Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/ đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn liên tục tăng vốn đầu tư sản xuất vào Việt Nam góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nội địa. Câu chuyện về một doanh nghiệp Việt sớm trở thành đối tác cung ứng cho các doanh nghiệp lớn như Colgate- Palmolive, Sanyo, Konica Minolta, Schneider Electric,.. thậm chí nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất ngược lại thị trường này là một ví dụ điển hình.
Khởi nghiệp từ "ca khó" của Colgate
Năm 1999, một nhân viên người Việt 29 tuổi có tên Lê Tuấn Anh của Colgate bỏ việc tại tập đoàn đa quốc gia để thành lập công ty riêng. Anh thành lập công ty Cát Thái trong bối cảnh Colgate- Palmolive có nhu cầu tìm đối tác nội địa sản xuất nắp nhựa ống kem và bàn chải đánh răng thay thế cho hàng nhập khẩu. Thế nhưng việc tìm đối tác không phải là điều dễ làm, anh nhân viên Tuấn Anh sau 3 lần đưa hợp đồng tới các doanh nghiệp trong nước đều bị từ chối.
Thời điểm này rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài về chất lượng, tính năng và độ chính xác bên cạnh đó tư duy ngại rủi ro, muốn chọn làm cái quen, cái dễ khiến Colgate khó lòng tìm được nhà cung cấp. Trước cơ hội đó, Tuấn Anh quyết định khởi nghiệp, thuê máy trả tiền góp hàng tháng, phía Colgate cung cấp nguyên liệu và trợ giúp kỹ thuật. Từ đây Cát Thái bắt đầu tiến sâu hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Khó có thể tìm được thông tin về Cát Thái trên truyền thông. Thậm chí hiện tại trang web tập đoàn Phương Anh (PATC Group), công ty mẹ của Cát Thái cũng không sử dụng tiếng Việt. Theo giới thiệu trên website, tập đoàn này hiện sản xuất những sản phẩm chất lượng cao cũng như là đối tác của nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, phần lớn đến từ Nhật Bản như Nidec, Sanyo, Nikko, Toshiba, Juki, Konica Minolta, Muto,…
Bí quyết thành công
Theo thông tin từ PATC, tập đoàn này hiện có 7 công ty con gồm:
- Cát Thái: Chuyên mảng ép nhựa, vốn đăng ký kinh doanh ban đầu là 8 triệu USD. Sau 16 năm, từ một đơn vị nhỏ sản xuất nắp ống kem đánh răng, Cát Thái trở thành doanh nghiệp hiện trở thành nhà cung cấp các linh kiện nhựa trong máy in chuyên nghiệp của Konica Minolta, máy giặt và tủ lạnh Sanyo, tai nghe của Foster, mascara của Shiseido, thiết bị điện Schneider Electric. Theo thông tin từ tạp chí Forbes, trong nhiều năm Cát Thái là công ty Việt hiếm hoi không chỉ cung cấp sản phẩm do doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam mà còn tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn tại các cứ điểm sản xuất của họ tại nước ngoài.
- Cát Anh: Thành lập năm 2006, ngành nghề chính là chế tạo và gia công khuôn mẫu. Đối tác chính là Konica Minolta, Schneider Electric, Nidec Corporation, Toshiba, Aqua, Furukawa, Crayola.
- 3GTECH: Được thành lập vào năm 2010 với chuyên môn về máy ép tốc độ cao, nhiều rãnh và tiện, đồng thời thiết kế và sản xuất khuôn dập.
- Mai Phương (MPTECH): Được thành lập năm 2010 chuyên về xử lý bề mặt, phun sơn, sản xuất linh kiện điện tử.
- SingViet (SVTECH): Được thành lập năm 2009 với sự hợp tác của Singapore, chuyên sản xuất khuôn nhựa và khuôn cao su.
- Trung Anh (TRATECH): Được thành lập năm 2010 chuyên về sản xuất nhựa ép, hạt nhựa.
- OSSTECH: Được thành lập vào năm 2010 và chuyên phát triển phần mềm, phần cứng và thiết kế giải pháp cho thị trường Internet of Things.
Để thành công như hôm nay, một trong những nguyên nhân lý giải là việc nhà sáng lập Lê Tuấn Anh dám nghĩ, dám làm và dám sáng tạo như chính ông từng nói "Nếu đợi cái dễ thì sẽ không tới lượt mình". Việc dấn thân vào lĩnh vực hiếm người làm mặc dù rủi ro cao nhưng cũng đem lại kết quả xứng đáng với công ty này khi đã vững chân trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ngoại. Thậm chí doanh nghiệp Việt này còn tự tin và đặt mục tiêu khách hàng của mình phải là công ty có quy mô lớn cũng như nằm trong chiến lược phát triển của mình.
Ngoài Cát Thái, ông Tuấn Anh còn xây dựng hệ thống công ty vệ tinh như Cát Anh, SingViet, Trung Anh, Mai Phương,… giúp các đối tác vốn có của Cát Thái khi muốn mở rộng nguồn linh kiện sẽ dễ dàng lựa chọn cũng như tin tưởng về tiêu chuẩn chất lượng thay vì bắt tay với đối tác hoàn toàn mới.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị