John Dillinger. Ảnh: todayifoundout
Vào một đêm tháng 7 nóng kỷ lực, một người đàn ông và hai phụ nữ rời rạp chiếu phim Biograph ở Chicago, Mỹ. Họ vừa xem bộ phim tội phạm Manhattan Melodrama do tài tử Clark Gable đóng. Khi họ rời rạp chiếu phim lúc 22 giờ 30 phút, một người đàn ông đứng ở cửa hút xì gà. Dường như đó là hành động bình thường, nhưng đó lại là dấu hiệu. Không chậm trễ, các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt đầu áp sát. Họ chuẩn bị chấm dứt chuỗi ngày thống trị của một trong những tên cướp ngân hàng khét tiếng nhất lịch sử Mỹ: John Dillinger.
Theo trang todayifoundout, câu chuyện về Dillinger đã trở thành cảm hứng của nhiều phim và sách. Hắn ta được ví với Robin Hood vì có thói quen cướp của những ngân hàng lớn – được cho là nguyên nhân gây ra Đại Suy thoái.
Dillinger lúc nào cũng là một kẻ gây rắc rối. Lớn lên ở thành phố Indianapolis, lúc bé hắn thường gây các tội vặt như ăn trộm gà, đánh lộn và có lần còn buộc dây thừng nối nhà vệ sinh của một nông dân với đoàn tàu chở hàng. Song Diliinger còn gây ra nhiều tội không hề vặt vãnh nữa khi ở tuổi thiếu niên, ví dụ ăn cắp than, tấn công, cưỡng hiếp tập thể.
Nghĩ rằng thành phố lớn là vấn đề với con trai nên người bố cực kỳ nghiêm khắc của Dillinger đã đưa con trai về cộng đồng nông nghiệp nhỏ ở Mooresville, bang Indiana. Bất mãn, Dillinger đã ăn cắp ô tô và lái về Indianapolis. May mắn cho hắn là hắn không bị kiện tụng gì về vụ ăn cắp.
Sau đó, Dillinger đăng ký vào Hải quân Mỹ và được giao nhiệm vụ trên tàu USS Utah. Hắn không thể theo kỷ luật ở đây và cuối cùng bị đuổi một cách ô nhục. Hắn trở về Mooresville và lấy vợ nhưng vẫn giao du với các thành phần xấu.
Không lâu sau đó, bước ngoặt cuộc đời Dillinger xảy ra vào một đêm tháng 9/1924. Hắn say xỉn sau khi uống với bạn và cướp 50 USD (720 USD theo thời giá ngày nay) của một người bán hàng. Hắn và đồng bọn bị nhận mặt khi tẩu thoát và cả hai đều vào tù ngày hôm sau.
Dillinger đã nghe lời khuyên của bố, nhận tội mà không tham vấn luật sư. Trước đó, bố của Dillinger đã nói chuyện với công tố viên hạt Morgan và dường như đã thỏa thuận về việc miễn tội cho Dillinger nếu Dillinger thừa nhận. Nhưng sau khi nhận tội, Dillinger đã bị kết án 10 năm tù. Hắn ngồi tù 9 năm rưỡi và được phóng thích sớm.
Trong tù, hắn thường xuyên bị báo cáo vì đánh bạc, ăn nói thô lỗ và không tuân thủ quy định. Hắn thậm chí còn định vượt ngục một lần. Khi ở tù, hắn làm quen với các tên tội phạm khác, trong số đó có nhiều người hắn sẽ hợp tác trong các vụ cướp khét tiếng sau này.
Không cần phải nói cũng biết Dillinger ngay lập tức trở về cuộc sống tội phạm sau khi mãn hạn tù năm 1933. Tại một số thời điểm mùa hè năm 1933, hắn bắt đầu cuộc càn quét các ngân hàng. Trong một năm từ mùa hè năm 1933 tới hè năm 1934, Dillinger và băng đảng tham gia ít nhất 12 vụ cướp ngân hàng. Tổng cộng, băng đảng của Dillinger cướp 24 ngân hàng và 4 đồn cảnh sát, lấy đi 500.000 USD (khoảng 7 triệu đô thời giá ngày nay), khiến 10 người chết. Ngoài ra, hắn còn liên quan tới ba vụ vượt ngục khét tiếng, gồm vụ hắn vạch kế hoạch vượt ngục cho bạn bè trong tù và hai vụ hắn vượt ngục ngoạn mục.
Cứ mỗi lần vượt ngục, Dillinger lại cướp ngân hàng và FBI lại cố gắng bắt hắn. Cuộc truy tìm bắt đầu khi giới chức lần ra dấu vết của hắn từ St. Paul tới Mooresville tới Chicago. Bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp bắt Dillinger sẽ được thưởng 10.000 USD (tương đương 200.000 USD ngày nay). Cuối cùng, vào ngày 21/7/1934, lực lượng thực thi pháp luật đã nhận cuộc gọi từ một phụ nữ ở Gary, bang Indiana, tự giới thiệu tên là Ann Sage. Cô này cho biết có thông tin về Dillinger nhưng muốn được đảm bảo hai điều trước tiên. Trước đó vài năm, Sage đã từ Romania tới Mỹ cùng chồng, ly hôn và hành nghề gái điếm. Về sau, Sage tự điều hành nhà thổ của riêng mình nhưng bị đe dọa trục xuất vì đạo đức kém.
Để giải quyết vấn đề, Sage nói rằng cô ta sẵn sàng kể cho FBI những gì mình biết để nhận tiền thưởng và sẽ không bị trục xuất. FBI đồng ý với điều kiện đó, mặc dù về sau chỉ đưa cho Sage 5.000 USD tiền thưởng và hầu như không làm gì để giúp Sage không bị trục xuất.
Khi hai bên thỏa thuận, Sage nói với FBI rằng bạn của mình tên là Polly Hamilton đã qua đêm với Dillinger ở Chicago. Đầu tuần đó, cả hai đã tới nhà thổ của Sage và Sage đã nhận ra Dillinger khi xem hình hắn trên báo. Thông tin quan trọng nhất là Sage sẽ dẫn hai người đi xem phim ở rạp Biograph hoặc Marbo vào tối hôm sau. Để nhận dạng, Sage cho biết mình sẽ mặc váy màu cam. Sau này, báo chí lại đặt cho Sage biệt danh “quý bà mặc váy đỏ”.
Dillinger (giữa) sau khi bị bắt ở Crown Point, Indiana tháng 2/1934. Ảnh: AP
Ngày đó, Chicago nóng kỷ lục, nhiệt độ lên tới gần 43 độ C. Do lời quảng cáo rạp chiếu phim mát lạnh mà buổi chiếu phim Manhattan Melodrama lúc 20 giờ 30 phút đông nghịt người xem. Hàng chục đặc vụ FBI mặc thường phục tha thẩn bên ngoài rạp chiếu phim, cố gắng tìm bóng dáng Dillinger.
Các đặc vụ bí mật cắm chốt ở cả hai rạp chiếu phim. Khi Sage và cặp đôi bước vào rạp Biograph lúc 20 giờ 34 phút, Giám đốc FBI J. Edgar Hoover bảo các đặc vụ không vào trong rạp để tránh bạo lực khi có nhiều dân thường xung quanh. Phó Giám đốc FBI ra lệnh bắt sống Dillinger nếu có thể, nhưng nếu tên cướp khét tiếng khiến ai đó lâm nguy thì có thể bắn.
Tại nhiều vị trí, các đặc vụ FBI chờ Dillinger bước ra ngoài rạp. Lúc 20 giờ 40 phút, hắn đã ra ngoài. Nhìn thấy hắn, đặc vụ đứng ở cửa rạp đốt điếu xì gà, ra dấu hiệu bắt đầu. Không ai biết chính xác chi tiết điều xảy ra tiếp theo. Một số người cho rằng đặc vụ đốt xì gà nói điều gì đó với Dillinger để cho hắn biết là hắn đã xong đời. Có nhân chứng nói Dillinger quay lại nhìn đặc vụ rồi rút súng ra. Có người lại bảo Dillinger chạy chứ không rút súng.
Theo thông báo của FBI, Dillinger đã chạy vào ngõ khi lục tìm súng trong người. Ba đặc vụ FBI đã nổ 5 phát súng, trong đó ba viên trúng Dillinger. Hắn ngã sấp ở lối vào ngõ nhỏ. Tên cướp ngân hàng khét tiếng nhất lịch sử Mỹ chết sau chưa đầy 15 phút.
Xác Dillinger bị bêu tại nhà xác thành phố. Hàng nghìn người tới xem xác của tên tội phạm khét tiếng. Về sau, người ta chôn hắn ở nghĩa trang Crown Hill ở Indianapolis dưới 4 lớp bê tông cốt thép để ngăn mộ hắn bị cướp. Ngày nay, tấm mặt nạ thạch cao của Dillinger là một trong những vật nổi tiếng nhất lịch sử và thu hút nhiều người xem nhất tại Bảo tàng Tội phạm ở Washington D.C.
Thùy Dương
Tiền phong
Xem thêm: nhc.29551304110301202-ym-us-hcil-tahn-gneit-tehk-gnah-nagn-pouc-net-nahp-os/nv.zibefac