Tạp chí Nikkei Asia cảnh báo nợ xấu tại các ngân hàng Đông Nam Á đã phình to trong năm 2020 vì đại dịch - Ảnh: NIKKEI ASIA
Nikkei Asia đã thống kê số liệu từ 16 ngân hàng thương mại lớn của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Thống kê này cho thấy lợi nhuận ròng của những ngân hàng này trong năm 2020 chỉ đạt 19,4 tỉ USD, giảm 34% so với năm 2019 và là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2011.
Trong khi đó, tổng lượng nợ xấu tại các ngân hàng này đã tăng 17% lên 39,6 tỉ USD, cao nhất trong ít nhất một thập kỷ qua.
Vào lúc nền kinh tế Đông Nam Á đang bắt đầu hồi phục, giới phân tích cảnh báo nợ xấu ở khu vực sẽ tiếp tục phình to trong năm 2021 vì các chính phủ bắt đầu rút dần gói hỗ trợ tài chính.
Đây là rủi ro chính có thể dẫn đến sự sa sút của giới nhà băng, đi kèm với lãi suất thấp kéo dài và sự trỗi dậy của các hãng công nghệ tài chính (fintech).
Trong số 16 ngân hàng Nikkei Asia tiếp cận, các ngân hàng Philippines có tốc độ gia tăng nợ xấu nhanh nhất. Quốc gia này cũng là nước có nền kinh tế sa sút nhất trong 5 quốc gia được khảo sát với tốc độ suy thoái 9,5% trong năm 2020.
Hàng ngàn doanh nghiệp tại đây, phần lớn là các công ty vừa và nhỏ, đã phải đóng của vì những lệnh phong tỏa kéo dài.
Tại Thái Lan, nợ xấu ở các ngân hàng lớn đang tăng lên vì sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào du lịch. Tỉ lệ nợ xấu ở bốn ngân hàng lớn nhất của Thái Lan nằm từ 3,68% đến 3,93% tính đến tháng 12-2020.
GDP của Thái Lan cũng giảm 6,1% trong năm 2020. Nhiều doanh nghiệp chịu lỗ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực du lịch và xuất khẩu, đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của giới ngân hàng và khiến tỉ lệ nợ xấu tăng theo.
Tương tự, nền kinh tế của Indonesia cũng suy giảm 2,07% trong năm 2020. Nợ xấu của 4 ngân hàng lớn tại đây đã tăng 33% so với năm 2019.
Các ngân hàng DBS Holdings, Oversea-Chinese Banking và United Overseas của Singapore có tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,5-1,6% tính đến cuối năm ngoái, chỉ tăng nhẹ so với 2019.
Nếu so sánh với các nước còn lại, giới ngân hàng Singapore phần lớn cho các tập đoàn lớn vay. Những công ty này có khả năng trang trải cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn đại dịch.
Trong khi đó, Malaysia là quốc gia duy nhất trong khu vực thoát khỏi xu hướng tiêu cực, với tổng lượng nợ tại 3 ngân hàng lớn nhất giảm 1,5% so với một năm trước đó.
Theo Nikkei Asia, ngoài các rủi ro liên quan tới COVID-19, giới nhà băng tại khu vực Đông Nam Á còn đối mặt với thách thức từ những hãng công nghệ lớn.
Điển hình, hai tập đoàn công nghệ Grab và Sea (công ty mẹ của Airpay và Shopee) được dự đoán chào sân dịch vụ ngân hàng điện tử vào đầu năm sau tại Singapore.
Hơn thế, một số ngân hàng lớn sẽ tiếp tục chịu gánh nặng về biên lãi suất trong năm 2021.
Vì tình hình bất ổn chung, giới quan sát dự đoán lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp vì chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, cũng như xu hướng ưu tiên các loại tài sản an toàn của giới đầu tư.
TTO - Bắc Kinh đã triển khai gói cứu trợ kinh tế trị giá hàng ngàn tỉ nhân dân tệ (NDT) trong năm 2020, nhưng sự gia tăng nợ trong nước và nguy cơ ''tê giác xám'' có thể đe dọa hệ thống tài chính của nước này.
Xem thêm: mth.46574147130301202-91-divoc-iv-ot-hnihp-a-man-gnod-uax-on-aisa-iekkin/nv.ertiout