Xung đột Nga - Ukraine
* Pháp cung cấp hàng trăm xe bọc thép chở quân (VAB) và tên lửa phòng không cho Ukraine. Đây là một phần gói viện trợ mới của Pháp dành cho Ukraine.
"Để duy trì chiến tuyến rộng lớn, quân đội Ukraine cần VAB của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ La Tribune ngày 30-3.
Theo Hãng tin AFP, Pháp đang loại bỏ dần đội xe VAB, một số đã hơn 40 năm tuổi, bằng xe bọc thép Griffon mới.
Pháp cũng cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Aster 30 dùng với bệ phóng SAMP/T, tương tự hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ.
Chính phủ Pháp đang thúc đẩy các công ty quốc phòng tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của quân đội nước này, và đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine sau hơn hai năm chiến tranh với Nga.
* Mất 18 tháng để sửa chữa các nhà máy điện Ukraine bị Nga tấn công. Người đứng đầu công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, cho biết 5 trong số 6 nhà máy của họ đã bị hư hại hoặc bị phá hủy với 80% công suất phát điện sau hai tuần bị Nga tấn công, và việc sửa chữa có thể mất tới 18 tháng.
Theo giám đốc điều hành DTEK, ông Dmytro Sakharuk, đợt tấn công từ ngày 22 đến 29-3 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nhiệt điện và thủy điện "ở hầu hết các khu vực" và các cơ sở phân phối của họ đã bị phá hủy.
Ông Sakharuk cho biết DTEK đã chịu khoản lỗ lên tới 300 triệu USD chỉ riêng về thiết bị, trong khi chi phí lao động thiệt hại cao gấp đôi. Ông nói thêm: "Chúng tôi xác định 80% công suất phát điện đã mất".
DTEK đã chi 110 triệu USD để khôi phục 10 tổ máy bị Nga tấn công vào năm ngoái và 2/3 trong số đó hiện đã bị phá hủy trở lại. Công tác sửa chữa sẽ mất nhiều tháng, một số trường hợp có thể kéo dài đến một năm rưỡi.
Xung đột Israel - Hamas
* Đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas tiếp tục trong hôm nay, 31-3. Đài truyền hình Al Qahera News TV của Ai Cập dẫn một nguồn tin an ninh đưa tin các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ tiếp tục trong ngày 31-3 tại Cairo.
Một quan chức Israel nói với Hãng tin Reuters rằng Israel sẽ cử một phái đoàn đến Cairo trong cùng ngày. Một thủ lĩnh Hamas nói họ sẽ chờ đợi thông tin từ các nhà hòa giải Cairo trong cuộc đàm phán với Israel trước tiên.
Hamas đang tìm cách đạt thỏa thuận để chấm dứt cuộc giao tranh và Israel rút lui. Tuy nhiên, Israel đã loại trừ khả năng này và nói rằng họ muốn loại bỏ Hamas.
Cho tới nay, có hơn 32.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Dải Gaza kể từ ngày 7-10-2023.
Israel tiếp tục ném bom trên không và tấn công trên mặt đất vào Dải Gaza ngày 29-3, khiến 82 người Palestine thiệt mạng trong 24 giờ. Giao tranh cũng nổ ra xung quanh Bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza.
Lực lượng Israel kiểm soát bệnh viện đã phong tỏa 107 bệnh nhân mà không có nước, điện hoặc thuốc trong nhiều ngày, đồng thời từ chối mọi lời kêu gọi sơ tán số bệnh nhân này.
Quân đội Israel cho biết các lực lượng hoạt động tại Al Shifa đã giết chết ba chỉ huy Hamas có vũ trang bên trong hai tòa nhà của bệnh viện. Quân đội Israel đã tìm thấy súng bắn tỉa, AK-47, băng đạn và lựu đạn tại đây.
* Khoảng 9.000 bệnh nhân ở Dải Gaza cần được chăm sóc khẩn cấp. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khoảng 9.000 bệnh nhân ở Dải Gaza cần được chăm sóc khẩn cấp.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên mạng xã hội X ngày 30-3: "Trước cuộc xung đột, có 36 bệnh viện hoạt động ở Dải Gaza. Nhưng hiện chỉ còn 10 bệnh viện hoạt động ở mức tối thiểu, trong khi có hàng nghìn bệnh nhân tiếp tục cần được chăm sóc".
Bộ Ngoại giao Qatar cùng ngày khẳng định cuộc chiến ở Gaza đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng nhân đạo. Tình trạng này tiếp tục trở nên tồi tệ hơn từng ngày, do những trở ngại đối với việc tiếp cận hàng viện trợ.
Bộ Ngoại giao Qatar cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế, trong đó có việc mở các cửa khẩu, để tránh nạn đói đe dọa Dải Gaza, cũng như ngăn chặn nguy cơ diệt chủng.
Đồng thời, cơ quan phụ trách đối ngoại của Qatar cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế hợp tác để tiến tới một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza và ngăn chặn hậu quả thảm khốc lan ra toàn khu vực.
* Thêm trường hợp tử vong vì giẫm đạp ở điểm phát hàng cứu trợ. Ngày 30-3, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine thông báo 5 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương vì trúng đạn và giẫm đạp tại một điểm phân phát hàng cứu trợ ở phía bắc Dải Gaza.
Theo Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, vụ việc xảy ra sau khi hàng nghìn người tập trung để đón đoàn 15 xe tải chở bột mì và các thực phẩm khác chuẩn bị phân phát ở bùng binh Kuwait của thành phố Gaza.
Tại bùng binh này cũng từng xảy ra một số vụ hỗn loạn và các vụ việc gây chết người trong lúc phân phát hàng cứu trợ, trong đó có vụ xảy ra ngày 23-3 mà chính quyền ở Gaza do lực lượng Hamas kiểm soát cho biết có 21 người thiệt mạng.
Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết 3 trong số 5 người thiệt mạng trong vụ hỗn loạn sáng 30-3 là do súng bắn. Các nhân chứng tại hiện trường cho biết hỗn loạn xảy ra khi một số người Gaza giám sát việc phân phát hàng cứu trợ bắn chỉ thiên để cảnh cáo đám đông, các binh lính Israel cũng nổ súng và một số người bị xe tải cán phải khi cố lao đến nhận thực phẩm.
Tin tức khác
* Anh cho binh sĩ lục quân để râu sau 100 năm. Nhà vua Charles III, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Anh, đã ký quyết định bãi bỏ lệnh cấm để râu tồn tại suốt 100 năm nay đối với sĩ quan và binh sĩ của lục quân. Mục đích của quyết định này là để lục quân Anh có thể tuyển thêm binh sĩ trong thời gian tới.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 29-3, được cho là sẽ tạo điều kiện về thời gian để các binh sĩ tận dụng dịp nghỉ lễ Phục sinh để "nuôi râu". Tuy nhiên, quy định mới cũng khẳng định binh sĩ phải để râu "gọn gàng".
Trước đó, sau khi xem xét quy định của lục quân về ngoại hình và bộ râu cùng với kết quả cuộc khảo sát về vấn đề này đối với cả quân nhân tại ngũ và quân dự bị thuộc lực lượng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Patrick Sanders cho rằng chính sách về ngoại hình cần phải thay đổi.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cũng phải thừa nhận rằng lệnh cấm để râu là "lố bịch".
Việc xem xét quy định về ngoại hình đối với binh sĩ được đưa ra khi lục quân đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyển quân. Do vậy, lực lượng này đã tìm mọi cách để thúc đẩy việc sửa các quy định để khuyến khích nam giới có râu gia nhập ngũ.
* Một quả bom đã phát nổ tại khu chợ ở thành phố Azaz, tỉnh Aleppo, phía bắc Syria. Vụ nổ gây ra hỏa hoạn khiến 8 người thiệt mạng và 23 người bị thương, xe cứu thương và nhân viên cứu hộ đã có mặt tại hiện trường.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm Syria của họ nắm giữ các khu vực biên giới, bao gồm một số thành phố và thị trấn lớn như Azaz.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự liên tiếp ở Syria, hầu hết nhắm vào phiến quân người Kurd, lực lượng đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ chống lại nhà nước Ankara.
Chiến tranh đã giết chết hơn 507.000 người, hàng triệu người phải di dời và tàn phá cơ sở hạ tầng cũng như ngành công nghiệp của Syria.
Sếu xám "làm xiếc"
Nga cho biết đã chặn một âm mưu khủng bố của 3 công dân ở Trung Á; Tổng thống Ukraine thừa nhận phải thoái lui 'vài bước' nếu thiếu viện trợ Mỹ; Hàng viện trợ ở Dải Gaza lại rơi xuống biển... là một số tin thế giới đáng chú ý sáng 30-3.