Dự án gần 20 tỷ USD thất bại hoàn toàn
Dự án sản xuất bán dẫn tham vọng trị giá gần 20 tỷ USD được nhà chức trách Trung Quốc ủng hộ đã đi đến thất bại hoàn toàn khi nhà vận hành chính của nó là Công ty Chế tạo Chất bán dẫn Hoành Tân Vũ Hán (HSMC) hôm 26/2 vừa qua ra quyết định sa thải toàn bộ nhân viên.
"Theo tình trạng hiện nay, công ty không có kế hoạch khôi phục hoạt động. Toàn bộ đội ngũ nhân viên phải nộp đơn xin thôi việc trước ngày Chủ nhật (28/2) và hoàn thành thủ tục thôi việc trước ngày 5/3. Những người đang nghỉ có thể hoàn thành thủ tục trực tuyến," Thời báo Hoàn Cầu dẫn các nguồn tin tiết lộ nội dung sa thải nhân viên của HSMC.
Một số báo cáo ước tính khoảng 240 người sẽ mất việc làm. Một số nhân viên cho biết HSMC không đưa ra lời giải thích nào về việc đóng cửa đột ngột, cũng như không đề cập các khoản bồi thường cho lao động.
HSMC là một phần trong làn sóng bùng nổ trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, nhằm hướng đến "tự lực về công nghệ" (Ảnh: Caixin)
HSMC, công ty trị giá 18.5 tỷ USD với mục tiêu trở thành nhà sản xuất chip công nghệ cao dẫn đầu của Trung Quốc, bị mất lãnh đạo điều hành vào năm ngoái trong cuộc khủng hoảng tiền mặt đẩy doanh nghiệp đến bờ vực sụp đổ.
Chiang Shang-yi, một nhân vật kỳ cựu trong ngành bán dẫn, người giữ chức CEO kiêm Tổng giám đốc HSMC, đã từ bỏ toàn bộ chức vụ vào tháng 7/2020 - chỉ 1 năm sau khi nhậm chức - vì "những lý do cá nhân".
Chiang nổi tiếng nhờ kinh nghiệm lâu năm và được ghi nhận năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) sản xuất chip. Ông này cũng là cựu điều hành của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.
Việc Chiang "cầm lái" doanh nghiệp được ủng hộ của chính quyền Vũ Hán - HSMC - là một động thái bất ngờ trong ngành. Được thành lập năm 2017 với kế hoạch đầu tư 128 tỷ nhân dân tệ (18.5 tỷ USD), HSMC là một phần trong công cuộc bùng nổ ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc Đại lục những năm gần đây, trong bối cảnh Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu "tự cường công nghệ" trong những lĩnh vực then chốt - nhu cầu trở nên cấp thiết do tình hình cạnh tranh với Mỹ leo thang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm hãng chế tạo bán dẫn Xinxin ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tháng 4/2018. Ông Tập nói rằng tự cường về công nghệ có ý nghĩa trọng tâm đối với vị thế của Trung Quốc trên thế giới (Ảnh: Xinhua)
Dự án từng được địa phương tung hô và nghi vấn "cú lừa"
Dự án chế tạo chip kể trên từng được đánh giá là có thể tạo ra đến 50.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, với sản lương hàng năm khoảng 9.25 tỷ USD khi vận hành hết công suất. Sau khi ông Chang từ chức, những cáo buộc HSMC là "cú lừa tỷ đô" bắt đầu xuất hiện.
Theo Caixin Global, dự án ở Vũ Hán ban đầu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền. Website của chính quyền tỉnh Hồ Bắc từng tuyên bố HSMC là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của tỉnh trong năm 2017-2018, và là "dự án xây dựng trọng điểm cấp tỉnh" trong năm 2018-2019.
Tuy nhiên, dự án không thể được xúc tiến theo kế hoạch và rúng động bởi hàng loạt rắc rối kể từ năm 2019. Vào tháng 11/2019, một tòa án địa phương đình chỉ quyền sử dụng của HSMC đối với khu đất dự kiến xây nhà máy do có tranh chấp với một công ty xây dựng liên quan.
Tháng 7/2020, một báo cáo chính phủ phát hiện HSMC đang lâm vào cảnh thiếu hụt vốn lớn với rủi ro khiến công ty ngừng hoạt động bất cứ lúc nào. Báo cáo cho hay liên doanh này vẫn chưa nhận được phần lớn của khoản đầu tư theo kế hoạch - tương đương 112.3 tỷ trong số 128 tỷ tệ dự kiến ban đầu. Dự án về cơ bản phải tạm dừng trong bối cảnh không có triển vọng nhận được bất kỳ khoản tài trợ còn lại nào trong năm 2020.
Điều tra của Caixin vào tháng 11/2020 còn phát hiện năng lực công nghệ của công ty này đã bị thổi phồng. Giới chức địa phương nói HSMC sở hữu trang thiết bị tiên tiến nhất từng được nhập về Trung Quốc, do Hà Lan sản xuất. Nhưng các nhà phân tích nói rằng thông tin này là sai lệch và cơ sở vật chất của HSMC chỉ là một trong số máy móc nhập khẩu có khả năng sản xuất loại chip 7 nm ở Trung Quốc.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng cho thấy HSMC đã được chính quyền Vũ Hán kiểm soát sau khi thay đổi cổ phần vào ngày 10/11/2020. Doanh nghiệp này sau đó hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý giám sát vốn nhà nước của quận Dongxihu, thành phố Vũ Hán.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan quy hoạch kinh tế cao nhất Trung Quốc - đã chỉ trích mạnh mẽ giới chức bản địa vì sự bất cẩn trong xúc tiến lĩnh vực chế tạo chip. Người phát ngôn NDRC Meng Wei lên tiếng hồi tháng 10/2020, nói rằng có nhiều công ty "mù quáng lao vào các dự án" bất chấp thiếu kinh nghiệm, công nghệ lẫn nhân sự kỹ thuật cao.
Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có khoảng 50 nhà sản xuất chip quy mô lớn trên toàn quốc, thu hút 1.700 tỷ tệ đầu tư - tương đương bình quân 30 tỷ tệ/doanh nghiệp, theo tính toán của Caixin.
Thất bại trong dự đoán
Nhà phân tích Ma Jihua nói với Hoàn Cầu, "sự thất bại của HSMC là trong dự đoán bởi những vấn đề của dự án này đã bị lộ ra từ hai năm trước, nhưng điều này không phản ánh tình hình tổng thể của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc".
Fu Liang, chuyên gia ngành viễn thông ở Bắc Kinh, nói sự đổ bể của các dự án quy mô lớn một phần là do [dự án] khởi động vội vàng mà không được lên kế hoạch xuyên suốt và hệ thống, cũng như thiếu điều tra chuyên sâu trước đầu tư.
Ông Ma nói rằng vụ HSMC, nếu không phải là một vụ lừa đảo, thì sẽ không gây tác động nào đối với làn sóng đầu tư nóng lên vào lĩnh vực bán dẫn ở Trung Quốc.
"Có thể sẽ có thêm nhiều thất bại nữa ở lĩnh vực này trong tương lai, bởi có quá nhiều công ty khởi nghiệp thành lập hai hay ba năm trước. Nhưng bất kỳ tổn thất nào đều là khó tránh khỏi và chúng ta cần có tầm nhìn về dài hạn," ông Ma Jihua đánh giá.