Nữ tu người Myanmar xin binh lính hãy hạ vũ khí, đối thoại trong hòa bình với những người dân thường - Ảnh: TWITTER
Bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra tại Myanmar vào thời điểm này.
Ông Khin Maung Zaw (luật sư của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi) đánh giá
Hôm nay (2-3), ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt qua video để thảo luận tình hình Myanmar và nghe phía đại diện Myanmar trình bày, theo Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan của Singapore. Ông kêu gọi quân đội Myanmar thả ngay Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhân vật khác của Myanmar.
Thế giới đang quan sát
Hôm 1-3, Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein của Malaysia nói rằng ASEAN phải giữ vai trò lớn hơn trong việc đưa Myanmar quay lại tình trạng bình thường. Phát biểu này được đưa ra đúng một tháng kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt nhiều nhân vật trong chính quyền dân sự.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 28-2 cho biết "đang chuẩn bị thêm các hành động" để áp thêm trừng phạt lên những ai chịu trách nhiệm trong vụ bạo lực gây chết chóc mới nhất và cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Trước đó, Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt lên thống tướng Min Aung Hlaing và nhiều quan chức quân đội Myanmar.
Đăng trên Twitter sáng 1-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên án hành động "bạo lực ghê tởm" của các lực lượng an ninh Myanmar nhắm vào người dân Myanmar. Còn Ngoại trưởng Marc Garneau của Canada gọi việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương với người dân là "kinh khủng".
Những phản ứng trên được đưa ra sau khi Myanmar chứng kiến ngày đẫm máu nhất hôm 28-2, khi cảnh sát được cho là xả súng bằng đạn thật vào người biểu tình khiến ít nhất 18 người chết.
"Thế giới đang quan sát những hành động của quân đội Myanmar và sẽ bắt họ chịu trách nhiệm" - ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), bình luận.
Ông nhắc nhở: "Đạn thật không nên được sử dụng để kiểm soát hoặc giải tán các cuộc biểu tình".
Ngày càng bạo lực
Những hi vọng về việc xây dựng một nền dân chủ mạnh ở Myanmar đã tiêu tan khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính chống lại chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi hôm 1-2, Hãng tin AP miêu tả.
Kể từ đó, trong một tháng qua, những cuộc biểu tình phản đối đảo chính đã diễn ra liên tục tại quốc gia Đông Nam Á. Theo AP, đó được xem là sự nhắc nhở rõ nét về cuộc đấu tranh vì dân chủ lâu dài tại một đất nước mà quân đội đã cai trị trực tiếp trong hơn 5 thập niên.
Từ trường hợp thiệt mạng đầu tiên là cô Mya Thwate Thwate Kaing (20 tuổi), Myanmar tiếp tục chứng kiến cú sốc mới khi ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương trong các cuộc biểu tình hôm 28-2. Đài CNN đánh giá đây dường như là sự thay đổi chiến thuật mang tính phối hợp từ các lực lượng an ninh trên khắp Myanmar, với việc hành động mạnh tay hơn.
Theo Hãng tin AP, Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết đến nay đã xác nhận được tổng cộng 1.132 người bị bắt, truy tố hoặc kết án kể từ hôm 1-2 tới 28-2.
"Myanmar giống như một chiến trường" - Charles Maung Bo, hồng y Công giáo đầu tiên tại Myanmar, viết trên Twitter.
Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, cho rằng quân đội Myanmar sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực. Ông đề xuất cộng đồng quốc tế tăng phản ứng như: áp lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều nước trừng phạt những người đứng sau cuộc đảo chính, trừng phạt các doanh nghiệp quân đội Myanmar và đưa vụ việc lên Tòa hình sự quốc tế.
Tạp chí Diplomat ngày 1-3 đánh giá vẫn chưa rõ chính xác thế giới bên ngoài có thể làm gì để tác động tới tình hình bên trong Myanmar.
Tuy nhiên, theo Diplomat, có một điều hiện đã rõ ràng: việc quay trở lại một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội Myanmar và chính phủ của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) là "không thể", thậm chí nếu thống tướng Min Aung Hlaing sẵn sàng đồng ý.
Theo Diplomat, các cuộc biểu tình của người dân Myanmar trong 3 tuần qua ngày càng cho thấy mong muốn đưa quân đội ra khỏi "đời sống chính trị của đất nước một lần và mãi mãi". Và quân đội Myanmar dường như sẽ tiếp tục dùng vũ lực nếu muốn bảo vệ quyền lực.
Bà Aung San Suu Kyi hầu tòa
Ngày 1-3, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi của Myanmar đã hầu tòa qua video và chịu thêm 2 cáo buộc mới gồm vi phạm luật truyền thông và có ý định kích động bất ổn nơi công cộng, theo Hãng tin AFP.
Trước đó, bà đã đối diện với cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và cáo buộc vi phạm các biện pháp hạn chế ngăn dịch COVID-19 theo luật quản lý thiên tai. Phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3.
Diễn biến cuộc đảo chính ở Myanmar đến ngày 28-2 - Dữ liệu: BẢO ANH
TTO - Giữa lúc các vụ đụng độ trên đường phố Myanmar làm tăng số người chết và bị thương, mạng xã hội lan truyền tấm hình một nữ tu quỳ xuống cầu xin cảnh sát ngừng trấn áp người biểu tình.
Xem thêm: mth.91032057020301202-iad-noc-es-ramnaym-o-gnom-ca/nv.ertiout