Nhà máy quy mô lớn của Samsung tại tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: S.V.N.
Ông nói: Đối với Samsung, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu quan trọng hàng đầu mà còn là cứ điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Xuất khẩu tại Việt Nam vẫn đạt 57 tỉ USD
* Tác động của COVID-19 quá lớn. Thực tế xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam năm 2020 có giảm, các nhà máy có phải sa thải nhân viên? Theo ông, triển vọng trong năm 2021 sẽ ra sao?
- Năm 2020 đúng là không thể quên được không chỉ với Samsung mà đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Samsung Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cho năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 58,5 tỉ USD, nên kế hoạch của năm 2020 là hơn 60 tỉ USD.
Thực tế, cho tới đầu năm 2020, chúng tôi vẫn có thể tự tin rằng không khó để đạt được mục tiêu đề ra, nhưng với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, tình thế thay đổi hoàn toàn.
Nửa đầu năm 2020 kinh tế toàn cầu trở nên đình trệ, xuất khẩu của Samsung Việt Nam giảm so với năm 2019. Tuy nhiên 6 tháng cuối năm, do hiệu ứng nhu cầu bị dồn nén, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử tăng trở lại giúp cho kinh doanh của Samsung dần có dấu hiệu hồi phục.
Kết quả, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Samsung VN đạt khoảng 57 tỉ USD, một kết quả tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Điều đáng mừng là chúng tôi không để một nhân viên nào bị mất việc và nghỉ việc không lương.
Trong năm 2021, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tích cực các quy định, biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam cũng như của Tập đoàn Samsung nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa đảm bảo sự an toàn của nhà máy vừa nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, giữ vững mục tiêu xuất khẩu.
* Đang có chuyển dịch của chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia chuyển sang Việt Nam. Samsung có kế hoạch mở rộng đầu tư, xây thêm nhà máy tại Việt Nam không?
- Thông qua tình hình thời sự và các báo cáo nội bộ, tôi được nghe những tin vui về việc các nhà máy trên thế giới đang dịch chuyển sang Việt Nam.
Tôi cho rằng Việt Nam có nguồn lao động ưu tú dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng đa dạng, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và thành công... Đó chính là các yếu tố đã tác động tích cực tới làn sóng dịch chuyển này.
Samsung Việt Nam bắt đầu đầu tư với Nhà máy Samsung điện tử Việt Nam (SEV) từ năm 2008. Đến nay chúng tôi đã giải ngân 100% tổng vốn được phê duyệt là 17,5 tỉ USD với 6 nhà máy trên cả nước, mỗi năm duy trì đầu tư bổ sung thêm hàng trăm triệu USD.
Thời gian vừa qua Samsung Việt Nam đã mở rộng đầu tư với tốc độ rất nhanh, nên trước mắt chúng tôi không có kế hoạch đầu tư mới với quy mô lớn mà sẽ tập trung vào ổn định vận hành nhà máy và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hằng năm, bên cạnh đầu tư bổ sung trang thiết bị sản xuất tại 6 nhà máy, chúng tôi sẽ đa dạng hóa hạng mục hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, như sản xuất thiết bị mạng 5G hay máy tính xách tay.
Nếu như trước đây chúng tôi tập trung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi đầu tư với việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia các dự án cơ sở hạ tầng công cộng...
Ông CHOI JOO HO - tổng giám đốc Samsung Việt Nam
Đến nay chúng tôi đã hoàn thành giải ngân 100% tổng số vốn được phê duyệt đầu tư là 17,5 tỉ USD với tổng số 6 nhà máy sản xuất trên cả nước, mỗi năm duy trì đầu tư bổ sung thêm hàng trăm triệu đôla.
Ông CHOI JOO HO - tổng giám đốc Samsung Việt Nam
Đầu tư mạnh cho nghiên cứu tại Việt Nam
* Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chỉ là nơi lắp ráp của Samsung. Việc xây trung tâm R&D ở Hà Nội thể hiện cam kết gì của Samsung và thực tế tác động của nó ra sao, thưa ông?
- Ngày đầu tháng 3-2020 là tròn 1 năm Samsung khởi công xây dựng trung tâm R&D mới tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2022.
Đây là tòa nhà đầu tiên được Samsung điện tử xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ R&D của tập đoàn và là trung tâm có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cũng có quy mô lớn nhất được xây dựng trong số các trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Tại đây sẽ nghiên cứu nhiều công nghệ cao trong tương lai, được kỳ vọng sẽ nâng vị thế của VN và Samsung trên trường quốc tế, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Quá trình xây dựng trung tâm R&D mới của chúng tôi sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 180.000 lao động, số kinh phí chi trả cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam khoảng 1.600 tỉ đồng. Điều này sẽ mang lại hiệu quả trực tiếp trong việc thúc đẩy kinh tế của Hà Nội.
Xây bức tường thành chống COVID-19
* Thời gian qua, mặc dù Samsung có đến 6 nhà máy với khoảng 130.000 nhân viên nhưng không xảy ra điểm nóng về dịch bệnh, các biện pháp phòng chống COVID-19 của Samsung có ưu điểm gì?
- Việc vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân viên vừa duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu là điều không hề dễ dàng. Ngay từ giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch của Chính phủ Việt Nam, áp dụng tất cả các nguyên tắc phòng dịch của Samsung toàn cầu.
Tất cả các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, duy trì khoảng cách an toàn tại mọi địa điểm, lắp đặt vách ngăn trong nhà ăn, ngồi một hàng trong nhà ăn và xe buýt... đều được tiến hành hiệu quả.
Ngoài ra, chúng tôi tiến hành khảo sát sức khỏe online giúp cho nhà máy của chúng tôi vững chắc như một bức tường thành trong đại dịch.
Với số lượng nhân viên khoảng 130.000, hằng ngày qua quá trình kiểm tra, chúng tôi đều phát hiện những nhân viên có các triệu chứng tương tự như sốt, ho... và xử lý nhanh chóng theo kịch bản khẩn cấp.
Nhân viên có lịch sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng hay cách ly đều được tạo điều kiện nghỉ ngơi mà vẫn hưởng lương.
Bữa tối ngon và hạnh phúc nhất
* Hơn 2 năm ở Việt Nam, trong đó có hơn 1 năm trải qua dịch COVID-19, ông có kỷ niệm cá nhân nào đáng nhớ nhất ở Việt Nam?
- Vào tháng 3 và tháng 4-2020, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất, hằng ngày tôi đi làm với một nỗi bất an: không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào lúc nào. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam sau đó được kiểm soát tốt và nhanh.
Vào ngày quy định cách ly xã hội được dỡ bỏ, tôi đã có thể cùng với một số nhân viên của mình ngồi ăn tối một cách ấm cúng.
Chưa bao giờ tôi thấy những phút giây bên nhân viên của mình lại quý báu và đáng nhớ đến vậy. Đó có lẽ là bữa tối ngon và hạnh phúc nhất chỉ có vài lần trong cuộc đời, qua đó tôi càng cảm thấy trân trọng những phút giây bình yên như khi dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra.
Thời gian vừa qua, Việt Nam được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống dịch COVID-19 và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là người chiến thắng khi đại dịch quay lại lần thứ 3, qua đó trở thành tấm gương phòng chống đại dịch trên toàn cầu.
Trung tâm R&D mới của Samsung nghiên cứu gì?
Sau khi trung tâm R&D mới được đưa vào vận hành năm 2023, chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm hàng trăm kỹ sư so với quy mô hiện tại.
Ngoài các nghiên cứu về sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, sản phẩm về mạng, dự án kiểm chứng... các cơ hội nghiên cứu về công nghệ cao trong tương lai sẽ nhiều hơn.
Nếu như trung tâm SVMC hiện tại chỉ là tòa nhà văn phòng thông thường được thuê lại thì ngay từ khâu thiết kế, cơ sở vật chất của trung tâm R&D mới đã được tính toán để nghiên cứu phát triển cả phần cứng, phần mềm. Đây cũng là một trong những yếu tố được kỳ vọng sẽ làm gia tăng hiệu quả các hoạt động nghiên cứu tại đây.
Với các hoạt động hiệu quả của trung tâm R&D mới, chúng tôi kỳ vọng rằng vị thế của Việt Nam và Samsung trên trường quốc tế sẽ được nâng cao, tạo điều kiện tốt để Việt Nam theo kịp những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội tụ trung tâm nghiên cứu để tăng lan tỏa
Công ty TNHH Panasonic AVC Networks Việt Nam trong Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Sự đầu tư ngày càng mạnh mẽ của khối doanh nghiệp FDI vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) được nhiều chuyên gia cho là tín hiệu tốt để góp phần thúc đẩy công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) thuộc Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) - cho rằng FDI đã trở thành một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế, song các mối liên kết sản xuất của FDI với các doanh nghiệp trong nước còn yếu.
Do đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đã phối hợp với các doanh nghiệp FDI (như Samsung, Toyota, Panasonic, Mitsubishi Motor...), các nhà tài trợ như IFC/WB, JICA... triển khai các chương trình phát triển nhà cung cấp, tập trung vào các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất...
Đánh giá về sự xuất hiện của nhiều trung tâm R&D bên cạnh các nhà máy lắp ráp, bà Thúy cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng về chất lượng thu hút FDI vào Việt Nam. Bởi trung tâm R&D là công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn trong chuỗi giá trị nên các tập đoàn lớn chỉ đặt các trung tâm này tại những nơi gần các trung tâm sản xuất chính nhằm đảm bảo tính liên kết chặt chẽ và nhanh chóng.
"Việc ngày càng có thêm các doanh nghiệp FDI đầu tư mở trung tâm R&D tại Việt Nam cho thấy chúng ta đang đáp ứng tốt hơn yêu cầu cao của các doanh nghiệp FDI, cũng là một trong những tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp này có ý định đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Đây chính là động lực có tính lan tỏa kéo theo sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trong nước" - bà Thúy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tận dụng sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia và các trung tâm R&D của họ tại Việt Nam, một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là phải kết nối được các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp này, thu hẹp khoảng cách về công nghệ, năng lực nghiên cứu, sáng tạo.
Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp công nghiệp cũng là một trong những giải pháp cần thúc đẩy mạnh mẽ. Các giải pháp này đã và đang được triển khai trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 68), tuy nhiên quy mô vẫn còn hạn chế.
Để tạo ra sự lan tỏa lớn hơn, theo vị lãnh đạo Bộ Công thương, cần có sự tham gia của các địa phương từ thiết kế môi trường đầu tư thông thoáng đến các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp, giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu - doanh nghiệp.
Ông Hirai Shinji (trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM):
Chính sách minh bạch để thu hút đầu tư hơn nữa
Ông Hirai Shinji, trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM
Trong xu thế dịch chuyển đầu tư, Việt Nam hiện đang là điểm đến được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, chỉ xếp sau Thái Lan. Trong lần khảo sát năm trước đó, Việt Nam chỉ xếp tốp 3.
Trong năm 2021, các doanh nghiệp Nhật vẫn rất lạc quan về thị trường Việt Nam nhờ sự năng động của Chính phủ Việt Nam khi tham gia các hiệp định FTA, kiểm soát dịch tốt nên công ty Nhật cũng đang tranh thủ tận dụng tối đa các cơ hội này.
Hiện nay, mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu là chi phí nhân công đang tăng; hệ thống thuế, thủ tục hành chính còn phức tạp; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp... Trong đó, hai lĩnh vực chính Việt Nam cần cải thiện trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản là cơ sở hạ tầng và hoàn thiện chuỗi cung ứng bao gồm tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu, linh kiện...
Doanh nghiệp Nhật rất coi trọng việc tuân thủ các quy định, chính sách minh bạch dễ hiểu, dễ thực hiện...
N.BÌNH
TTO - Hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất TV duy nhất của họ tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) để chuyển sang Việt Nam, Mexico và một số nước khác.