- Tại sao con người ngày càng thờ ơ, ít cảm thông?
- Khi con người không còn biết "sợ"
- Khi con người định đoạt tạo hóa bằng khoa học
Một câu hỏi xoàng, có thể bạn đang nghĩ thế! Bởi bạn nhớ tới những vị tướng lừng lẫy trong lịch sử nhân loại, những người mà sau đó đã được thánh hóa và được thờ phụng trong tâm linh văn hóa của nhiều dân tộc. Với dân tộc Việt Nam, ví dụ điển hình nhất là câu chuyện Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo sau khi nằm xuống đã được nhân dân suy tôn là đức Thánh Trần, tạo nên cả một dòng thờ, gọi là “dòng thờ nhà Trần”. Rất nhiều dân tộc chứng kiến hành trình một người anh hùng bằng xương bằng thịt rốt cuộc đã hiển thánh và được coi như thánh. Và bạn sẽ nghĩ: con người, bằng cách này hay cách khác đã chạm vào phạm trù của thần thánh từ rất lâu rồi.
Tuy nhiên, đấy là những con người cá biệt, chứ không phải là con người số đông. Và, những người ấy chỉ đi vào địa hạt thần thánh sau khi chết, chứ không phải khi đang ăn cơm, hít khí trời. Nhìn lại lịch sử nhân loại từ thời sơ khai đến thời hiện đại sẽ thấy mối quan hệ giữa con người số đông và các thánh thần có nhiều khúc thăng trầm khác nhau. Đầu tiên, con người số đông sợ hãi thánh thần, vì con người tự thấy mình nhỏ bé vô quyền trước quyền phép của thánh thần. Tại sao có bão lũ? Tại vì thần sông thần nước nổi giận. Tại sao có núi lửa? Tại vì thần đất thần núi muốn nói một điều gì đó. Nếu có ai đó trong số đám đông kia hiểu được ngôn ngữ của các vị thần thì đấy chỉ có thể là một vị giáo chủ, một thầy tư tế, một ông đồng bà cốt với những khả năng siêu nhiên dị biệt.
Nhưng rồi khoa học và các phát minh ra đời. Đây chính là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi mối tương tác vốn có giữa con người và thần thánh. Khi các nhà khoa học chứng minh “trái đất quay quanh mặt trời” thì có nghĩa vũ trụ quan của giáo hội Trung cổ phương Tây bị đánh sập. Vậy thì Chúa còn đáng tin không? Người ta sẽ không thể tin vào Chúa nếu tiếp tục gắn vào ngài những phạm trù tri thức như trước nữa. Người ta chỉ có thể tiếp tục tin vào Chúa nếu tách phạm trù tri thức ra khỏi ngài và chỉ gắn vào ngài những phạm trù đạo đức mà thôi.
Đến khi Franklin thả một con diều lên trời và chợt nhận ra những tia sét là biểu hiện của hiện tượng phóng điện thì đấy cũng là khi quyền lực của thần thánh bị tước bỏ. Lúc này loài người nhận ra, sét không phải là một ngôn ngữ thần thánh, con người không hiểu nổi, mà trái lại, nó chỉ là một hiện tượng tự nhiên, con người hoàn toàn có thể giải mã.
Tất nhiên ở những góc đâu đó của nhân loại này vẫn còn niềm tin về một đáng tối cao sáng tạo và sắp đặt mọi thứ. Một chén cơm đưa lên, một sợi tóc rơi xuống, một cuộc gặp gỡ, một buổi tiễn đưa - tất cả đều do ý chí của thần thánh mà ra. Nhưng, những niềm tin ấy rõ ràng chỉ là số ít. Với sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, từ chỗ sản xuất ra cái máy hơi nước, tới chỗ tạo ra Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo..., nỗi sợ hãi của con người số đông (chứ không phải con người cá biệt) vào thần thánh giảm dần.
Sợ hãi thần thánh là chuyện của con người Trung cổ. Phủ nhận thần thánh là chuyện của con người hiện đại. Nhưng, suy cho cùng, cả con người Trung cổ lẫn con người hiện đại đều chưa bao giờ đặt mình ở vị trí ngang bằng thần thánh. Càng chưa bao giờ dám đặt ra vấn đề: số đông con người rồi có thể trở thành số đông thần thánh, ngay khi mình đang sống được không? Nếu cứ đi theo logic của sự phát triển thì phải chăng đây chính là một trong những câu hỏi lớn nhất của con người thế kỷ 21?
Muốn bàn tiếp về chủ đề này, chúng ta cần thống nhất khái niệm thần thánh. Tồn tại cả ngàn khái niệm về thần thánh. Mỗi cá nhân thậm chí đều có quyền nghĩ về thần thánh theo cách riêng của mình. Nhưng, ít nhất cũng sẽ có vài điểm dễ gặp nhau: 1- Thần thánh là những đối tượng bất tử. 2- Thần thánh là những đối tượng có quyền năng đặc biệt. Nếu con người có thể trở thành thần thánh thì ít nhất con người cũng phải giải quyết được 2 vấn đề căn bản này.
Giấc mơ tìm kiếm những liều thuốc trường sinh bất lão từng là giấc mơ lớn của nhiều giáo phái thời tiền hiện đại. Giấc mơ kiến tạo một loài người thượng đẳng, siêu việt cũng từng là giấc mơ lớn của một số giáo phái thời hiện đại. Đức Quốc xã là một giáo phái và nhân sinh quan của giáo phái này đặc biệt coi trọng chủng tộc Arya, một chủng tộc mà theo họ là hình thức phát triển cao cấp nhất của nhân loại.
Ngược lại người Do Thái, người La Mã, người đồng tính, người tâm thần là những biểu hiện rác thải của nhân loại. Do đó phải đặc biệt bảo vệ người Arya và phải cách ly, thậm chí là tiêu diệt những chủng người còn lại. Trong suy nghĩ của “giáo chủ” Hitler nếu có thể làm như vậy thì trong tương lai những người Arya thuần chủng sẽ độc tôn thế giới và nhân loại khi đó sẽ tiến hóa thành một giống loài đẹp cả về hình thức, trí tuệ lẫn tâm hồn. Cái đẹp ấy đã chạm vào phạm trù của thần thánh hay chưa thì hậu xét nhưng rõ ràng ý tưởng can thiệp vào sự tiến hóa của nhân loại để tạo ra một nhân loại ưu việt trong tương lai là có thật. Và, ý tưởng đó đã được một “giáo chủ” hoang tưởng triển khai theo cách cực đoan, mù quáng nhất.
Thế kỷ 21, chắc chắn không vì một “nhân loại tiến hóa ưu việt” mà con người lặp lại những cách thức cực đoan, mù quáng tương tự. Vậy thì có những cách thức nào khác để con người tiến hóa đến giấc mơ ưu việt hay không? Theo sử gia Yuval Noah Harari trong tác phẩm nổi tiếng “Hommo Deus” (Lược sử tương lai) thì có ít nhất 3 cách thức.
Một là công nghệ sinh học, nơi mà các kỹ sư sinh học có thể lấy cơ thể cũ của chúng ta để “viết lại mã gen, kết nối lại các mạch trong não, thay đổi cân bằng sinh hóa”. Nếu chọn lọc tự nhiên kéo dài cả triệu năm thì chọn lọc nhân tạo, với sự tham gia của các kỹ sư sinh học theo cách trên có thể ngắn hơn cả trăm, cả triệu lần. “Họ sẽ tạo nên các tiểu thần linh mới, những người sẽ khác với lũ Sapiens (loài người tinh khôn - PV) chúng ta, cũng khác với Homo erectus (người đứng thẳng)” - Harari viết. Nếu có một rào cản nào đó trong câu chuyện này, điều mà Harari chưa đặt ra thì đó là việc những tác động về mặt sinh học lên một thực thể sống đặc biệt như con người sẽ vấp phải những vấn đề đạo đức không dễ gì giải quyết.
Hai là có thể nghĩ tới giải pháp kết hợp những bộ phận hữu cơ của con người với những bộ phận phi hữu cơ của máy móc. Người ta vẫn nói điểm nhấn lớn nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 là AI - trí tuệ nhân tạo. Và, người ta đã hình dung ra viễn cảnh trí tuệ nhân tạo kết hợp với trí tuệ tự nhiên để tạo ra những con người siêu việt. Hãy thử tưởng tượng: trên gương mặt bằng xương bằng thịt của chúng ta sẽ xuất hiện một cặp mắt nhân tạo, được kết nối với nhiều máy chủ. Khi đó chỉ cần cung cấp mã wifi Internet là cặp mắt đó có thể nhìn thấy hàng loạt vấn đề ở Anh, ở Mỹ, ở Nam Phi cho dù chủ nhân của cặp mắt đó đang ngồi ở Việt Nam. Hãy tưởng tượng tiếp, bên cạnh hai cánh tay bằng xương bằng thịt của chúng ta sẽ là hai tay máy.
Nếu hai cánh tay bằng xương bằng thịt của chúng ta chỉ có thể giải quyết những công việc thủ công đơn giản thì hai tay máy có thể nhấc bổng một cái cây, có thể di chuyển một kiện hàng, có thể tham gia một cuộc phẫu thuật, miễn là nó được cung cấp những mã chuyên ngành phù hợp. Trong Phật giáo, người ta thường nhắc tới hình ảnh một vị phật ngàn mắt ngàn tay. Vậy thì theo cách này, hoàn toàn có thể tạo ra những con người ngàn mắt ngàn tay. Mà không, nó còn ưu việt hơn thế: chỉ cần một mắt mà có thể thấy ngàn việc, chỉ cần thêm một cánh tay (máy) mà có thể chạm tới ngàn nơi.
Ba là, một sự sống phi hữu cơ. Nghe có vẻ hoang đường, phải không nào? Hãy xem Harari mô tả: “Sau 4 tỷ năm lang thang trong vương quốc các hợp chất hữu cơ, sự sống sẽ vượt thoát vào cõi mênh mông của thế giới vô cơ và sẽ mang những hình hài chúng ta không hình dung nổi, ngay cả trong những giấc mộng hoang đường nhất. Bởi các giấc mộng hoang đường nhất của chúng ta vẫn chỉ là sản phẩm của hóa học hữu cơ”. Thế rồi, Harari tưởng tượng: “Những con vi khuẩn cứng đầu nhất cũng không thể sống trên sao Hỏa. Ngược lại, một trí thông minh nhân tạo phi hữu cơ sẽ có thể thành lập thuộc địa trên các hành tinh xa lạ dễ dàng hơn rất nhiều”.
Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi là trong những thập niên tới của thế kỷ 21, rồi thế kỷ 22, 23, con người rồi sẽ tiến hóa tới đâu. Cũng giống như con người của 200 năm trước (những người có tuổi thọ trung bình là 25 tuổi) không thể tưởng tượng nổi 200 năm sau những hậu duệ của mình lại có tuổi thọ trung bình là 65 tuổi. Mà tốc độ phát triển của 200 năm khả năng sẽ chậm hơn 200 năm tới.
200 năm tới, hậu duệ của chúng ta sẽ tiến hóa thành những con người siêu nhiên, có thể đứng ngang bằng với thần thánh được chăng? “Con người sẽ từng bước nâng cấp bản thân, sáp nhập với robot và máy tính trong quá trình đó, cho đến khi con cháu chúng ta nhìn lại và nhận ra chúng không còn là đồng loại với giống động vật và viết Kinh Thánh, xây Vạn Lý Trường Thành... Chuyện này sẽ không xảy ra trong ngày một ngày hai.
Chính ra nó đã và đang diễn ra ngay lúc này, qua vô số những hành động tầm thường. Mỗi ngày có hàng triệu người quyết định cho chiếc điện thoại thông minh thêm một chút quyền kiểm soát cuộc đời của họ hay thử một loại thuốc chống trầm cảm mới hiệu quả hơn. Trong cuộc mưu cầu sức khỏe, hạnh phúc và quyền lực, con người sẽ dần dần thay đổi, đầu tiên là một đặc tính của mình, rồi thêm một, thêm một... cho đến khi họ không còn là con người nữa” - Harari kết luận.
Tôi hình dung thêm, cùng với kết luận đầy tính tưởng tượng này, ông ta đang tủm tỉm cười.
Mỹ ChânXem thêm: /880926-hnaht-naht-gnagn-hnas-iougn-noc-oan-ihk-oC/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna