Trước dịch COVID-19, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vốn đang dần trở nên phổ biến, tuy nhiên do dịch bệnh và lệnh giãn cách, phong tỏa, những ứng dụng này gần như chiếm lĩnh cả thị trường ăn uống.
Một bữa tối trong thời kỳ đại dịch sẽ như thế nào? Thay vì kéo nhau ra hàng ăn, người dùng sẽ ngồi nhà mở app, đặt món mình thích, một shipper nào đó nhận đơn và chờ vài chục phút là có ngay bữa tối trước cửa. Tuy nhiên đôi khi, mở túi đồ ăn ra, khách hàng sẽ thấy một lời nhắn nhủ của cửa hàng: "Lần sau, xin quý khách hãy đặt trực tiếp trên website của nhà hàng, thay vì qua ứng dụng".
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của các ứng dụng đặt đồ ăn và giao đồ ăn trực tuyến, đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát, nhiều cửa hàng đứng trước bờ vực phá sản vì không thể đón khách.
Trước dịch COVID-19, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vốn đang dần trở nên phổ biến. (Ảnh: startupdaily)
"Nếu không có các ứng dụng này, chắc chắn chúng tôi sẽ phải đóng cửa", anh Richard Poole, chủ một nhà hàng tại Anh, cho hay.
Cùng với đó, tranh cãi xung quanh phí hoa hồng mà các cửa hàng phải trả cho những ứng dụng cũng bắt đầu nóng lên. Phí này tùy ứng dụng mà có thể dao động từ 10 - 35%.
"Nếu trước dịch bệnh, doanh thu đến từ các đơn đặt trên mạng chỉ chiếm 10% tổng doanh thu nhà hàng, thì phí hoa hồng như vậy cũng không ảnh hưởng lắm. Thế nhưng hiện chúng tôi phụ thuộc tới 60% doanh thu qua ứng dụng trực tuyến, phí hoa hồng như vậy là quá cao", Yong Zhao, chủ nhà hàng tại New York, Mỹ, nhận định.
Thậm chí, "người khổng lồ" đồ ăn nhanh như McDonald's cũng đã từng lên tiếng công khai chỉ trích ứng dụng Uber Eats khiến họ mất hết lãi.
Do dịch bệnh và lệnh giãn cách, phong tỏa, những ứng dụng giao hàng gần như chiếm lĩnh cả thị trường ăn uống. (Ảnh: New York Post)
Còn tại Anh, các cửa hàng từng phản đối phí hoa hồng của app Deliveroo. Cộng cả thuế VAT, mức phí này có thể lên tới 45% tổng hóa đơn. Mặc dù vậy, nhiều cửa hàng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì rất khó để các cửa hàng ăn tự thành lập dịch vụ giao đồ ăn riêng, bởi các ứng dụng gần như đã sở hữu toàn bộ hạm đội shipper trên thị trường.
Chỉ riêng UberEats, DoorDash và GrubHub cộng lại đã chiếm 98% thị phần giao đồ ăn tại Mỹ. Để chen chân vào đường đi của shipper các ứng dụng này là một thử thách không phải nhà hàng nào cũng làm được.
Dù vậy, các ứng dụng này vẫn phải đối mặt với các khó khăn, như việc lực lượng lao động biểu tình phản đối điều kiện làm việc không an toàn trong mùa dịch, hoặc mức lương quá thấp.
Với xu hướng bành trướng như hiện nay, giới chức nhiều quốc gia cũng đang bắt đầu để mắt hơn tới cách vận hành của những ứng dụng này trong ngành dịch vụ ăn uống.
VTV.vn - "Đi chợ hộ" là một xu hướng đã xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây tại các thành phố lớn, khi cuộc sống của người dân ngày càng bận rộn và các ứng dụng phát triển nhanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!