Ngày 30-3, ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đã nhận được thông tin về hàng loạt cổ vật liên quan đến vua và hoàng gia triều Nguyễn sắp đấu giá ở Pháp vào ngày 26-4 tới.
Ông Trung nói trong loạt cổ vật này, theo thông tin từ nhà đấu giá thì có những món rất quý, liên quan trực tiếp đến cuộc đời của các vị vua như Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại, Kiến Phúc...: "Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi cuộc đấu giá này".
Kiếm đầu hổ, chuôi ngà voi của vua Hàm Nghi sắp được đấu giá
Theo thông tin từ nhà đấu giá Drouot, bộ sưu tập này có 273 món hàng gồm những kim bài, thẻ bài, huân chương, tiền vàng, sắc phong… liên quan đến hệ thống cấp bậc quan lại trong triều đình, những vật dụng của vua ban cho triều thần và các khâm sứ Pháp tại Việt Nam.
Đáng chú ý trong số đó có thanh kiếm ghi thông tin là của vua Hàm Nghi tặng cho Tướng Brière de l'Isle (tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam, sau này là thống đốc Senegal) vào năm 1885.
Thanh kiếm dài 97,5cm, lưỡi kiếm dài 70cm, chuôi kiếm làm bằng bạc có chạm khắc hình đầu hổ. Phần tay nắm ở chuôi kiếm làm bằng ngà voi có chạm khắc họa tiết hoa lá tinh xảo.
Bao kiếm làm bằng gỗ, được khảm ốc xà cừ. Phần đuôi vỏ kiếm bịt bạc và được chạm khắc hình rồng.
Thanh kiếm này được đấu giá kèm theo một tờ giấy đỏ trang trí rồng vờn mây, bỏ trong một hộp tre. Nội dung trên giấy được cho là do chính vua Hàm Nghi viết, tạm dịch như sau: "
Theo lệnh của Hoàng thượng An Nam, các đại thần Cơ Mật viện hân hạnh gửi tới ngài Brière de l'Isle, Tướng sư đoàn, Tổng tư lệnh quân đội Bảo hộ Pháp ở Bắc Kỳ, một thanh kiếm có cán ngà voi, hình đầu hổ, trang trí bằng bạc; cũng như hai chiếc ngà voi. Ngày 16 tháng 1 năm Hàm Nghi thứ nhất (2-3-1885)".
Đây là thời điểm mà vua Hàm Nghi vừa lên ngôi và vẫn đang cùng với các đại thần là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết nung nấu ý định chống Pháp.
Giá khởi điểm của thanh kiếm này là 3.000 - 3.5000 euro (80 - 93 triệu đồng).
Kim bài, ngọc khánh của vua và hoàng gia triều Nguyễn cũng sắp lên sàn
Ngoài thanh kiếm của vua Hàm Nghi ra còn có kim bài và ngọc khánh vua Khải Định cũng được nhà đấu giá đưa lên sàn lần này. Chiếc kim bài bằng vàng đính ngọc trai và kim cương.
Mặt kim bài chạm khắc hình rồng và khắc chữ "Thái bình thiên tử".
Chiếc kim bài được cho là của vua Khải Định thường đeo trong những dịp lễ lớn của triều đình hay những chuyến công du nước ngoài.
Giá khởi điểm của kim bài là 80.000 - 120.000 euro (2,5 - 3,2 tỉ đồng).
Tương tự là chiếc ngọc khánh của vua Khải Định thường đeo trong các buổi lễ quan trọng.
Khánh làm bằng ngọc trắng, viền xung quanh có trang trí hình rồng, khung khắc chữ mạ vàng ở mặt trước là Khải Định Trân Bửu (huy hiệu quý giá của Hoàng đế Khải Định), mặt sau khắc chữ "Thụ Thiên Vĩnh Mạng" (đã nhận mệnh trời).
Giá khởi điểm của chiếc ngọc khánh này là 30.000 - 40.000 euro (800 triệu - 1 tỉ đồng).
Ngoài ra, nhà đấu giá Drouot sắp sửa cho lên sàn hàng loạt kim bài, ngọc khánh, ngọc bội của các thành viên trong hoàng gia triều Nguyễn như ngọc khánh của Nam Phương hoàng hậu, kim bài của thái tử Bảo Long (con trai vua Bảo Đại), kim khánh của vua Kiến Phúc ban tặng cho ông Félix Faure (sau này là tổng thống Cộng hòa Pháp)…
Theo thông tin từ nhà đấu giá đưa ra, những vật dụng hoàng gia nói trên phần lớn từng thuộc quyền sở hữu của thái tử Bảo Long.
Trong thời gian sống lưu vong tại Pháp sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Bảo Long từng bán rất nhiều bảo vật của nhà Nguyễn mà ông được kế thừa từ vua cha Bảo Đại và mẹ là hoàng hậu Nam Phương để có tiền tiêu xài.
Trong số đó có thẻ bài, vương miện, kim khánh, kiếm báu, các bức ảnh hiếm, các cổ vật… và không loại trừ khả năng những cổ vật nói trên nằm trong số cổ vật từng bị Bảo Long đem bán.
Một số cổ vật được cho là của hoàng gia triều Nguyễn sắp được đấu giá:
Sau nhiều tháng đàm phán và tiến hành các thủ tục cần thiết, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam chiều 16-11 theo giờ Pháp.