Minh Trường ngoài vai diễn Pơ Le trong vở Nàng Xê Đa, anh còn đảm nhiệm vai trò trợ lý đạo diễn cho NSƯT Hoa Hạ như là một cách học nghề thiết thực - Ảnh: GIA TIẾN
Trong tình hình bệnh dịch phức tạp, ngay cận Tết Tân Sửu 2021, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt vẫn "cả gan" đầu tư vở cải lương Nàng Xê Đa với kinh phí hơn 700 triệu mà biết rằng sẽ khó lấy lại vốn, lại còn "chọn mặt gởi vàng" hầu hết là gương mặt trẻ.
Trong buổi gặp gỡ báo chí để giới thiệu vở Nàng Xê Đa, soạn giả Hoàng Song Việt, ông bầu của vở, đã chia sẻ mấy chục năm trước nghệ sĩ Bạch Long có công lớn khi thành lập nhóm Đồng ấu Bạch Long, để đến hôm nay sàn diễn cải lương có những gương mặt gây chú ý như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo...
Tiếp bước đàn anh, sau này với sự hỗ trợ của Nhà hát Trần Hữu Trang, Hoàng Song Việt đã thành lập nhóm Thắp sáng niềm tin, tập trung các bạn trẻ tài năng. Từ cái nôi này đã có những cái tên như Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, Tâm Tâm, Võ Minh Lâm...
"Với cải lương, yếu tố truyền nghề rất quan trọng. Các em học từ thực tế trong mỗi vở diễn. Hồi đó, tôi mời chị Hoa Hạ dàn dựng. Chị là người giỏi nghề, có phương pháp đào tạo và tâm huyết. Cứ qua mỗi vở, tôi gửi gắm Lê Trung Thảo và giờ em đã trưởng thành trong công tác đạo diễn. Về phía biên kịch, cứ như vậy, cũng đã có được em Tô Thiên Kiều. Hiện tại tôi đang kèm cặp đào tạo em Phạm Văn Đằng. Với Nàng Xê Đa, tôi gửi gắm chị Hoa Hạ kèm cặp Minh Trường trong vai trò trợ lý đạo diễn" - Hoàng Song Việt tâm sự về công trình "mưa dầm thấm lâu" của mình.
Anh cũng bày tỏ niềm vui khi hiện tại ở các đơn vị khác như sân khấu Chí Linh - Vân Hà, Sen Việt của Lê Nguyên Đạt, đạo diễn Triệu Trung Kiên ở phía Bắc cũng đang dìu dắt người trẻ tiến bộ trên con đường nghề.
Có lợi thế là trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, đạo diễn Lê Nguyên Đạt "ngắm nghía" được những nhân tố mà anh dự đoán là triển vọng. Trong số đó, hiện có gương mặt mới là diễn viên trẻ Lệ Trinh - đoạt khá nhiều huy chương vàng các cuộc thi tài năng trẻ.
NSND Triệu Trung Kiên - giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam - cho rằng cơ hội cho người trẻ thực sự quá ít. Nhà hát trực thuộc bộ mỗi năm chỉ được 2 vở đặt hàng, khi dự các cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc cũng phải chọn diễn viên đạt chuẩn để không ảnh hưởng đến chất lượng của vở, gây mất uy tín đơn vị.
"Vì vậy, các em trẻ muốn có cơ hội thể hiện ở một sân chơi nghề nghiệp lớn phải nỗ lực vượt lên chính mình, đồng thời đạo diễn cũng phải hết sức chịu khó rèn giũa từng chút một để nâng cao khả năng của các em" - NSND Triệu Trung Kiên nói.
Với sân khấu cải lương, chuyện đào tạo được người trẻ, tài năng, tâm huyết bám trụ để duy trì bộ môn này thật sự khó khăn trong bối cảnh sàn diễn đìu hiu. Vài năm nữa, những gương mặt được xem là ngôi sao của làng cải lương sẽ già đi, ai sẽ thay thế họ?
Rất mừng khi đã có những "người lớn" biết tạm thời gác qua những sô diễn chỉ nhằm mục đích thương mại để tạo cơ hội cho người trẻ.
Hoàng Song Việt bày tỏ: "Thời chúng tôi may mắn còn những cây đa cây đề chỉ bảo, dạy dỗ. Còn các em tác giả trẻ bây giờ rất trơ trọi, thiệt thòi. Một con đường cần có người đi chung và tiếp nối, vì vậy tôi cho rằng việc giúp đỡ, tạo cơ hội cho các em trưởng thành là trách nhiệm của mình".
Có may mắn được cùng Hoàng Song Việt chuyển thể vở cải lương Thầy Ba Đợi kỷ niệm trăm năm sân khấu cải lương năm 2018 và gần đây được trao nhiều cơ hội, tác giả trẻ Phạm Văn Đằng xúc động nói: "Với người trẻ như tôi làm công việc này cũng chật vật lắm, có lúc rất ít sô, có lúc tôi đi dạy thêm tiếng Nhật để đảm bảo cuộc sống. Nhưng đã trót mê nên những khi khó khăn mình tự nhủ chắc tổ thử thách xem mình có kiên định, có thương nghề không, cứ vậy mà lần hồi vượt qua.
Được chú Hoàng Song Việt quan tâm và dìu dắt, tôi cảm động lắm. Chú truyền kinh nghiệm từng chút một và không hề giấu nghề. Khi có cơ hội, chú giới thiệu kịch bản cho tôi chuyển thể. Có được những người giỏi nghề, tâm huyết dìu dắt, người trẻ chúng tôi thấy hạnh phúc và như được tiếp thêm niềm tin với nghề!".
TTO - Sau 1 năm trầm lắng của làng cải lương, Nàng Xê Đa phiên bản 2021 là vở diễn duy nhất làm nóng sàn diễn với kinh phí "chịu chơi" - tới hơn 700 triệu đồng.
Xem thêm: mth.15591559020301202-ert-iougn-ohc-ioh-oc-oat-iam-gnouht-os-cag-gnoul-iac-auc-nol-iougn/nv.ertiout