Chuyện bầu Đức nuôi bò công nghệ cao với nguồn vốn khủng
Cách đây 7 năm, bầu Đức tuyên bố đầu tư nuôi bò, đại gia phố núi này đã rất kỳ vọng vào nguồn thu khổng lồ từ lĩnh vực chăn nuôi này. Cụ thể, tháng 6/2014, Hoàng Anh Gia Lai chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò ở cả 3 nước, là Việt Nam, Lào và Campuchia.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được triển khai trong 2 năm 2014 và 2015 với mức đầu tư 3.150 tỷ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỷ đồng. Tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa, 116.000 con bò thịt.
Kế hoạch nuôi bò nghìn tỷ của bầu Đức trong năm đầu tiên đã mang lại hiệu quả lớn khi năm 2015 sản phẩm đầu tiên được ra lò. Tuy nhiên, những năm sau đó, đàn bò đã không mang lại nguồn thu như kỳ vọng cho Hoàng Anh Gia Lai. Biên lợi nhuận từ đàn bò của bầu Đức cứ giảm dần và đến quý 4/2016 chỉ còn 5%, mức thấp kỷ lục.
Đến hết năm 2017, doanh thu từ bò đã giảm hơn 78% so với năm 2016, còn 757 tỷ đồng.
Sang đến năm 2018, trong kế hoạch kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp này, chăn nuôi bò đã không còn được nhắc đến. Sau này, có nhiều nguồn tin cho rằng bầu Đức chuyển sang nuôi lợn.
Đại gia Đức Long Gia Lai và dự án nuôi bò 2.600 tỷ đồng
Đức Long Gia Lai thành lập được hơn 20 năm, tập trung chủ lực vào 5 lĩnh vực: Bất động sản, Cơ sở hạ tầng, Năng lượng, Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và Nông nghiệp.
Chủ tịch HĐQT của Đức Long Gia Lai là ông Bùi Pháp. Ông Pháp được sinh ra tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, khỏi nghiệp từ nghề chế tạo cơ khí, sửa chữa nâng cấp xe vận tải, làm nhà xưởng.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai.
Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai được triển khai từ năm 2015 tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô.
Tháng 1/2016, dự án này được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu với quy mô đàn bò hơn 33.000 con. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trên diện tích 1.500ha, tổng vốn 2.632 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu chiếm 20%), theo Lao Động.
Dự kiến đến tháng 10/2018 dự án sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, nhập bò và trồng cỏ để nuôi.
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã đột ngột đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cho dự án điều chỉnh giảm từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò sinh sản và bò giống. Với việc thay đổi quy mô này, tổng số vốn đầu tư cũng đã thay đổi, giảm xuống chỉ còn 100 tỉ đồng, diện tích đất còn gần 71ha.
Thực tế tại dự án chủ đầu tư đã xây dựng 2 chuồng trại với quy mô rộng hàng nghìn mét vuông. Thế nhưng, ở 2 chuồng trại này không có người làm việc, người quản lý… mọi hoạt động của trang trại đã bị "tê liệt" hoàn toàn.
Mới đây, Theo ông Trần Cao Châu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai, vừa qua đơn vị đã phối hợp với Tập đoàn chăn nuôi C.P. (Thái Lan) để chăn nuôi heo nái, heo con… trên diện tích đất dự án đang bỏ hoang.
Quy mô dự án mới sẽ nuôi 110.000 con/năm với tổng vốn 254 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn từ nay đến năm 2026. Giai đoạn 1 dự án sẽ nuôi 2.400 con heo nái sinh sản và 24.000 con heo thịt... và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 1 đến 6.2022.
Về hình thức triển khai, ông Châu cho biết, sẽ xây mới hoàn toàn chuồng trại để nuôi heo và đều do C.P. đầu tư, triển khai. Đức Long Gia Lai sẽ "góp vốn" bằng quyền sử dụng đất của dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao.
Cận cảnh một góc trang trại bò nghìn tỷ đồng. Ảnh: Báo Đăk Nông
Dự án "vẽ", vì đâu?
Một lãnh đạo UBND huyện Krông Nô chia sẻ với báo Bảo vệ Pháp Luậtcho hay, ngay từ khi triển khai, dự án đã gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Do đó, dự án có quy mô thu hồi đất ban đầu là 1.500ha nhưng thực tế chỉ thu được 71ha. Sau đó, thấy việc thu hồi giải phóng mặt bằng khó khăn nên Công ty đề xuất tỉnh điều chỉnh giảm quy mô dự án.
Liên quan những vấn đề trên, ông Đỗ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, về nguồn gốc đất do Lâm trường quản lý (đất rừng) đã thu hồi được hơn 70ha. Đây là dự án theo chủ trương của tỉnh, về phía địa phương cũng mong muốn dự án đi vào hoạt động để phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng dự án còn có nhiều bất cập như: Nguồn nước thiếu, nguyên liệu trồng cỏ không bảo đảm, bò nhập từ Úc về không phù hợp khí hậu nên dự án hoạt động không hiệu quả..., sau đó bị bỏ hoang một thời gian.
"Do đó, UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh chủ trương chuyển sang dự án nuôi heo. Về phía địa phương, xã đang khó khăn, có nhiều hộ nghèo nên vấn đề tạo công ăn việc làm địa phương rất quan tâm, vì vậy sắp tới mong doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh doanh có hiệu quả để tạo công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm những trường hợp đã bị thu hồi đất", ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quý (cán bộ hỗ trợ pháp lý ở Đắk Nông - thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho hay, dự án Trang trại nuôi bò chất lượng cao Quảng Phú có quy mô ban đầu 1.500ha nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
UBND huyện Krông Nô cưỡng chế một lần nhưng không thành, nên dự án chỉ gói gọn có gần 71ha và không mang lại hiệu quả nên đã được điều chỉnh sang dự án nuôi heo.
Một nguyên nhân mà ông Quý đề cập đến là do bò nhập từ Úc về không phù hợp với khí hậu; đất đai không có nhiều; vùng nguyên liệu không có nên... nên việc đầu tư không hiệu quả.
Ông Quý cho biết thêm, về chủ trương điều chỉnh dự án, UBND tỉnh đã có quyết định, hiện nhà đầu tư đang thuê tư vấn hoàn chỉnh thiết kế, để trình cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông thẩm định xong mới tiến hành triển khai xây dựng đồng loạt.
PV
Doanh nghiệp và Tiếp thị