vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, liệu có bình mới rượu cũ?

2024-03-30 12:05
Với việc doanh nghiệp xăng dầu sẽ tự công bố giá được kỳ vọng thúc đẩy thị trường xăng dầu cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với việc doanh nghiệp xăng dầu sẽ tự công bố giá được kỳ vọng thúc đẩy thị trường xăng dầu cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là việc Nhà nước vẫn công bố giá tối đa khiến doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại quy định này chưa thực sự để thị trường quyết định.

Tự quyết nhưng không quá giá trần

Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng, với điểm đáng chú ý nhất là công thức và cơ chế giá xăng dầu được giao quyền nhiều hơn về cho doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, làm căn cứ điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần. Thương nhân đầu mối sẽ căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại và được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.

Nhưng giá bán xăng dầu do thương nhân đầu mối công bố sẽ không được vượt qua giá tối đa. Công thức của giá xăng dầu tối đa (giá bán cao nhất do thương nhân đầu mối công bố) sẽ bao gồm giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế.

Trong trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tỉ lệ này cho phù hợp với thực tế.

Bộ Công Thương cho rằng theo phương thức này, việc tính toán chi phí hằng tháng của thương nhân được giảm bớt. Đây cũng là cải cách để giúp thương nhân và cơ quan quản lý giá không phải tính toán, công bố định kỳ các chi phí. Cơ quan nhà nước sẽ theo dõi minh bạch việc công bố giá của doanh nghiệp.

Ngoài ra, phương thức mới này cũng tạo ra sự cạnh tranh về chi phí để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và thương nhân hoàn toàn có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định, qua đó loại bỏ việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2.

Người dân đổ xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào chiều 29-3  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân đổ xăng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào chiều 29-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Liệu có bình mới rượu cũ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng nội dung dự thảo đưa ra những phác thảo ban đầu về cơ chế điều hành và tính giá xăng dầu. Tuy nhiên về bản chất, cơ chế điều hành này không khác nhiều so với trước đây khi Nhà nước vẫn đưa ra mức giá tối đa (giá trần) làm ngưỡng để doanh nghiệp làm căn cứ tự tính toán và công bố giá bán lẻ của mình.

Song điểm khác, theo ông Bảo, đó là trước đây Nhà nước đưa ra mức giá trần bao gồm giá thế giới, các chi phí cố định và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, đều do Nhà nước tính toán trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với cơ chế mới này, Nhà nước sẽ chỉ đưa ra mức giá thế giới bình quân cũng như tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận cùng các chi phí khác như thuế, phí..., còn việc tính toán mức giá cụ thể sẽ do doanh nghiệp thực hiện và công bố.

Việc thay đổi phương thức tính giá và điều hành giá này, theo ông Bảo, sẽ tránh tình trạng giá xăng dầu không được cập nhật theo đúng biến động của thị trường, gây nên những hệ lụy khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc chiết khấu thấp như thời gian qua, tạo những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường.

Bởi để xác định cơ cấu giá, quy định hiện nay là doanh nghiệp sẽ báo cáo các chi phí kinh doanh để cơ quan quản lý cập nhật vào công thức giá, làm cơ sở tính giá cho mỗi kỳ điều hành. Tuy nhiên, việc cập nhật này chậm và thực tế thời gian qua đã phát sinh bất cập khi giá không tiệm cận theo thị trường, gây bất ổn cho thị trường.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, về bản chất phương thức điều hành mới vẫn đưa ra một mức giá trần và yêu cầu doanh nghiệp công bố giá nhưng không được vượt quá giá trần.

Đây là cơ chế không khác mấy so với quy định hiện hành, khi Nhà nước vẫn công bố giá và cơ bản doanh nghiệp vẫn "neo" theo giá của Nhà nước và không có động lực giảm giá. Vì vậy doanh nghiệp khuyến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền quyết định giá trong cơ cấu giá xăng dầu, Nhà nước có đưa ra mức giá trần cụ thể không, hay chỉ quy định tỉ lệ chi phí giá trong công thức tính giá, để làm căn cứ cho doanh nghiệp thực hiện.

Theo dự thảo mới, doanh nghiệp có nhiều quyền hơn trong quyết định giá xăng dầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo dự thảo mới, doanh nghiệp có nhiều quyền hơn trong quyết định giá xăng dầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần có hướng dẫn cụ thể hơn

Từ thực tế kinh doanh, ông Giang Chấn Tây - giám đốc Công ty Bội Ngọc - cho biết thời gian qua, doanh nghiệp đầu mối mua xăng dầu theo giá thị trường thế giới nhưng bán theo giá quy định. Do đó đã xảy ra những hệ lụy khiến doanh nghiệp lỗ, tác động lớn đến nhiều khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Bên cạnh đó, do giá không theo thị trường nên xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp chờ giá tốt mới nhập hàng.

Ông Tây cho rằng nếu đưa mặt hàng xăng dầu sang cơ chế thị trường, giá cả do thị trường quyết định và doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá thì đây sẽ là bước ngoặt giúp ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu khi giá bán lẻ bù đắp được đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM lại cho rằng nếu Nhà nước điều hành hợp lý và có đủ các chi phí trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu thì không nhất thiết phải để doanh nghiệp tự quyết giá. Trong đó cần lưu ý đến khâu bán lẻ, cần phải duy trì chi phí cơ bản đủ để doanh nghiệp hòa vốn hoặc trang trải mặt bằng, nhân công, lãi suất, điện nước, thuế phí, bảo trì... cộng thêm với lợi nhuận tối thiểu 2-3%.

Vì vậy doanh nghiệp này cho rằng nếu "tính đủ" chi phí cho tất cả các khâu, Nhà nước có thể quản lý và điều hành giá mà không cần giao quyền cho các thương nhân phân phối.

Ở góc độ khác, một thương nhân đầu mối khác lại lo ngại rằng việc để cho đầu mối được quyền tự điều chỉnh giá xăng dầu trong hệ thống có thể có những tác động bất lợi cho thị trường do hiện nay Petrolimex chiếm tới 49% thị phần nguồn cung xăng dầu.

Do đó nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong trường hợp để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết và công bố giá bán thì sẽ dẫn tới trường hợp doanh nghiệp có thể lạm dụng vị trí độc quyền để giữ giá cao mà không có động lực giảm giá. Theo đó, các thương nhân đầu mối khác cũng "neo" theo giá của ông lớn, khiến mục tiêu tạo sự cạnh tranh giá trên thị trường mà Bộ Công Thương đặt ra sẽ không thể thành hiện thực.

Giải thích thêm về đề xuất này tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 29-3, bà Nguyễn Thúy Hiền - phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - cho hay việc đề xuất nội dung mới về kinh doanh xăng dầu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Công Thương đã phối hợp bộ ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.

"Với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo dự kiến tiến dần hơn với cơ chế thị trường, Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu quyết định giá bán. Nhưng giá này không cao hơn công thức giá quy định", bà Hiền nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay sẽ thực hiện theo tinh thần liên bộ đưa giá trần làm tham khảo và từ đó doanh nghiệp tính toán mức giá của mình phù hợp tình hình kinh doanh nhưng không vượt quá giá trần. Trường hợp giá thế giới có biến động, giá trong nước sẽ được tính toán điều chỉnh theo để đảm bảo sự nhịp nhàng, có sự quản lý của Nhà nước.

Các nước quản lý giá xăng dầu thế nào?

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), về cơ bản, các quốc gia trên thế giới quản lý giá bán lẻ xăng dầu theo ba hướng tiếp cận khác nhau. Hướng tiếp cận phổ biến ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình là việc chính phủ áp giá cố định hoặc quản lý chặt chẽ giá xăng dầu trong nước.

Indonesia là một trong những ví dụ điển hình. Trong hầu hết trường hợp, chính phủ nước này quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể. Jakarta nổi tiếng với việc chi đậm cho quỹ trợ giá xăng dầu, biến nước này là một trong những nước có giá xăng rẻ nhất khu vực. Tuy nhiên, tháng 9-2022 Chính phủ Indonesia phải tăng giá bán lẻ xăng dầu lên đến xấp xỉ 30% để thu nhỏ quỹ này, vốn đã phình quá to và trở thành gánh nặng ngân sách.

Ở một số thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, giá xăng dầu hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào biến động thị trường. Các nhà bán lẻ xăng dầu được tự do điều chỉnh giá xăng dầu để đảm bảo lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Tại những nước này, chức năng quản lý nhà nước được thực hiện qua việc đánh thuế phí và một số quy định phân phối khác.

Ngoài ra, một số nước áp dụng hệ thống tự do quản lý (manage-float system) để điều chỉnh giá xăng dầu. Điển hình là Malaysia sử dụng Cơ chế định giá tự do (APM). Theo đó, chính phủ áp giá trần cho các mặt hàng xăng dầu bán lẻ và một phạm vi điều chỉnh giá nhất định. Doanh nghiệp được phép tự do thay đổi giá xăng dầu trong phạm vi điều chỉnh trên, miễn là dưới giá trần. Khi thị trường biến động, chính phủ có thể can thiệp bằng quỹ trợ giá hoặc nới rộng phạm vi điều chỉnh giá.

Theo Bộ Công Thương, một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Ấn Độ cho phép doanh nghiệp tự xác định giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Điều hành giá phải theo đúng thị trường

Giá xăng niêm yết tại TP.HCM vào chiều 29-3  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giá xăng niêm yết tại TP.HCM vào chiều 29-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng vấn đề mấu chốt trong xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu là điều hành giá phải theo thị trường.

* Cơ chế mới trong điều hành giá xăng dầu liệu có giúp doanh nghiệp tăng quyền tự quyết và có động lực giảm giá?

Ông Bùi Ngọc Bảo

Ông Bùi Ngọc Bảo

- Dự thảo này mới chỉ là những phác thảo ban đầu, vẫn còn cần phải hoàn thiện và cho ý kiến để có một cơ chế điều hành giá phù hợp nhất.

Đồng tình là giá xăng dầu nên để doanh nghiệp tự quyết và công bố giá, Nhà nước công bố giá quốc tế, tỉ lệ chi phí định mức nhưng mức giá tối đa cần được quy định rõ là do Nhà nước hay doanh nghiệp công bố.

Vì nếu đưa ra giá tối đa như hiện nay, doanh nghiệp dù có lãi cũng không có động lực giảm giá mà vẫn neo theo mức giá cao nhất được Nhà nước công bố.

Do đó quan điểm của hiệp hội là doanh nghiệp công bố trên cơ sở tự tính toán thì sẽ tạo được động lực cạnh tranh đến khâu bán lẻ cuối cùng.

Về bản chất, thị trường xăng dầu rất cạnh tranh, đặc biệt là ở khâu bán buôn, giá thay đổi từng ngày từng giờ. Tuy nhiên, ở khâu bán lẻ cuối cùng, do Nhà nước vẫn công bố giá nên doanh nghiệp vẫn neo theo giá này mà không có động lực giảm giá. Vì vậy chúng tôi cho rằng đã cạnh tranh thì phải là người tiêu dùng được hưởng, chứ bây giờ là cùng một giá như nhau.

* Với chu kỳ điều hành giá 15 ngày, trước đây vốn được đánh giá là bất cập nên sửa đổi nhiều lần giờ quay lại chu kỳ này, theo ông có phù hợp?

- Điều quan trọng nhất từ trước đến nay là giá mà Nhà nước công bố đang thoát ly khỏi giá vốn của doanh nghiệp. Lý do là quy định yêu cầu thương nhân đầu mối đảm bảo tồn kho 20 ngày, song chu kỳ điều hành giá đã rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày.

Do đó quan trọng nhất trong điều hành giá là cần phải làm rõ mục tiêu là gì? Chúng ta muốn ổn định giá một cách tương đối nhưng vẫn vận hành theo thị trường, hay là giá cả lên xuống hằng ngày? Và liệu mình có làm được việc là mỗi ngày điều hành một giá hay không và có nên như thế hay không?

Thực tế cho thấy chu kỳ điều hành càng kéo dài thì tính ổn định càng cao hơn. Mặc dù giá xăng dầu lên xuống hằng ngày hằng giờ ở thị trường quốc tế, nhưng quy định dự trữ hiện nay thì việc công bố giá với chu kỳ 15 ngày bình quân tôi cho rằng là phù hợp. Việc này nhằm để công thức tính giá đó tính đủ yếu tố dự trữ bình quân 20 ngày, để không thoát ly khỏi giá vốn của doanh nghiệp thì sẽ không gây nên tình trạng doanh nghiệp thua lỗ triền miên, chiết khấu thấp và nghỉ bán như vừa qua.

Do đó điều quan trọng nhất là giá phải gắn với thị trường, gắn với chi phí thực tế. Dẫn tới doanh nghiệp có tồn kho thì luôn có lãi vì mua vào hàng giá thấp và bán được giá cao. Nhưng khi giá thế giới tụt xuống thì doanh nghiệp lại lỗ, tạo rủi ro cho thị trường. Việc xác định giá vốn không ăn nhập khiến doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh nhưng tâm lý lúc nào cũng là "rủi ro" thì không ổn nên phải sửa đổi căn nguyên cơ chế này.

* Dự thảo giữ quan điểm duy trì quỹ bình ổn, ông thấy có hợp lý hay không?

- Quan điểm của hiệp hội là nên bỏ hoàn toàn quỹ bình ổn. Thực tế trong những năm đầu vận hành, quỹ này có tác dụng lớn, phát huy hiệu quả. Nhưng khi đó thay đổi về giá quốc tế không ở biên độ lớn như hiện nay, chỉ cần bỏ ra một tí quỹ bình ổn thôi là bình ổn rồi.

Trong khi hiện nay biến động giá rất lớn, giá xăng lên xuống không đồng đều theo giá dầu, trong khi lúc nào mình cũng dùng quỹ là không có tác dụng. Chưa kể tình trạng doanh nghiệp giữ quỹ gây bất cập, nhiều đơn vị phải vào vòng lao lý.

Do đó trong trường hợp vẫn duy trì quỹ thì phải có cách quản lý khác. Không thể để quỹ tại doanh nghiệp mà Nhà nước phải nắm giữ để sử dụng vào những thời điểm khó khăn, biến động rất lớn về giá. Cần có quy định rõ thời điểm nào sử dụng quỹ hoặc có thể dùng quỹ đó để mua dầu dự trữ, lúc cần bình ổn thì bán ra…

Bộ Công Thương lý giải vì sao đề xuất doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu, vẫn giữ quỹ bình ổnBộ Công Thương lý giải vì sao đề xuất doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu, vẫn giữ quỹ bình ổn

Chiều 29-3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ cung cấp các thông tin liên quan đến việc xây dựng dự thảo quản lý kinh doanh xăng dầu.

Xem thêm: mth.88500238003304202-uc-uour-iom-hnib-oc-ueil-uad-gnax-aig-teyuq-ut-peihgn-hnaod/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, liệu có bình mới rượu cũ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools