TTO - Một bác nông dân, một cô nhân viên văn phòng, một kỹ sư chế tạo máy, một doanh nhân… đi làm vườn và trồng cây thì có gì khác và giống nhau?
Câu chuyện của những người trồng cây gây rừng dưới đây chia sẻ những cách nghĩ, cách làm ít tốn kém, tối ưu hóa được nguồn lực nếu biết nương tựa vào tự nhiên, cả những sai lầm và vỡ lẽ của họ… Tất cả dẫn họ đi qua một hành trình không định trước, đi từ câu hỏi "trồng cây gì ở đây?" đến câu hỏi "cây gì mọc được ở đây?", từ tâm thế chủ nhân đến tâm thế nương tựa thiên nhiên.
Nhờ thế, họ nhận thức khác đi, hành động khác đi, sống khác đi. Họ đi từ việc biết "nương" (nương tay, nương nhẹ, nương theo) rồi mới có thể "tựa" được.
Tôi theo cha từ miền Trung lên Tây Nguyên làm kinh tế mới khi ngoài 20 tuổi. Năm 30, tuổi tôi lập gia đình và ra ở riêng. Vì mới ra riêng, vốn ít, tôi không trồng những cây đòi hỏi vốn đầu tư cao như cà phê và tiêu mà chọn trồng điều và chuối.
Sau biến cố gia đình, vợ nhập viện và cần điều trị 3 năm liền, tôi biết mình phải làm ít lại để tự chủ và để còn có thời gian tiếp tục chăm sóc vợ. Tôi quyết định trồng cây lâm nghiệp để đỡ chi phí đầu tư, đỡ tốn công và có của để dành.
Thời điểm 18 năm về trước đó, quả đồi 7ha của tôi gặp đủ chuyện khó khăn: vùng đỉnh đồi không có thảm thực vật che phủ nên bị xói mòn, suy thoái độ phì, đất lẫn nhiều đá, không có nguồn nước (canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa) nên không thể trồng cây hằng năm. Giải pháp khả thi khi đó là bỏ hoang hoặc trồng cây lâu năm.
Trồng cây khó một thì giữ cây khó mười. Mình biết sống một chút thì mới giữ được. Tôi kết thân với cộng đồng người bản địa sống xung quanh, biết "thủ lĩnh" của họ là ai, khi cần thì nên nói chuyện với ai. Phía dưới chân đồi có một làng người đồng bào dân tộc ít người. Họ hiểu rằng tôi "nuôi rừng", rằng họ có nước xài là nhờ những cái cây trên đồi của tôi nên họ rất hợp tác. Tôi cũng chia sẻ nguồn lợi của khu vườn như cỏ, măng... cho họ thu hái để dùng.
Tôi cũng từng trồng một ít tiêu, với tâm ý thận trọng. Nhờ làm ít nên tôi không bị sa lầy. Nhờ đi chậm nên tôi không nếm thất bại lớn. Nhưng tôi vẫn thấy rõ sự thất bại và những khó khăn của phương thức canh tác mà số đông đang thực hành. Ví dụ, nước tưới càng ngày càng khan hiếm: hồi đầu khoan giếng 20 mét, rồi phải khoan tới cả 100 mét mới có nước.
Thời điểm bắt đầu trồng cây lâm nghiệp, tôi thuyết phục bà con xung quanh cùng làm. Tổng diện tích dần dà cũng đến hơn 100ha cây lâm nghiệp.
Như những nông dân khác, tôi cũng đứng trước nhiều cám dỗ. Ví dụ khi giá tiêu lên 200 ngàn đồng/kg, tôi phải lựa chọn giữa việc giữ nguyên hiện trạng quả đồi hay kêu xe múc hết để trồng tiêu. Nhưng rồi tôi biết ngừng lại, không chuyển đổi sang trồng tiêu mà dưỡng cây rừng, sau đó trồng xen tiêu vào vườn rừng.
Giờ đây, khi những người xung quanh đã phá hết cây lâm nghiệp, tôi vẫn còn "khu rừng". Tôi thảnh thơi hơn họ bởi tôi không mắc nợ, tôi có thu nhập ngắn hạn chủ lực là chuối. Và tôi có "của để dành" là vài trăm cây căm xe và kơnia, xoan đếm không hết, cùng nhiều loài khác tự mọc lên, có loài tôi chưa biết tên.
Nhiều bạn trẻ tới hỏi tôi về kinh nghiệm tái lập rừng. Tôi cũng từng phá rừng làm rẫy như bao người. Sau đó, tôi bắt đầu trồng cây lâm nghiệp cũng chỉ vì lý do kinh tế vì miếng đất không thể trồng gì khác, chứ không có lý tưởng cao cả gì. Có điều càng làm thì nhận thức của tôi càng chuyển biến. Tôi biết mình cần nương tựa thiên nhiên để có cuộc sống bền vững.
Công việc hằng ngày của tôi đến giờ vẫn chỉ là làm rẫy, trồng chuối, dưỡng rừng. Các biện pháp kỹ thuật trồng vườn rừng các bạn có thể tìm trên mạng dễ dàng. Bí quyết của tôi, nếu có, chỉ là: đi chậm, làm nhỏ, chi phí thấp, quan sát học hỏi và nương theo tự nhiên. Và có sự hậu thuẫn của vợ tôi - một người rất hiền, đảm đang và vun vén.
Tốt nghiệp đại học, tôi kinh doanh du lịch. Thời điểm 2017-2018, Phú Quốc có cơn sốt đất, môi trường sống xung quanh chúng tôi thay đổi rõ rệt, bụi bặm và ồn ào hơn. Nên khi vợ tôi có bầu cháu đầu tiên, chúng tôi thống nhất chuyển cả gia đình lên Đắk Nông nhằm tìm một môi trường tốt hơn cho con.
Đầu tháng 5-2018, tôi tiếp nhận khu vườn 53ha trên đất dốc từ người chủ cũ. Thực vật trên khu đất lúc ấy chủ yếu là cỏ, vài loại cây ăn trái 3-4 năm tuổi và cây tái sinh 1-2 năm tuổi. Đất bị rửa trôi nhiều, nước trong hai cái hồ dưới chân đồi lúc nào cũng đỏ quạch.
Người chủ cũ đã dựng nhà và thâm canh chanh dây ở đỉnh đồi, vì nơi đó bằng phẳng nhất. Tây Nguyên vốn đã nổi tiếng với cái nắng, cái gió. Ở đỉnh đồi trọc thì mọi yếu tố khí hậu như gió, mưa, lạnh, nóng đều cực đoan. Mưa đầu mùa kéo sạch lớp phủ thực vật trên đỉnh đồi đi, cả các công trình xây dựng. Những ngày gió lớn, ngồi trong nhà nghe gió rít mà sợ. Giàn chanh dây phải làm bằng dây kẽm và neo xuống đất mới trụ được trên đỉnh đồi.
Nhận đất xong, chúng tôi cũng trồng chanh dây để có thu nhập ngắn hạn như những nông dân địa phương, chỉ khác là không dùng hóa chất trong canh tác. Vụ đầu tiên rơi vào mùa mưa, mọi chuyện ổn: cây không phải tưới, trái đều đẹp, đầu ra giá tốt. Vụ thứ 2 rơi vào mùa khô, thiếu nước nên trái teo. Chúng tôi phải bơm nước liên tục, bơm chuyền 2-3 lần từ chân đồi mới lên được đỉnh đồi, vừa tốn năng lượng vừa tốn nhân công liên tục rà soát béc nước để đảm bảo không bị nghẹt. Sau một năm thì tôi bỏ tưới.
2 tháng sau khi trồng chanh dây, tôi bắt đầu nuôi gà trên đỉnh đồi gần nhà để dễ chăm sóc. Mọi chuyện tạm ổn được vài tháng mùa mưa. Sang mùa khô, nắng hạn làm đất khô khốc, cây cỏ vàng úa, lại thêm gà bới trơ cả đất. Sau đó tôi nuôi bò, những mong bò sẽ giúp giải quyết những đám cỏ đang lên rất tốt trên đất dốc ở xa nhà, dùng phân bò để nuôi trùn quế nhằm giảm tiền mua thức ăn cho gà. Tuy nhiên, vào mùa khô, chỉ sau 2 ngày là hết thức ăn. Thảm thực vật cạn kiệt, thêm bò giẫm đạp nên đất tơi ra như bột.
Tôi giải tán đàn bò, giảm luôn đàn gà vịt và heo, chỉ nuôi đủ dùng cho nhu cầu gia đình.
Tôi đúc rút cho mình vài bài học. Đầu tiên, đỉnh đồi mà không có cây lớn phòng hộ thì không phải vị trí phù hợp để dựng nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, thậm chí trồng cây cũng vất vả bởi ngoài yếu tố khí hậu cực đoan còn phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng để tiếp cận nguồn nước và thức ăn. Thứ hai, trên nền đất đỏ, đất dốc, ưu tiên số một là tái lập thảm thực vật. Vội vã chăn nuôi khiến thảm thực vật đã nghèo còn suy kiệt thêm, đất bị xói mòn hơn.
Tôi được tư vấn là có thể trồng cây vào bất cứ mùa nào khi đưa công nghệ vào nông nghiệp, thậm chí mùa khô cây còn phát triển nhanh hơn. Sẵn có hệ thống tưới nên tôi trồng xen các cây khác vào vườn chanh dây. Nhưng các vườn chanh dây đều nằm ở đỉnh đồi, dưới nắng gió Tây Nguyên chỉ 1 giờ sau khi tưới thì đất đã khô hết, lại tốn điện và nhân công vô ích.
Năm đầu, tôi mua nhiều cây giống và nhận thấy cây ăn trái - loại cây ghép mà trồng theo kiểu tự nhiên thì tỉ lệ sống thấp. Cây giống lâm nghiệp mua về trồng cũng phát triển kém, do bộ rễ đa phần bị tổn thương. Khi so sánh trồng muồng đen và keo gieo hạt trực tiếp với cây ươm bầu, tôi nhận thấy cây gieo hạt lớn chậm nhưng khỏe. Nhiều cây trồng bầu chết vào mùa khô nhưng các cây trồng hạt thì vẫn sống.
Hiện nay tùy hiện trạng từng khu trong vườn mà tôi tác động theo 3 cách:
1. Những khu có ít cây rừng tái sinh thì mùa mưa chúng tôi trồng thêm chuối. Chuối phát triển nhanh, bền cây và phủ xanh nhanh nhất.
2. Những khu có nhiều cây rừng tái sinh thì chúng tôi phát cỏ quanh những cây tự tái sinh để tạo điều kiện cho cây vượt lên.
3. Những khu mà cây rừng đã vươn lên chiếm ưu thế thì để tự nhiên, không can thiệp.
Tôi thấy khu nào từng thâm canh thì cây thân gỗ tái sinh ít, nhất là những khu từng trồng chanh dây do bị xới xáo nhiều lại ở vị trí đỉnh đồi, thảm thực vật tái lập khá chật vật; khu nào ít canh tác thì cây thân gỗ tái sinh mạnh và đa loài hơn mình trồng rất nhiều. Nhìn chung, thảm thực vật từng bước được tái lập đã hạn chế phần nào sự xói mòn, hai hồ nước dưới chân đồi càng ngày càng trong và nhiều nước hơn.
Bạn cần biết vườn có sẵn gì. Ví dụ, nếu trong vườn có mạch nước chảy quanh năm, sao không sống gần nguồn nước mà lại sống ở đỉnh đồi cách xa nguồn nước cả trăm mét? Kế đó là cần theo nhịp tự nhiên: có tiền, có nôn nóng thì cũng không đi nhanh hơn được, vừa tốn kém lại dễ nản lòng.
Trồng cây không phải việc khó. Thiên nhiên trồng là chính, người trồng là phụ. Thử thách lớn nhất của tôi ở giai đoạn này là bảo vệ khu vườn khỏi những mối nguy từ bên ngoài, bao gồm cả con người và gia súc.
Tôi sinh ra và lớn lên ở phố, không biết nhiều về nông thôn. Sau một biến cố cuộc đời, tôi tới tá túc một tuần trong một trang trại, được ôm đỡ và chữa lành. Phong cách sống và làm nông của vợ chồng người chủ trang trại gây ấn tượng với tôi, nên từ đó tôi mong ước được sống trong một trang trại như vậy. Bạn trai của tôi từng đi thăm những trang trại nhỏ xinh đẹp khi anh sống ở Mỹ cũng có mong muốn ấy. Chúng tôi cưới nhau và bắt đầu đi tìm đất.
Lúc ấy, cả hai đều ý thức được rủi ro là mình đang "cua rất gắt" trong cuộc đời, lại đang mông lung, nên chúng tôi - một anh kỹ sư cơ khí chế tạo máy và một cô nhân viên văn phòng - hiểu cần trang bị cho mình kiến thức nông nghiệp. Chúng tôi đi Israel vừa để học vừa để xem đó có phải là ý định bồng bột không. Sau vài tháng thực tập làm nông rất vất vả, cả hai thấy vẫn thích làm kinh tế nông nghiệp như các bạn Do Thái.
Tháng 6-2014, chúng tôi mua 15ha đất. Đấy là vùng đồi trọc, hoang hóa sau khi rừng ở đó đã bị phá hết để trồng mì, hoa màu và cà phê thì đã cỗi. Một phần chưa có kinh nghiệm, phần khác vừa đi Israel về, khá tự tin rằng công nghệ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, chúng tôi bắt tay vào mô hình trang trại trồng chuối laba để xuất khẩu.
Vợ chồng tôi "song kiếm hợp bích" - người lái máy xúc, người lái máy cày. Chúng tôi xới tung mảnh đất, dọn sạch từng cọng cỏ. Khi mùa mưa tới, đất mặt trôi đi hết, để lại những rãnh sâu ngoằn ngoèo, chằng chịt. Đến mùa khô, đất không có gì che phủ, khô cằn và rút nước rất nhanh, có tưới liên tục cũng không ăn thua. Vào mùa gió, không có tàu lá chuối nào nguyên vẹn. Thiếu nước nên chất lượng chuối bị ảnh hưởng. Sau hai năm, doanh thu không đủ bù chi phí đã bỏ ra cho 3 sào chuối, đó là chưa kể các chi phí đã bỏ ra để làm đường, làm nhà ở, nhà cho công nhân, nhà kho, mua máy cày, máy xúc…
Sau thất bại về chuối, chúng tôi chuyển qua trồng bơ và trồng ca cao dưới tán bơ. Nhưng lượng gió lớn, không có cây lớn che chắn, cây con yếu ở gốc và tả tơi ở ngọn nên tiếp tục chết. Gió thổi bay lớp đất mặt hiếm hoi còn sót lại đang nằm trơ trọi giữa nắng cháy, đất càng kiệt quệ.
Chúng tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhưng hệ thống này - dẫu rất tốn kém chi phí, kỳ công lắp đặt, hạch toán khấu hao tối thiểu 10 năm - đã tan hoang chỉ sau mùa khô đầu tiên do chuột và một số loài gặm nhấm cắn phá để tìm nước. Khe nước dồi dào dưới chân đồi đã cạn khô sau khi chúng tôi dọn sạch thực bì (chặt hết đám cây tạp và tre) ngay triền đồi phía trên khe nước để trồng cây. Không đủ nước để tưới, cây mới trồng chết hàng loạt.
Ngoài khó khăn về thổ nhưỡng, khí hậu, chúng tôi còn gặp thử thách về nhân lực. Nguồn lao động tại chỗ khan hiếm, chúng tôi phải thuê nhân công từ ngoài tỉnh. Họ từ xa đến không quen khí hậu, ít gắn bó với công việc và khá thụ động nên gây đình trệ tiến độ chung của cả trang trại.
Chúng tôi tìm tòi qua sách báo, mạng Internet và học kỹ thuật từ các chuyên gia. Chúng tôi chở củi từ đỉnh đồi xuống lò than ở chân đồi để đốt, xay, rồi lại vác ngược lên trên đỉnh để rải vào gốc cây. Đó là "một pha xử lý cồng kềnh". Ba chồng tôi có lần đến thăm, gặp lúc vợ chồng tôi mặt mày nhọ nhem vì hầm than đã quay mặt đi lau nước mắt.
Vì ý thức được tác hại của chất hóa học đối với đất và người nên ngay từ đầu chúng tôi đã chọn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Nhưng không lẽ trồng cây mà không có phân bón? Chúng tôi lại bước vào hành trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học - một hành trình tốn kém cả thời gian, tiền bạc và là "một pha xử lý cồng kềnh" khác!
Khi các bài học lần lượt hiện hình, lời giải cũng dần xuất hiện, và đó chính là cây - cây giữ nước.
Chúng tôi đào một cái giếng khơi, 8m giếng có 2m nước, đủ xài hàng ngày. Đến khi một người thân cho 1.000 cây vối, chúng tôi trồng đại trên 1.000m2 triền đất phía trên giếng. Sau gần 3 năm, đám vối chen nhau cao lớn và mực nước trong giếng đã lên 4m. Hóa ra những cây vối đã làm giàu cho nguồn nước mạch tuyệt vời như thế!
Chúng tôi có một hồ nước mạch giữa đồi, vì phía trên hồ là 1ha cao su và cây rừng tạp. Khe nước từng cạn vào mùa khô năm ấy vì chúng tôi chặt hết cây trên đồi, giờ đây, 3 năm sau, khi chúng tôi phủ xanh triền đồi bằng cây rừng đa loài và để cỏ dày giữ ẩm che phủ đất, nguồn nước đã dần trở lại.
Khi chúng tôi trồng chuối để che bóng cho ca cao, người ta nói chuối sẽ làm nghèo đất và không cây nào cạnh tranh được với nó. Nhưng quan sát thấy đất nơi gốc chuối luôn ẩm, chúng tôi trồng chuối gần cây rừng, cây ăn quả. Ban đầu cách 2m, bây giờ chỉ cách 20cm. Khi cây thân gỗ còn nhỏ, chuối giữ ẩm, che bóng, chắn gió. Khi cây lớn hơn, chuối được tỉa bớt lấy thân, lá ủ gốc.
Những cây được trồng dưới tán chuối như thế lớn và khỏe mạnh gấp đôi cây đứng một mình. Và quan trọng hơn là vào mùa khô cũng không cần phải tưới.
Những chiêm nghiệm thực tế đó giúp chúng tôi tự tin thử nghiệm 1ha theo phương thức vườn rừng đa loài và đa tầng. Ngoài chuối, chúng tôi đưa cây tiên phong họ đậu phát triển nhanh như keo, muồng đen... để che bóng cho cây con, cố định đạm trong đất, cắt tỉa để tạo sinh khối tại chỗ, che phủ đất vào mùa khô. Giờ đây, sau những bài học của 3 năm đầu, chúng tôi chỉ trồng cây vào đầu mùa mưa và hạn chế xới xáo bề mặt. Khi trồng không bón phân lót, không múc hố lớn như trước mà chỉ khoan lỗ lớn hơn bầu một chút và làm sạch cỏ quanh hố trồng.
Vì muốn chủ động cây giống, chúng tôi tự ươm cây lâm nghiệp, mất công sang bầu, dưỡng cây trong vườn ươm cả 6 tháng và giúp cây làm quen nắng theo tiến độ. Trong khi đó, chúng tôi lại thấy cây rừng tái sinh tự nhiên lớn như thổi mà mình chả phải làm gì. Cho nên sau đó, không quan trọng cây đó là cây gì, chỉ cần cây sống là chúng tôi dưỡng. Trong các tháng mùa mưa, chúng tôi dọn cỏ quanh gốc, cắt dây leo bám vào cây. Đến mùa khô, chúng tôi cắt cỏ tấp gốc, chừa lại ít cỏ để che phủ và giữ ẩm cho đất. Cây nào không biết tên thì chúng tôi hỏi người dân xung quanh. Hóa ra toàn cây quý: hương đen, trâm, xoan rừng...
Một năm sau, trên 1ha đó, cây phát triển rất khỏe mạnh. Chi phí được giảm thiểu, nhất là rất chủ động trong công việc vì chúng tôi có thể tự làm mà không phải thuê mướn nhân công. Đến năm vừa rồi, chúng tôi tự tin triển khai cách làm này trên những khu đất mà trước đây đã thất bại với việc trồng thâm canh cây bơ và ca cao ghép.
Sống ở vườn, chúng tôi đã học được bài học lớn nhất trong đời là quan sát quy luật tự nhiên để biết giới hạn bản thân và đặt mình vào đúng chỗ: chúng tôi là một phần của tự nhiên, nương tựa vào thiên nhiên để cùng nhau sinh tồn chứ không phải là chủ nhân của vạn vật trên mảnh đất ấy!
Xem thêm: mth.41344401162201202-neihn-ut-aut-gnoun-av-yac-gnort/nv.ertiout