Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tổng hợp để báo cáo Chính phủ, cùng với đó là nghiên cứu sâu hơn ý kiến của chuyên gia và đưa ra kiến nghị để có thể ban hành gói hỗ trợ phù hợp cho người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo Chính phủ về gói hỗ trợ phù hợp
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.2021 diễn ra chiều tối 2.3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có thông tin về gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo ông Phương, đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các bộ: Công Thương, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục nghiên cứu giải pháp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một số nghiên cứu sơ bộ về nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nhấn mạnh việc tiếp tục hỗ trợ là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp. Trong đó, tác động chủ yếu từ các biện pháp phòng, chống dịch như phong tỏa, giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến giao thương, kinh doanh.
Nói thêm về bối cảnh kinh tế trong năm nay, ông Phương cho rằng do các biện pháp phòng, chống dịch đã tiến bộ, phù hợp hơn nên đối tượng bị ảnh hưởng cũng khác so với 2020. Trong khi năm 2020, gần như toàn bộ xã hội bị ảnh hưởng thì năm 2021, nhóm bị ảnh hưởng chính là du lịch, dịch vụ và giao thông vận tải.
Ông Phương cũng cho biết sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ, cùng với đó là nghiên cứu sâu hơn ý kiến của chuyên gia và đưa ra kiến nghị để có thể ban hành gói hỗ trợ phù hợp cho người dân và doanh nghiệp.
Một số địa phương chưa đảm bảo mục tiêu kép
Trả lời câu hỏi về việc ách tắc nông sản ở một số vùng có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh do công tác chống dịch ở một số địa phương lân cận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Thủ tướng đã giao chủ tịch UBND các tỉnh, TP được quyết định các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng trong quá trình thực hiện, một số địa phương quá chú trọng đến việc phòng, chống dịch COVID-19 mà làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của người dân.
“Một số địa phương đã ban hành các văn bản mà theo chúng tôi đánh giá là chưa linh hoạt, thậm chí là chưa phù hợp với thực tiễn và chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về phòng, chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép”, ông Hải nói.
Vì vậy, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa về nông sản. Đặc biệt là tại một số địa phương đang đến vụ thu hoạch, có sản lượng cao như TP Hải Dương.
Về việc này, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ đạo, hướng dẫn, giải pháp để tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân, làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng với các hàng hóa sản phẩm từ vùng đang có dịch. Ngày 21.2, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng.
“Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành từng địa phương để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa”, ông Hải nói.
Bộ Công Thương cũng đã có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng, các bộ, ngành liên quan để bàn về chỉ đạo này của Thủ tướng. Sau buổi làm việc, Bộ ra được văn bản hướng dẫn, tháo gỡ và được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao.
Liên quan đến nguyên liệu thô có sự tăng giá rất cao, ông Hải cho rằng đó là việc hết sức bình thường đối với tất cả các loại mặt hàng chứ không riêng với nguyên liệu thô. Về vấn đề này, Bộ đã cung cấp thông tin và cũng có những cảnh báo đối với các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để họ có thể biết và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Hải nhận định, chắc chắn nếu giá thành nguyên liệu tăng thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng và như vậy phải tính toán liệu sản phẩm của mình có bán được và cạnh tranh và mang lại hiệu quả cho chính các doanh nghiệp không. Ngoài ra, cũng cần phải biết là chúng ta phải chủ động trong việc nhập khẩu các nguyên liệu để có thể mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.
Xem thêm: odl.861588-nad-iougn-peihgn-hnaod-ohc-ort-oh-iog-ev-uhp-hnihc-oac-oab-poh-gnot/et-hnik/nv.gnodoal