Ngày 22-2-2021, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) đã ban hành quyết định cho thi hành án đối với bản án phúc thẩm ngày 19-1-2021 của TAND TP Hà Nội và bản án sơ thẩm ngày 9-9-2020 của TAND quận Hai Bà Trưng.
Theo quyết định thi hành án thì anh Nguyễn Trọng Việt (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ là người giám hộ cho bà nội 94 tuổi của anh. Hai người cô của anh phải chuyển giao việc giám hộ, giám sát cho anh. Nếu cô của anh không chuyển giao tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà nội thì anh Việt có quyền đại diện bà nội kiện đòi.
Kiện cô đòi quyền giám hộ bà nội
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm giải quyết tranh chấp về thay đổi người giám hộ, người giám sát việc giám hộ ở TAND TP Hà Nội diễn ra trong hai ngày 18 và 19-1.
Theo trình bày của anh Việt, tháng 7-2017, cha của anh qua đời. Khối tài sản để lại của ông trị giá khoảng 500 tỉ đồng, bao gồm một nhà máy dược (đã di chúc để lại cho nhân viên nhà máy) và một số tài sản khác như chung cư, biệt thự, mấy chục tỉ đồng gửi ngân hàng và tiền bảo hiểm. Ngoài ra, ông còn có 35 cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 42 tỉ đồng gửi tại năm ngân hàng do ông đứng tên nhưng không được nhắc đến trong di chúc...
Cha của anh Việt là con trai trưởng, anh Việt là con trai duy nhất của ông. Bà nội của anh Việt sinh năm 1927, khi đó 90 tuổi và còn lại bốn người con.
Hai tháng sau khi cha anh Việt mất thì bà nội anh cũng mất năng lực hành vi dân sự. TAND quận Hai Bà Trưng cử một người con gái của cụ (tạm gọi là cô Ba của anh Việt) làm người giám hộ. Sau đó, cô Tư của anh Việt được UBND phường cấp trích lục đăng ký giám sát người giám hộ.
Ngày 19-3-2018, Thừa phát lại quận Hoàn Kiếm lập vi bằng ghi nhận thỏa thuận của các cô, chú và anh Việt. Theo vi bằng, các bên đã thống nhất được việc phân chia một số di sản nằm ngoài nội dung di chúc. Trong đó, 35 sổ tiết kiệm thuộc về hàng thừa kế thứ nhất là bà nội và hai chị em anh Việt. Tiền được chia thành ba phần, bà nội anh được 16 tỉ đồng.
Theo anh Việt, sau đó cô của anh không trực tiếp chăm sóc bà nội, không công khai việc quản lý và sử dụng tiền của bà nội. “Hai cô đã vi phạm nghĩa vụ. Tôi nhiều lần đề nghị họp gia đình để làm rõ nhưng không thành. Đề nghị tòa chuyển giao quyền giám hộ cho tôi” - anh Việt trình bày.
Bị đơn: “Chúng tôi đang chăm sóc mẹ rất tốt”
Hai người cô của anh Việt cho rằng “yêu cầu giám hộ của Việt chỉ nhằm thôn tính tài sản của bà nội”.
Theo hai bà, họ đang chăm sóc rất tốt mẹ già bởi phụng dưỡng mẹ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của họ. Họ đang quản lý tài sản của mẹ như tài sản của chính mình, đảm bảo tài sản không bị rủi ro từ phía khách quan như trộm cắp, cháy nổ, tiêu hủy, mục nát... dẫn đến mất mát tài sản. Mọi chi tiêu cho mẹ đều vì lợi ích của mẹ. Số tiền này dùng để chăm sóc và điều trị bệnh, không vì mục đích khác. Các khoản chi đều có sự đồng ý của người giám sát giám hộ và được công khai với tất cả người con của cụ, đến nay chưa chi khoản nào lớn.
“Các chị em hết lòng chăm nom, lựa chọn thực phẩm kỹ càng để làm đồ ăn cho mẹ. Nếu tôi bận thì giao cho những chị em khác. Tôi còn gọi điện thoại có hình ảnh để kịp thời hướng dẫn nhằm đảm bảo mẹ được phục vụ tốt nhất. Khi mẹ phải vào bệnh viện chăm sóc đặc biệt thì tôi là người túc trực. Nhờ đó mà mẹ duy trì được sự sống đến ngày nay” - cô của anh Việt trình bày.
Thay người giám hộ, chấm dứt tư cách giám sát
Khi giải quyết sơ thẩm, TAND quận Hai Bà Trưng yêu cầu cô của anh Việt giao nộp biến động tài sản và việc quản lý tài sản nhưng người cô cho rằng mình không có nghĩa vụ này.
Tòa tự thu thập chứng cứ ở các ngân hàng, kết quả là người cô sau khi nhận 16 tỉ đồng đã không mở tài khoản hay sổ tiết kiệm mang tên mẹ mình. Bà mở tài khoản mang tên mình, sau đó rút tiền mặt hoặc chuyển vào các tài khoản mang tên mình ở ngân hàng khác. Các tài khoản đến nay số dư còn 0 đồng. Tòa cho rằng việc làm này đã vi phạm Quy chế về tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Xử sơ thẩm ngày 9-9-2020, TAND quận Hai Bà Trưng đã chỉ định anh Việt thay thế cô Ba làm người giám hộ cho bà nội. Tòa cũng chấm dứt tư cách người giám sát giám hộ đối với cô Tư của anh.
Cô của anh Việt kháng cáo. VKSND quận Hai Bà Trưng kháng nghị hủy án vì không có căn cứ cho rằng bà nội sức khỏe không đảm bảo, không chứng minh được vi phạm của hai người cô khi thực hiện nghĩa vụ giám hộ và giám sát giám hộ.
Tòa phúc thẩm: Vi phạm nghĩa vụ giám hộ
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-1, cô của anh Việt cung cấp cho tòa bản sao giấy xác nhận số dư không có số tài khoản là 14,7 tỉ đồng, kèm theo là bản thuyết minh quá trình, kết quả quản lý tài khoản. Tuy nhiên, tòa không xem xét vì hai bà không nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Theo bị đơn, án sơ thẩm nhận định nguyên đơn có quyền như người giám hộ đương nhiên là không đúng theo khoản 2 Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình; khoản 1, 2, 3 Điều 10 Luật Người cao tuổi. Bị đơn cũng không vi phạm nghĩa vụ và điều kiện quản lý đối với tài sản của mẹ mình. Pháp luật quy định quyền quản lý tài sản của người giám hộ nhưng không quy định phương thức quản lý tài sản của người giám hộ.
Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, anh Việt là cháu nội, đủ điều kiện để làm người giám hộ theo quy định của Điều 49 BLDS 2015. Thêm nữa, căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Người cao tuổi thì cháu cũng có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà...
Tòa cho rằng căn cứ khoản 1 Điều 59, điểm c khoản 1 Điều 60 BLDS 2015 thì cô của anh Việt đã vi phạm nghĩa vụ đại diện cho bà của anh trong các giao dịch dân sự, vi phạm nghĩa vụ quản lý tài sản và nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cụ. Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.
Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ Theo Điều 58 BLDS 2015 thì người giám hộ có các quyền: Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ; được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Và nghĩa vụ, Điều 57 BLDS 2015 quy định người giám hộ có nghĩa vụ chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Người giám hộ được thay đổi nếu vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ (theo điểm c khoản 1 Điều 60 BLDS 2015). |