*Bài viết bày tỏ quan điểm của Phó Giáo sư Nan Li và John D. Van Fleet của trường Cao đẳng Kinh tế và Quản lý Antai (thuộc Đại học Jiao Tong).
Mô hình ‘lừa dối’
Hai vị chuyên gia chia sẻ với Nikkei: "Khi Jack Ma chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, hệ thống đã đáp trả bằng cách khiến ông ấy điêu đứng trong nhiều tuần sau đó".
Trung Quốc đã chặn đứng đợt IPO dự kiến trị giá 35 tỷ USD của Ant Group và đến tháng 1 năm nay, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục công bố một loạt quy định mới, buộc Ant phải trở lại đúng bản chất ban đầu là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Các dịch vụ khác của họ như ngân hàng Internet, bảo hiểm, quản lý tài sản và trung gian tài chính sẽ bị phân tách rõ ràng.
Thương vụ IPO của Ant bị hoãn đã ảnh hưởng lớn đến công ty và Jack Ma.
Theo Nan và John, có hai nguyên nhân quan trọng nhất. Một là mô hình kinh doanh vốn chưa được kiểm soát của Ant có thể tạo ra rủi ro hệ thống ở cấp độ toàn cầu. Hai là ban lãnh đạo của Ant đã cố thoát khỏi sự giám sát của các quy định về lực vực tài chính và thậm chí còn loại bỏ từ "tài chính" khỏi tiên công ty ngay trước khi nộp đơn IPO.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã chứng minh rằng mô hình không phù hợp với quy định sẽ tạo ra rủi ro đạo đức, xung đột lợi ích và một số vấn đề của cho vay lãi suất cao.
Trên thực tế, một thành phần quan trọng trong sự phát triển của Ant là OTD, theo đó công ty khuyến khích người tiêu dùng vay theo cách có thể phát triển thành hình thức vay lãi suất cao nếu không được kiểm soát. Sau đó, công ty chuyển các nghĩa vụ vay đó sang dạng chứng khoán bảo đảm bằng tài sản rồi bán cho các quỹ tương hỗ và quỹ thị trường tiền tệ.
Ngoài ra, Ant còn phân tán rủi ro tín dụng thông qua các khoản cho vay vi mô. Chúng được thực hiện qua những thỏa thuận cho vay chung với ngân hàng thương mại ở thành phố nhỏ hoặc nông thôn – một dạng khác của mô hình OTD.
Trong các thỏa thuận đó, Ant cung cấp ít hơn 10% vốn nhưng giữ lại hơn 50% lợi nhuận đồng thời họ là người quyết định các điều khoản của khoản vay cũng như việc khách hàng có được vay hay không.
Người dùng khoe điểm số tích được trên một ứng dụng do Ant hậu thuẫn.
Theo hai chuyên gia, với mô hình kinh doanh trên, Ant sẽ chịu rất ít áp lực để kiểm soát rủi ro nhưng lại có nhiều động lực để tăng quy mô cho vay, cho đến khi các cơ quan quản lý vào cuộc.
Theo bản cáo bạch IPO, Ant sở hữu hơn 50% thị phần trong tổng khối lượng giao dịch thanh toán di động của Trung Quốc, xử lý khoảng 18 nghìn tỷ USD giao dịch thanh toán kỹ thuật số và phục vụ hơn một tỷ người dùng trong năm kết thúc vào tháng 6/2020. Tính đến tháng 6/2020, Ant có 256 tỷ USD cho vay tiêu dùng trên bảng cân đối kế toán, nhiều hơn dư nợ thẻ tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào tại Trung Quốc.
Theo Nan, mô hình kinh doanh kiểu OTD có khả năng không chỉ dụ dỗ người tiêu dùng gánh khoản nợ mà họ không trả được mà còn đè bẹp các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ cũng như có tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc và thế giới.
Núp bóng công nghệ
Tháng 7/2020, ngay trước khi nộp đơn IPO, Ant Financial quyết định bỏ từ "financial" (tài chính) và đổi tên thành Ant Group. Thay vì các sàn giao dịch Thượng Hải hoặc Thâm Quyến – nơi niêm yết của các tổ chức tài chính, công ty cố tình niêm yết trên Shanghai STAR Market – sàn giao dịch dành cho các nhà đổi mới công nghệ cao.
Thế nhưng theo bản cáo bạch, chưa đến 10% doanh thu của Ant đến từ sự đổi mới công nghệ thực sự. Trong khi đó, hơn 90% doanh thu còn lại đến từ các dịch vụ tài chính như thanh toán, phát hành khoản vay và dịch vụ quản lý tài sản.
Việc nâng cao hiệu quả do công nghệ chỉ đóng góp một phần nhỏ trong doanh thu kinh doanh của Ant nhưng họ khẳng định mình là công ty công nghệ nhằm tránh sự giám sát của pháp luật.
Một lý do khác khiến Ant muốn lợi dụng cái danh công ty công nghệ là để đẩy định giá. Các cổ phiếu công nghệ thường được giao dịch với tỷ lệ P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) cao gấp ba lần cổ phiếu tài chính. Do đó, nếu Ant nhận mình là công ty tài chính, định giá IPO của họ có thể bốc hơi khoảng 20 tỷ USD.
Ant, Tencent và nhiều nhà cung cấp ví điện thoại di động khác của Trung Quốc đã đem đến những đổi mới nhằm giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy trao đổi hàng hóa dịch vụ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thậm chí giúp chống lại COVID-19.
Hơn nữa, họ cùng một số ngân hàng thương mại lớn đã chứng minh rằng công nghệ thông tin dựa trên Internet có thể nâng cao hiệu quả trong đánh giá và quản lý rủi ro tín dụng bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu.
Hai chuyên gia cho biết: "Chúng ta có thể có cả đổi mới fintech lẫn các biện pháp bảo vệ theo quy định thích hợp".
Điều chỉnh và quản lý lĩnh vực fintech đã trở thành một bài toán mới của Trung Quốc. "Trong vài tháng gần đây, các cơ quan quản lý đã làm việc chăm chỉ để ngăn chặn một kẻ lừa đảo trên thị trường tài chính. Bên cạnh đó, họ cũng đã thực hiện những bước tiên phong để giám sát fintech mạnh mẽ hơn", Nan nhận định.
Nguồn: Nikkei
Gia Vũ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị