"Mùa này ở quê đang chuẩn bị thu vụ lúa đông xuân. Nhớ lúc ba vác những bao lúa về sân phơi, mùi thơm của lúa chín và rơm rạ là ký ức khó quên", em nói. Rồi em đưa cho tôi xem tấm hình cánh đồng vàng ươm, phía xa xa là núi.
"Quê em miền núi, hơn mười năm trở lại đây mới có mương nước thủy lợi dẫn về đồng, trước bà con làm ruộng chỉ trông trời, trông đất…".
Có lẽ vì vậy mà em thương những món quê mộc mạc, quý từng hạt cơm dẻo thơm trên thố. Mỗi lần đi ăn chung, em vẫn hay dùng nước canh tráng cho sạch từng hạt cơm còn sót trong tô chung.
"Hồi xưa, khi nội em còn sống, bà hay dặn đừng bỏ bất kỳ hạt cơm nào vì đó là "hạt ngọc của trời"". Bà nội em sống qua thời chiến tranh rồi bao cấp, bao khó khăn vất vả, nhiều lần đói cơm thiếu áo nên trân trọng hạt gạo, miếng cơm.
Nghe em kể mà thương. Thương nhiều hơn còn là nỗi thèm cơm mẹ nấu của em. "Với em, cơm nhà ăn không bao giờ chán". Tôi cũng thích cơm nhà như em. Có lẽ vì thế mà có cảm tình. Rồi yêu!
Nhớ lần về thăm quê em, mẹ nấu cơm đãi khách với những món quê mộc mạc. Miền Trung nêm nếm hơi mặn, hẳn cũng là vì tiết kiệm thức ăn?
Em không giải thích, nhưng cũng đồng tình. Tôi bảo thích mít non kho của mẹ, em nói đó là món ăn nhiều người ưa. Mít non gọt vỏ ngoài, xắt thành miếng to, đem bắc lên bếp, cho ít dầu ăn, nêm nếm cho vừa, rồi đổ nước vào kho, cho lửa nhỏ liu riu đến khi cạn. Gia vị thấm vào từng thớ mít, vị béo, thơm, mặn, ngọt hòa quyện rất bắt cơm.
Rau muống nhà trồng hái vô nấu với mớ tép rang cũng thành món canh khó cưỡng. Chiều bảng lảng, sau cơn mưa dông đầu hè, mọi người quây quần bên nhau.
Tiếng đũa khua nhẹ trong chén, rồi mẹ em nhắc: "Ăn cho no nghe, mai mốt bác vô Sài Gòn con rủ bác mới đi ăn đó". Cả nhà cười thật tươi hoan hỉ. "Nói rứa chớ dễ chi mẹ đi vô trong nớ", chị dâu bạn nói.
Phụ nữ thời nay không thiếu người sành ăn, nhưng họ lại chẳng có thời gian nấu nướng. Vậy mà đến một lúc nào đó, bỗng nhiều người muốn “quay xe” học lại từ công thức nấu ăn của mẹ, của bà một cách "trịnh trọng" và say mê...