Ông Nguyễn Đức Hưng chia sẻ tại Hội thảo xuất khẩu cà phê, chiều 30/3. Ảnh: T.P |
"Tôi đã đi khoảng 100 nước trên thế giới, và thấy rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam. Thỉnh thoảng mới gặp cà phê Trung Nguyên ở siêu thị một số nước. So với Thái Lan, Malaysia, thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam còn rất hạn chế", ông Hưng cho hay. Để đạt 5 tỉ USD từ xuất khẩu cà phê, Nhà nước và các cơ quan, ngân hàng phải hỗ trợ các DN đầu tư máy móc, các giải pháp bán hàng, tiếp thị quốc tế, nhằm phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, niên vụ 2022-2023 và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng mạnh một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã bán cà phê với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, còn doanh nghiệp phải mua giá cao để trả đơn giá thấp kỳ trước đó.
Trước đó, một thời gian dài không vượt được ngưỡng 50.000 đồng/kg, nhiều người đã chặt cà phê để trồng cây khác. Bước qua 2024, giá cà phê tăng gấp đôi, nhiều DN gặp khó khăn mới mua được cà phê xuất khẩu.
Cũng trong làn sóng giá cà phê tăng cao hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Nhiều nhà mua hàng cảnh báo, nếu DN xuất khẩu không giao hàng đúng hạn, thì họ tìm nguồn cung khác.
"Thực tế, cà phê Việt Nam không thể thay thế được, bản thân công ty tôi đã thử mua cà phê từ nước khác về làm cà phê hòa tan, nhưng không thể ra được vị của cà phê hòa tan Việt Nam, thị trường thế giới không chấp nhận. Trong khi đó, cà phê Việt Nam đang là sản phẩm không thể thay thế ở thị trường châu Âu", ông Đỗ Hà Nam cho hay.
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), quý I/2024 dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê, với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 3,1% về số lượng xuất khẩu, nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu.
Ông Gruber Alexander Lukas - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambé Finest Vietnamese Coffee cho rằng, Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… Xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng. Những diễn biến tích cực tại Việt Nam với ngành công nghiệp hòa tan (cà phê hòa tan) ngày càng phát triển, đủ loại cà phê 3 trong 1, 2 trong 1...
Bà Đỗ Việt Hà - Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức chia sẻ, với thị trường Đức, người Đức uống cà phê nhiều hơn uống bia, và Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê tại thị trường này.
Trong những năm gần đây, người Đức rất chú trọng vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, và có xu hướng tiêu dùng cà phê hữu cơ, chất lượng cao ngày càng gia tăng.
Do đó, các DN Việt Nam cần nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm tại Đức, cũng như yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường đầy tiềm năng.
"Các DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại, để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đồng thời nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức", bà Đỗ Việt Hà nói thêm.
Người dân dùng thử cà phê trong khuôn khổ Lễ hội tôn vinh Cà phê - Trà Việt năm 2024 của báo Người Lao động. Ảnh: T.P |
Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê cho rằng, để xuất khẩu cà phê cần tăng cường sản xuất, chế biến cà phê đặc sản, vì 1 tấn cà phê thường 4.000 USD/tấn, thì giá cà phê đặc sản ít nhất là 6.000 – 8.000 USD/tấn. Bên cạnh đó, ngành cà phê cũng cần sự trợ lực từ ngân hàng, nhất là sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước để phát triển ngành, như tạo quỹ cho vay, quỹ tín dụng để hỗ trợ các DN, công ty có tiền thu mua...
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.2905151a-hnad-ov-nav-teiv-ehp-ac-ioig-eht-iah-uht-gnud-uahk-taux/nv.moc.enilnounuhp.www