Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng về bất cập trong công bố hợp quy thuốc thú y.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng cho phép bộ sửa đổi, bổ sung thông tư số 13-2016 của bộ quy định về quản lý thuốc thú y theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thông tư sửa đổi, bổ sung sẽ quy định việc đánh giá sự phù hợp, công bố hợp quy thuốc thú y được thực hiện theo phương thức 1 (thử nghiệm mẫu điển hình theo phụ lục II thông tư số 28-2012 của bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc này vừa bảo đảm thực hiện công bố hợp quy thuốc thú y theo quy định, không phải lấy mẫu giám sát đánh giá chất lượng sản phẩm hằng năm, vừa không phải đánh giá quá trình sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
“Trước mắt, đề xuất Chính phủ có văn bản chỉ đạo, cho tạm ngưng hoặc không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14-2 cho đến khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và luật có hiệu lực thi hành.
Về lâu dài, đề xuất Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo hướng loại trừ thuốc thú y không phải công bố hợp quy” - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị.
NhưTuổi Trẻ Online đưa tin trước đó, bốn hội, hiệp hội thuộc ngành chăn nuôi cùng ký đơn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép chỉnh sửa quy định này trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Trong thời gian chờ sửa luật, cơ quan chức năng cho phép tạm ngưng việc thực hiện công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Theo các hội và hiệp hội, việc công bố hợp quy các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y hiện nay hoàn toàn hình thức, nặng tính đối phó, trong khi chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y rất tốn kém.
"Chỉ tính riêng phần chi phí phân tích thử nghiệm mẫu đã rất lớn. Đơn cử thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y dao động 2 - 4 triệu đồng/sản phẩm và 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm vắc xin của lần đánh giá công nhận.
Nếu tính cho một doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm và cả ngành chăn nuôi, thú y có hàng ngàn cơ sở sản xuất thì chi phí này mất tới hàng trăm tỉ đồng" - các hội và hiệp hội lý giải.
Các hội và hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa theo hướng "áp dụng đồng loạt không tính thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản" trong Luật Thuế giá trị gia tăng.
TTO - Kiểm tra sáng 13-7 tại Công ty cổ phần dược và vật tư thú y Đông Á (Gia Lâm, Hà Nội), thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện nhiều thuốc thú y bị làm giả.