Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2021 của Cục Thống Kê TP.HCM cho thấy, tháng 2 trùng với dịp tết nguyên đán nhưng năm nay sức mua của người dân giảm mạnh do dịch COVID-19 quay lại vào cuối tháng 1.
Bên cạnh đó, thu nhập người dân bị ảnh hưởng do tác động dịch COVID-19 cũng như tâm lý e ngại dịch, các hoạt động ăn uống, vui chơi, giải trí bị hạn chế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước hơn 110.600 tỉ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước và tăng 4,7% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 6.099 tỉ đồng, giảm 14,9% so với tháng cùng kỳ năm trước do các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú và lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch.
Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 501 tỉ đồng, giảm 67,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tâm lí e ngại dịch COVID-19 các hoạt động ăn uống vui chơi giải trí bị hạn chế. Ảnh: TÚ UYÊN
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 69.900 tỉ đồng, tăng 10,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế hai tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước hơn 228.900 tỉ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hai tháng đầu năm hơn 144.100 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 14.400 tỉ đồng, chiếm 6,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch, lữ hành ước đạt 1.215 tỉ đồng, chiếm 0,5% giảm 69,2% so với cùng kỳ năm trước…
Liên quan đến cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo Cục Thống Kê trên thế giới dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt nhiều quốc gia là đối tác đầu tư chủ yếu tại TP.HCM chưa có dấu hiệu suy giảm.
Hai tháng đầu năm 2021 chỉ có ba dự án mới đầu tư vào thành phố với vốn đăng ký là 115 triệu USD. Trong đó có đến 99,7% vốn đầu tư là ngành kinh doanh bất động sản, Singapore chiếm 29,6%, Hà Lan chiếm 70,1%.
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến 20-2 thành phố có 22 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, 168 lượt dự án, góp vốn mua cổ phần. Tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần trong hai tháng là 337,8 triệu USD, bằng 70,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản với vốn đầu tư 145,1 triệu USD, chiếm 43%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 57,5 triệu USD, chiếm 17%.
Các quốc gia dẫn đầu về vốn là Singapore chiếm 37,1%, Hà Lan chiếm 23,9%, Hàn Quốc chiếm 13,2%...