Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến thăm một điểm tiêm chủng ở Seoul dùng vắc xin AstraZeneca tiêm cho một bác sĩ vào ngày 26-2-2021 - Ảnh: REUTERS
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã cho phép nhân viên y tế sử dụng vắc xin còn dư nếu họ có thể chiết được lượng vắc xin đủ liều với bơm tiêm có khoảng chiết thấp (LDS).
Bằng cách này, lượng vắc xin còn lại trong bơm tiêm sau khi đã tiêm cho bệnh nhân được giảm xuống mức tối thiểu, qua đó có thể tăng số liều tiêm của mỗi lọ vắc xin.
Cụ thể, với cách này, một lọ vắc xin Pfizer/BioNTesch có thể tiêm cho 7 người so với 6 người trước đây, trong khi một lọ vắc xin AstraZeneca có thể tiêm cho 12 người thay vì chỉ 10 người.
KDCA khẳng định việc tăng liều chiết của mỗi lọ vắc xin không mang tính bắt buộc do điều này có thể tạo sức ép cho các nhân viên y tế.
Quyết định của KDCA đã gây tranh cãi trong giới chuyên gia ở Hàn Quốc. Ông Eom Joong Sik, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Gil thuộc Đại học Gachon, đã cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình chiết vắc xin.
Phản bác điều này, giáo sư Ki Mo Ran tại Trung tâm Ung thư quốc gia, cho rằng tăng liều chiết vắc xin không phải là quy định bắt buộc và tại các trung tâm y tế lớn đều có nhân viên chuyên trách, đảm bảo việc chiết vắc xin được thực hiện an toàn.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ bồi thường thỏa đáng cho người tiêm nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, đài thọ chi phí nằm viện và các loại chi phí điều trị khác nếu người tiêm phải nhập viện sau khi tiêm.
Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 9-2021 và đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Y tá ở một điểm tiêm chủng tại Seoul chuẩn bị lấy vắc xin AstraZeneca vào ngày 26-2-2021 - Ảnh: REUTERS
Sáng 26-2, Hàn Quốc đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19, sử dụng vắc xin của AstraZeneca nhượng quyền cho Công ty SK Bioscience của Hàn Quốc sản xuất.
Theo kế hoạch, trong đợt đầu tiêm chủng, Hàn Quốc sẽ tiêm vắc xin cho 289.480 người, trong đó ngày đầu tiên có ít nhất 5.266 người được tiêm. Nhóm này gồm các bệnh nhân nội trú dưới 65 tuổi và nhân viên các cơ sở y tế, điều dưỡng và viện dưỡng lão.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua vắc xin của AstraZeneca để tiêm phòng COVID-19 cho 10 triệu người. Ngoài vắc xin của AstraZeneca, Hàn Quốc còn nhập khẩu vắc xin của Pfizer và loại vắc xin này sẽ được tiêm chủng tại một số trung tâm tiêm chủng địa phương và một số bệnh viện lớn.
Liên quan tới chiến dịch tiêm chủng tại Hàn Quốc, cùng ngày 2-3, nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul đã công bố kết quả thăm dò lần hai về "Dịch COVID-19 và sức khỏe cộng đồng". Khảo sát được thực hiện từ ngày 8 đến 17-2-2021 đối với 1.084 người trên 18 tuổi khắp cả nước.
Kết quả cho thấy 54,4% số người được hỏi cho rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là "trách nhiệm của tất cả mọi người", 12,5% số ý kiến khẳng định tiêm vắc xin là "lựa chọn cá nhân" và 26,7% tuyên bố "cả hai quan điểm trên đều đúng".
Trả lời câu hỏi nếu vắc xin được kiểm chứng an toàn và tiêm miễn phí, số người cho biết có ý định tiêm chủng chiếm 79,7%. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện đi kèm như trên, tỉ lệ này giảm xuống còn 52,5%. Tỉ lệ có ý định tiêm vắc xin ở nhóm tuổi 20 và 30 lần lượt chỉ đạt 32,9% và 42,5%, song ở nhóm tuổi 50 và trên 60 đạt 63,9% và 67,8%.
Bên cạnh đó, khi được hỏi liệu có tin tưởng sự an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19 đã trải qua một quy trình cấp phép nghiêm ngặt hay không, 49,1% cho rằng "tin ở mức độ nào đó", trong khi 34,8% cho rằng "không chắc chắn lắm".
TTO - Chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu ngày 26-2. Loại vắc xin được sử dụng là vắc xin do công ty SK Bioscience sản xuất theo nhượng quyền của AstraZeneca và vắc xin Pfizer/BioNTech.