nước có nền bóng đá phát triển thì các đội ở giải hạng dưới gấp nhiều lần số lượng đội hạng trên.
Tuy các CLB chuyên nghiệp đều cố gắng phát triển đội trẻ và đưa các đội này cọ xát ở các giải hạng dưới, nhưng số lượng như vậy vẫn còn quá ít. Năm 2002, VFF từng tổ chức giải U19 kiểu League thi đấu song song với các giải quốc gia. Nhưng chỉ được một mùa thôi vì kinh phí mà các đội bỏ ra để duy trì việc đó đội lên ít nhất gấp đôi.
Bóng đá thế giới ngày càng phát triển. Nhiều cầu thủ 17, 18 tuổi đã có thể thi đấu các giải hàng đầu. Để có được điều đó, họ phải được cọ xát từ rất sớm. Lứa tuổi đẹp nhất để các cầu thủ trẻ bắt đầu tích lũy những kinh nghiệm thi đấu trong khoảng 15 - 16 tuổi.
Việc được thi đấu cọ xát nhiều đặc biệt còn giúp các cầu thủ trẻ phát triển về tư duy chơi bóng. Học mà thiếu hành (thi đấu) thì những gì qua sách vở chỉ là lý thuyết mà thôi, không biết cách áp dụng. Vì thiếu cơ hội thi đấu nên bấy lâu nay cầu thủ VN luôn bị xem là phát triển chậm.
* Ông Nguyễn Quốc Tuấn (giám đốc kỹ thuật Công ty đào tạo Bóng đá trẻ Bình Dương):
Chỉ có thi đấu nhiều, các em mới tiến bộ
Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức cho các lứa trẻ thi đấu vào cuối tuần theo hình thức lượt đi - lượt về. Ở CLB Bình Dương, chúng tôi cũng áp dụng mô hình này cho đội U17 với các địa phương lân cận. Các em sẽ thi đấu vào cuối tuần ở sân nhà và di chuyển đi sân khách. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có 4 đội từ Long An, TP.HCM và Tây Ninh.
Thực trạng hiện tại là đào tạo nhiều nhưng không có sân chơi để các em thi đấu. Chỉ có thi đấu nhiều, các em mới tiến bộ. Do các giải trẻ quốc gia thường tổ chức ở một nơi và ngắn ngày nên số lượng trận đấu không nhiều cho các em rèn luyện.
Hơn 150 lượt ý kiến của người hâm mộ hiến kế để bóng đá Việt Nam lấy lại vị thế của mình. Chuyên mục BẠN ĐỌC LÀM BÁO tiếp tục giới thiệu những góp ý đầy tâm huyết của bạn đọc.