Ba câu hỏi về ứng xử của Hải Phòng với Hải Dương trong đại dịch Covid-19
LS. Nguyễn Tiến Lập (*)
(TBKTSG) - Sự việc được nhiều báo chí và mạng xã hội nêu lên với quan ngại: Hải Phòng dựng “hàng rào kỹ thuật” để cản nông dân Hải Dương vận chuyển nông sản xuất khẩu đến cảng với lý do phòng, chống dịch đúng hay sai và hệ lụy thế nào? Đặc biệt, xét trong bối cảnh người dân nhiều tỉnh, thành xung quanh, nhất là ở Hà Nội, đang hết lòng chung tay giải cứu sản phẩm ứ đọng cho bà con Hải Dương.
Việc lập chốt phân luồng quy định xe của Hải Dương phải quay đầu tại Hải Phòng khiến nhiều phương tiện gặp khó khăn khi lưu thông. Ảnh: vov.vn |
Điều này gợi chúng ta nhớ tới các động thái của chính sách “bảo hộ mậu dịch địa phương” từng diễn ra ở một số tỉnh trước đây khi chính quyền chỉ đạo cho các cơ quan, tổ chức trong tỉnh chỉ được tiêu thụ bia hay nước tinh khiết do doanh nghiệp địa phương sản xuất. Với câu chuyện “Hải Phòng - Hải Dương” lần này, dư luận nhạy cảm và bức xúc hơn bởi hai điều: Tình cảnh khốn khó của người dân trong đại dịch và dường như Chính phủ ở trung ương khó can thiệp vào quyền hành pháp của các tỉnh.
Vậy, nếu cứ để sự việc trôi đi thì liệu cái tiền lệ ấy có trở thành thông lệ như một thứ “luật bất thành văn” trong tương lai hay không? Cho nên, để góp phần bàn luận, xin nêu lên ba vấn đề có liên quan như sau:
Câu hỏi về quản trị quốc gia trong tình huống khẩn cấp.
Quốc gia nào cũng có khung pháp luật và thể chế cho tình huống đặc biệt này. Liên quan đến đại dịch toàn cầu Covid-19, hai văn bản pháp luật có thể được áp dụng như hai “cây gậy” trong tay Chính phủ là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000 áp dụng cho trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Đáng lưu ý là để ứng phó với đại dịch, một khi tình trạng khẩn cấp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước công bố, một ban chỉ đạo ở trung ương sẽ được Thủ tướng Chính phủ thành lập và mọi biện pháp chính sách-pháp luật thực thi trong cả nước sẽ chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất của ban này.
Trên thực tế, ngày 1-4-2020, Thủ tướng đã công bố dịch Covid-19 bằng Quyết định 447/TTg-QĐ, tuy nhiên lại không có một hệ quả pháp lý sau đó là đề nghị từ Chính phủ để công bố tình trạng khẩn cấp. Như vậy, về mặt hành pháp, tất cả các biện pháp của Chính phủ về ứng phó với đại dịch này, bao gồm cả một chủ trương lớn rất đúng đắn là ưu tiên chống dịch nhưng vẫn bảo đảm duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, vẫn chỉ dừng lại ở các chỉ đạo mang tính định hướng và khuyến nghị chính sách, hơn là hành vi mang tính pháp lệnh.
Rất có thể vì lý do này, khi có tranh cãi giữa Hải Phòng và Hải Dương về bảo đảm các quan hệ giao thông - kinh tế liên tỉnh nói trên, Thủ tướng, một lần nữa, chỉ có thể đưa ra khuyến nghị mà khó ban hành một quyết định phân xử. Có nghĩa rằng khó ai dám kết luận rằng Hải Phòng đã sai và Hải Dương là đúng, một khi chính quyền ở cả hai địa phương đều cho rằng mình đang nỗ lực hết sức để ưu tiên chống dịch.
Câu hỏi về kỷ cương thể chế và nhà nước pháp quyền.
Khi sự việc xảy ra, nhiều chuyên gia pháp lý đã cảnh báo tình trạng “phép vua thua lệ làng” để ám chỉ sự suy yếu của kỷ cương thể chế. Thực chất, câu hỏi cần đặt ra ở đây là khi tình huống xảy ra, các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị tác động hay thiệt hại bởi các biện pháp hành chính của Hải Phòng có thể được bảo vệ hay không?
Điều này quan trọng hơn rất nhiều so với vấn đề đúng sai của chính quyền hai địa phương nói trên. Bởi mọi việc sẽ được quên đi nhưng các mất mát, tổn thất quy thành tiền tới hàng chục, trăm tỉ đồng, kèm theo việc làm và khó khăn về đời sống của doanh nghiệp và người dân liên quan, vẫn còn đó mà không được xử lý và khắc phục.
Với cách nhìn thực tế, đáng tiếc rằng chúng ta chưa thấy một cơ chế pháp lý nào để giải quyết vấn đề này. Nó chẳng khác nào một lỗ hổng của cái ô thể chế đang che chở người dân, là đối tượng cần được hưởng lợi chính đáng từ nhà nước pháp quyền.
Câu hỏi về ý nghĩa của kiểm soát quyền lực công.
Hệ thống thể chế và pháp luật của nước ta chịu sự lãnh đạo chính trị tập trung và thống nhất của Đảng. Bên cạnh cơ chế tuân thủ pháp luật, đó còn là yêu cầu chấp hành kỷ luật của Đảng theo nguyên tắc từ trên xuống. Điều này đúng cả trong quan hệ quyền lực giữa chính quyền ở trung ương và địa phương.
Có nghĩa rằng trong đời sống chính trị hàng ngày, đặc biệt khi có tình huống đặc biệt, khẩn cấp, một khi có các ứng xử khác biệt của địa phương với trung ương hay bất đồng và xung đột về lợi ích giữa các địa phương với nhau thì sẽ áp dụng nguyên lý trên để giải quyết.
Tuân thủ pháp luật song hành với kỷ luật chính trị ở nước ta có một lợi thế, bởi theo logic, nó sẽ tạo ra cơ hội để bổ sung, khắc phục các thiếu sót và lỗ hổng nhất thời của thể chế.
Như vậy và cụ thể trong sự vụ xảy ra giữa Hải Phòng và Hải Dương vừa qua, trong khi thiếu cơ chế của quản trị khẩn cấp để áp dụng theo Pháp lệnh tình huống khẩn cấp, thay vì một quyết định hành pháp của Thủ tướng Chính phủ, phải chăng cơ quan cấp trung ương của Đảng hoàn toàn có quyền can thiệp để bảo đảm các lợi ích quan trọng hơn của quốc gia.
Kiểm soát quyền lực công như người lãnh đạo cao nhất của Đảng khởi xướng, không chỉ nhằm phòng, chống tham nhũng mà chính là bảo đảm kỷ luật và kỷ cương của Đảng đối với thực thi các nhiệm vụ chính trị của đất nước, theo đó phòng chống đại dịch Covid-19 là một tình huống và ví dụ điển hình.
(*) Thành viên Văn phòng NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam