Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 2-3 cho biết nước này không có kế hoạch tạo lập một liên minh quân sự với Nga, đáp lại những đồn đoán cho rằng Bắc Kinh và Moscow sẽ hình thành một liên minh chống lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Quan hệ quốc phòng giữa Trung Quốc và Nga chỉ đơn giản là một lực lượng hỗ trợ quan trọng trong quá trình hợp tác chiến lược giữa hai nước" - đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.
“Hai bên tuân thủ nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không nhắm vào các bên thứ ba, khác hoàn toàn với liên minh quân sự giữa một số nước” - người này nói thêm.
Tàu khu trục lớp Type 052D của Trung Quốc (phải) và tàu khu trục lớp Type 054A Yuncheng cập cảng Saint Petersburg, Nga vào năm 2017. Ảnh: AFP
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), tuyên bố trên được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói hồi tháng 10-2020 rằng Moscow sẽ không "loại trừ" khả năng liên minh với Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga đưa ra đề xuất như vậy kể từ khi hiệp ước giữa hai nước sụp đổ vào những năm 1960, và đưa ra gợi ý rằng Nga có thể sẽ thiết lập một liên minh quân sự với Trung Quốc để chống lại NATO.
Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc khẳng định thông điệp không liên minh quân sự với Nga của chính quyền Bắc Kinh rõ ràng nhấn mạnh mong muốn ngăn chặn căng thẳng với Mỹ biến thành "một cuộc chiến tranh vũ trang" và tránh gây thêm sự hoài nghi ở châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg ở Nga vào tháng 6-2019. Ảnh: REUTERS
Nhà phân tích quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải cho hay việc Trung Quốc đề nghị thành lập một liên minh quân sự với Nga là một điều cấm kỵ: “Ngày nay, chỉ những quốc gia có ý định tiến hành chiến tranh mới công bố kế hoạch liên minh quân sự”.
“Nếu làm vậy, bạn sẽ tự đẩy mình vào một góc kẹt, cắt bỏ bất kỳ cơ hội nào để đàm phán. Đó không phải là lợi ích của Trung Quốc" - ông Lexiong nói.
Chuyên gia về quan hệ Trung-Nga tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Cheng Yijun cũng đồng tình với ý kiến trên, nói rằng các liên minh quân sự là di sản của cuộc chiến tranh lạnh và Trung Quốc không có nhu cầu chính đáng để trở thành một phần của nó.
“NATO được thành lập để nhắm vào Liên Xô cũ, không phải Trung Quốc. Cho đến nay, tổ chức này chưa làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của chính quyền Bắc Kinh” - ông Chen nhận định.
Binh lính Trung Quốc và Nga tham gia một cuộc tập trận hải quân chung ở Trạm Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, năm 2016. Ảnh: XINHUA
Theo ông Cheng, một liên minh quân sự Trung-Nga sẽ kéo Bắc Kinh vào các cuộc tranh chấp giữa Nga và châu Âu, vốn là những vấn đề mà Trung Quốc không có bất kỳ lợi ích nào, SCMP đưa tin.
Chuyên gia Cheng khẳng định liên minh quân sự là một khái niệm lỗi thời vì tất cả các nước đều nhận ra tầm quan trọng và giá trị của việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và bảo vệ lợi ích quốc gia của họ.
“Có những xung đột và mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia của mỗi nước. Thành lập một liên minh quân sự có nghĩa là bạn thích sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề, đó là lựa chọn tồi tệ nhất” - ông Cheng nói
Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc (trái) bắt tay binh lính Nga trong cuộc tập trận chung năm 2016 ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ảnh: XINHUA
Ngoài ra, nhà phân tích quân sự Lexiong còn cho biết Trung Quốc và Nga có nhiều lợi ích chung, nhưng nhìn lại lịch sử đã qua, Bắc Kinh sẽ phải trả một cái giá rất lớn nếu hình thành liên minh quân sự với nước này.
“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đã rạn nứt do tranh chấp lãnh thổ trên đảo Zhenbao (Trân Bảo) vào năm 1969. Ngày nay quan hệ giữa hai nước chỉ là một liên minh bán quân sự, nghĩa là đồng minh nhưng không ràng buộc nhau về bất kỳ nghĩa vụ quân sự nào. Nó tương tự như mối quan hệ của Bộ tứ được hình thành giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ” - ông Lexiong nói thêm.
Một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh (không tiết lộ danh tính) tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những ký ức khác rõ ràng về sự chia rẽ trong quan hệ Trung-Xô thời trước.
“Cả ông Tập và Tổng thống Putin đều gọi nhau là ‘bạn thân’. Ông Tập có mối quan hệ cá nhân với Putin, nhưng ông ấy cũng có liên hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông ấy sẽ không muốn bị xô đẩy giữa hai bên" - người này nhận xét.