Tính toán của Reuters dựa trên báo cáo từ các công ty cho biết làn sóng rời Nga sau chiến sự Ukraine khiến các doanh nghiệp ngoại mất hơn 107 tỷ USD, cả về doanh thu lẫn giá trị tài sản. So với tháng 8/2023, thiệt hại này đã tăng 30%.
"Khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, và phương Tây ngày càng siết trừng phạt với Moskva, các doanh nghiệp rời Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Họ sẽ phải chấp nhận thiệt hại lớn hơn", Ian Massey - phụ trách khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông tại hãng tư vấn rủi ro toàn cầu S-RM cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã áp dụng nhiều chính sách nhằm độc lập khỏi phương Tây, trong đó có việc sung công nhiều tài sản của doanh nghiệp, Massey nói. Moskva yêu cầu các doanh nghiệp ngoại bán tài sản ở Nga phải giảm giá ít nhất 50%. Nga cũng đang siết dần quy định với các công ty muốn rút khỏi đây.
Năm nay, số tài sản mà doanh nghiệp phương Tây bán ra - thuộc Shell, HSBC, Polymetal International và Yandex - vào khoảng 10 tỷ USD. Chúng được giảm giá tới 90%. Tuần trước, hãng thực phẩm Danone cũng thông báo đã được phép bán tài sản ở đây, chấp nhận lỗ 1,3 tỷ USD.
Đến nay, khoảng 1.000 công ty đã rời Nga. Mới nhất là hãng sản xuất gạch Wienerberger (Áo), khi thông báo bán nhà máy và rút khỏi Nga hôm 28/3, RBC cho biết.
Dù vậy, nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy hàng trăm doanh nghiệp khác, trong đó có đại gia bán lẻ Pháp Auchan và các gã khổng lồ hàng tiêu dùng Nestle, Unilever vẫn đang hoạt động tại đây.
Sau khi chiến sự nổ ra, các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, sau chiến sự tại Ukraine. Đức cũng quốc hữu hóa nhà máy của đại gia khí đốt Nga Gazprom và tiếp quản cơ sở lọc dầu của Rosneft tại Đức.
Nga mới đây cho biết sẽ trả đũa việc Liên minh châu Âu (EU) đề xuất sử dụng tiền lãi từ số tài sản bị đóng băng này. Họ cảnh báo châu Âu sẽ phải nhận các hậu quả nghiêm trọng.
"Không có tài sản nào của phương Tây ở Nga được coi là an toàn, khi chiến sự còn tiếp diễn", Massey bình luận. Đến nay, Moskva cũng đã tiếp quản tạm thời nhiều tài sản của doanh nghiệp phương Tây, như Fortum, Carlsberg và Uniper.
Hãng thông tấn Nga RIA tính toán nếu Nga trả đũa, phương Tây có thể thiệt hại ít nhất 288 tỷ USD giá trị tài sản và đầu tư. Con số này dựa trên dữ liệu cho thấy vốn đầu tư trực tiếp của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ vào Nga cuối năm 2022 là 288 tỷ USD.
Luật sư Jeremy Zucker - chuyên gia nghiên cứu các lệnh trừng phạt - cho biết lượng lớn khách hàng của công ty ông đã chọn rời Nga hoàn toàn. Kể cả sau khi căng thẳng chấm dứt, họ cũng lưỡng lự việc quay lại.
Zucker cho rằng việc này đang khiến Nga không tiếp cận được nhiều công nghệ cao. "Đây sẽ là thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế", ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)