Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 83/2014 và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Giảm sự can thiệp của nhà nước
Bộ Công Thương cho biết hiện nay giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá…, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp.
Do vậy, trong dự thảo mới lần này, Bộ Công Thương đề xuất giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của nhà kinh doanh theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố hình thành giá và để nhà kinh doanh tự quyết định giá.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Tuy nhiên, giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối trên thị trường không được vượt quá giá tính toán theo công thức.
Công thức tính toán được Bộ đưa ra với Giá bán xăng dầu tối đa = giá xăng dầu thế giới x tỉ giá ngoại tệ + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ công thức tính giá nêu trên để tính toán, công bố giá bán xăng dầu trong hệ thống không quá giá bán tối đa" - Bộ Công Thương giải thích.
Bộ này cũng cho rằng theo phương án này, việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân được giảm bớt. Đây là cải cách trong tính toán giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và thương nhân hoàn toàn có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại nghị định, qua đó loại bỏ việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của thương nhân.
Tính toán khung giá chính xác
Trong chiều 29/3, tại họp báo thường kỳ, Bộ Công Thương cũng đã làm rõ hơn về các đề xuất thay đổi công thức và cơ chế giá xăng dầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, dự thảo có nhiều nội dung đổi mới nhưng phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối được cung cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình điều hành phải tiệm cận thị trường nhưng phải có điều tiết của cơ quan nhà nước.
"Về điều hành giá, Bộ đổi mới theo hướng chỉ đưa ra công thức, trên công thức đó doanh nghiệp tự tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế để đưa ra mức giá phù hợp nhưng không vượt mức trần cho phép. Về mức trần cho phép thì khi đó liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ tính toán. Như vậy vừa đảm bảo bình ổn vừa định hướng thị trường, đảm bảo hài hòa các bên" - ông Tân cho hay.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết quỹ bình ổn giá được quy định tương đối chi tiết tại Luật Giá nhưng chưa chi tiết khi nào, ở mức độ nào thì sử dụng quỹ. Do vậy, để cụ thể hóa quy định của Luật Giá về bình ổn giá xăng dầu, nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ. Ví dụ, nếu xăng dầu thế giới tăng lên 120 USD/thùng và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc trích lập và chi sử dụng quỹ.
Ngoài ra trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương cũng đề xuất thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Với doanh nghiệp bán lẻ, dự thảo mới đề xuất 3 hình thức, gồm đại lý bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối; nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc mua xăng dầu từ đầu mối, thương nhân phân phối để bán lẻ tại cửa hàng.
Bộ Công Thương cũng tính siết quản lý với doanh nghiệp đầu mối. Ví dụ, họ sẽ phải đảm bảo tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3/tấn một năm. Quy định này nhằm siết lại việc nhiều thương nhân đầu mối được cấp giấy phép, nhưng không thực hiện hoặc được ưu ái không phải thực hiện phân giao hạn mức nhập khẩu.
Các đầu mối sẽ phải kết nối dữ liệu kinh doanh, kho xăng dầu khi thuê kho với Bộ Công Thương. Dự kiến, họ có 24 tháng chuẩn bị, thực hiện việc này sau khi nghị định mới có hiệu lực.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, dự thảo đã có ý tưởng đúng đắn khi để cho doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết định giá bán trong mức khung mà cơ quan nhà nước đặt ra. Như vậy có thể thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, cơ quan nhà nước phải xác định được khung giá thật chính xác. Qua đó tránh trường hợp tạo ra khung rộng hơn mức cần thiết, giúp doanh nghiệp xăng dầu có lợi nhuận cao nhưng lại ảnh hưởng đến người dân.
Như vậy đó sẽ không còn là cạnh tranh nữa mà là liên kết độc quyền để cùng bán một giá và bán sát giá trần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.32620619013304202-uad-gnax-hnaod-hnik-ev-iom-meid-ueihn-taux-ed-gnouht-gnoc-ob/et-hnik/nv.vtv