Đấu thầu cung cấp dịch vụ tại sân bay Long Thành
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Các doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư các dịch vụ hàng không, phi hàng không tại sân bay Long Thành đều phải qua đấu thầu, theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN |
Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đề xuất đầu tư một số dịch vụ hàng không tại sân bay quốc tế Long Thành, với tổng số vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
Các dịch vụ được Vietnam Airlines đề xuất đầu tư gồm cung ứng nhiên liệu hàng không; phục vụ kỹ thuật mặt đất; cung ứng suất ăn; nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không… Tổng mức đầu tư các dịch vụ này của Vietnam Airlines tại sân bay Long Thành lên tới hơn 9.900 tỉ đồng, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay.
Vietnam Airlines cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên cho hãng để có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách, đáp ứng yêu cầu khai thác và nhu cầu phát triển.
Trước Vietnam Airlines, một số doanh nghiệp cũng đề xuất được đầu tư các dịch vụ ở sân bay Long Thành.
Vị trí các công trình dịch vụ tại sân bay Long Thành. Các công trình dịch vụ này sẽ được đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Ảnh: Lê Anh |
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án sân bay Long Thành (giai đoạn 1) đã được Chính phủ phê duyệt, dự án thành phần 4 (các công trình dịch vụ) nhà đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lựa chọn.
Dự kiến số vốn để xây dựng các công trình dịch vụ ở sân bay Long Thành là 5.930 tỉ đồng. Số vốn này sẽ do nhà đầu tư huy động. Bộ GTVT nhận định với khả năng sinh lợi tốt ở các dự án sân bay trước đó, việc huy động vốn thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các công trình dịch vụ là rất khả thi.
Liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp đầu tư dịch vụ tại sân bay Long Thành, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, theo Nghị định 05/2021 về Quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay (có hiệu lực từ ngày 10-3-2021) và Quyết định phê duyệt dự án sân bay quốc tế Long Thành thì các dịch vụ hàng không đều phải đấu thầu để đảm bảo công bằng với mọi doanh nghiệp.
Hiện tại, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam xây dựng thông tư về đấu thầu, nhượng quyền cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không để làm cơ sở thực hiện.
Một góc Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn của dự án sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN |
Như vậy, các doanh nghiệp muốn đầu tư các dịch vụ hàng không tại sân bay Long Thành đều phải đấu thầu chứ không có ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
Hôm 5-1-2021, hạng mục đầu tiên của sân bay Long Thành gồm rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào đã chính thức được khởi công.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành sẽ được xây dựng làm 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ đô la Mỹ).
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1, chính thức được phê duyệt vào tháng 11-2020 là 109.111 tỉ đồng, tương đương hơn 4,664 tỉ đô la Mỹ.
Giai đoạn 2, xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Mời xem thêm:
Sân bay Long Thành được khởi công ngày 5-1-2021, sau 16 năm quy hoạch vị trí
Xem thêm: lmth.-hnaht-gnol-yab-nas-iat-uv-hcid-pac-gnuc-uaht-uad/251413/nv.semitnogiaseht.coaid