Theo tờ Korea Times, trường đại học Honam University tại thành phố Gwangju-Hàn Quốc đã quyết định phát Airpods hoặc một số loại điện thoại miễn phí với tổng trị giá 550.000 Won, tương đương 481 USD để tuyển sinh đầu vào cho các học sinh tốt nghiệp cấp 3.
Với lượng tiền này, các sinh viên chẳng thể nhận được một chiếc iPhone, thường có giá từ 1.000-1.500 USD như nhiều trang báo Việt Nam đã đưa tin. Bên cạnh đó cũng không có chuyện ép nhận quà bởi đây là chính sách thu hút tuyển sinh mới của những trường đại học vùng quê đang thiếu chỉ tiêu đầu vào.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là tỷ lệ sinh giảm khiến lượng học sinh cấp 3 tốt nghiệp ngày một đi xuống, trong khi đó sinh viên lại có xu hướng chọn những trường nổi tiếng trên thủ đô Seoul hay các thành phố lớn thay vì vùng quê.
"Tương tự như nhiều trường đại học vùng quê khác, chúng tôi rất mong tuyển sinh được những tài năng trẻ đến đây học tập. Bởi trường chúng tôi đang tập trung phát triển mảng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) nên đã quyết định phát cho sinh viên mới những thiết bị điện tử hữu ích", một lãnh đạo của trường đại học Honam nói.
Trường đại học Honam
Một số trường đại học vùng quê khác như Kaya tại tỉnh Nam Gyeongsang, Daedul của thành phố Daejon và Dongyang của tỉnh Bắc Gyeongsang cũng đã tuyên bố khoản học bổng trị giá 1 triệu Won cho mỗi sinh viên mới đầu vào.
Dẫu vậy, truyền thông địa phương cho biết năm 2021 sẽ là một kỳ tuyển sinh đầy khó khăn cho các trường đại học của Hàn Quốc khi đây là năm đầu tiên số học sinh ứng tuyển ít hơn chỉ tiêu đầu vào trong lịch sử nền giáo dục.
Số liệu của Bộ giáo dục Hàn Quốc cho thấy các trường đại học và cao đẳng dự kiến sẽ tuyển sinh khoảng 490.655 sinh viên trong năm 2021 nhưng lại chỉ có khoảng 479.376 học sinh đủ điều kiện ứng tuyển.
Việc các học sinh đua nhau theo học những trường điểm trên Thủ đô hay các thành phố lớn đã khiến sự cạnh tranh tuyển sinh trở nên vô cùng quyết liệt. Theo luật sư Kim Byung Wook, đồng thời cũng là chính trị gia của Đảng đối lập PPP tại Hàn Quốc, năm 2020 nước này đã có 75% số học sinh đăng ký vào các trường đại học từ bỏ giữa chừng để theo các trường danh tiếng hơn.
Thậm chí việc các trường đại học miền quê cố gắng giữ sinh viên đến khi tốt nghiệp cũng là một thách thức. Ví dụ như trường đại học quốc gia Hyungbook đã chứng kiến 2.973 sinh viên bỏ học giữa chừng trong khoảng 2015-2019 và 95% trong số đó là để chuyển đến các trường nổi tiếng hơn.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các trường Pusan, Chungnam và Chonnam với bình quân khoảng 500 sinh viên bỏ học mỗi năm để chuyển trường.
"Những trường đại học tỉnh lẻ đang mất sinh viên cho các vùng đô thị lớn hoặc thủ đô Seoul. Bởi vậy chính phủ nên hỗ trợ họ bằng tài chính hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng tính cạnh tranh", Luật sư Kim nhấn mạnh.
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị