Mới đây, tân Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ông Lê Hải Trà cho biết đang cân nhắc về giải pháp nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 100 cổ phiếu/lô lên 1.000 cổ phiếu/lô nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống.
Ông Trà nhấn mạnh nếu được phép triển khai thì đây là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động sẽ quay trở lại lô 100 cổ phiếu.
Nhà đầu tư giao dịch tại công ty chứng khoán. Ảnh: Hoàng Triều
Nêu quan điểm trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI, một người có uy tín cao trong giới đầu tư, bày tỏ đồng tình với giải pháp nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1000 cổ phiếu của ông Lê Hải Trà. "Trong 2 cái dở phải chọn cái dở hơn thôi. Giải pháp tăng lô 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm về lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư…." – ông Hưng chia sẻ.
Tuy vậy, tham khảo ý kiến một số nhà đầu tư, hầu hết đều tỏ ra không hài lòng với giải pháp tăng lô giao dịch tối thiểu, vì việc này khiến cho những người ít tiền, không thể mua bán cổ phiếu tốt, cổ phiếu có thị giá vừa và cao, chỉ có thể "đánh" những cổ phiếu nhỏ, giá thấp và rủi ro cực kỳ cao. Nhiều người tỏ ra bức xúc khi đầu năm nay, HoSE vừa tăng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu vẫn không giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh, nay lại tiếp tục đề xuất tăng lô chẳng khác nào ngăn nhà đầu tư nhỏ tham gia thị trường chứng khoán.
Một chuyên gia chứng khoán lâu năm cho rằng việc đẩy lô giao dịch từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu dù là giải pháp tình thế nhưng cũng cần phải có sự công bằng và hợp lý cho các nhà đầu tư. Đồng thời, khi áp dụng thì HoSE cũng phải chuẩn bị phương án để nhà đầu tư giao dịch các lô lẻ đã có. Bởi, hiện tại không phải công ty chứng khoán nào cũng chấp nhận mua cổ phiếu lô lẻ. "Ngoài ra, nếu nói áp dụng lô 1.000 cổ phiếu để tạo điều kiện phát triển ngành quản lý quỹ thì cũng chưa có cơ sở. Bởi nhà đầu tư vẫn thích tìm đến cổ phiếu hơn. Giải pháp tốt nhất để chống nghẽn lệnh có nhiều nhưng cơ quan chức năng phải tìm giải pháp nào ít tác động đến nhà đầu tư và thị trường" - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số ý kiến khác đề xuất HoSE nên nhanh chóng nâng đơn vị yết giá (bước nhảy giá) từ 10 đồng lên 100 đồng, 50 đồng lên 500 đồng, 100 đồng lên 1.000 đồng sẽ giảm được đáng kể số lượng lệnh nhằm tránh việc nghẽn lệnh thay vì nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu có vẻ đi ngược với xu hướng của thế giới, như: Nhật Bản, Singapore… vài năm trước đã giảm lô tối thiểu từ 1.000 cổ phiếu xuống 100 cổ phiếu, thậm chí sàn chứng khoán Italy (Borsa Italiana) hạ lô giao dịch tối thiểu xuống chỉ còn một đơn vị cổ phiếu vào năm 2002 nhằm giúp giảm chi phí giao dịch và tăng sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.
Hay như tại các thị trường phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ và Anh, từ rất lâu nhà đầu tư đã có thể đặt lệnh mua bán chỉ một đơn vị cổ phiếu duy nhất, không bị bó buộc bởi lô 10, 100 hay 1.000.
Cho phép tạm thời chuyển cổ phiếu từ HoSE sang HNX
Liên quan tới giải pháp chống nghẽn lệnh cho sàn HoSE, Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có công văn hỏa tốc hướng dẫn sở HoSE, HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX ngay khi đề xuất này được Bộ Tài chính chấp thuận.
Theo đó, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của HĐQT hoặc của đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HoSE.
HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX.
Cuối cùng, HoSE, HNX phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.