Ai chớp mắt trước?
Nguyễn Vũ
(TBKTSG) - Cuộc đối đầu giữa nước Úc và Facebook chẳng khác gì một cuộc thi xem ai chớp mắt trước và cuối cùng cả hai đều ngoảnh mặt quay đi cùng lúc, xoay về khán giả để cùng tuyên bố thắng trận.
Chính phủ Úc thì bảo Facebook phải tiếp tục để người dùng chia sẻ tin bài từ báo chí Úc và đồng ý sẽ trả tiền cho các báo; Facebook khoe Úc phải sửa luật để đáp ứng yêu cầu của họ. Nhìn qua ai nấy đều vui vẻ nhưng bản chất vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Cuộc đối đầu giữa các hãng công nghệ lớn như Facebook hay Google với chính phủ các nước đòi hỏi quyền lợi cho giới báo chí nước họ không hẳn vì tiền. Facebook và Google với doanh thu năm 2020 lần lượt là 86 tỉ đô la và 182 tỉ đô la dư sức bỏ ra mỗi hãng 1 tỉ đô la trong vòng ba năm tới để “hỗ trợ” báo chí các nước như họ tuyên bố.
“Hỗ trợ” dù gấp mấy lần khoản đó hay chi trả cho từng báo cụ thể trong các hợp đồng cụ thể thì Facebook sẵn sàng nhưng bảo họ, về nguyên tắc, phải chi trả cho nội dung tin tức hiển thị trên Facebook, chắc chắn họ sẽ phản đối đến cùng.
Đó là bởi họ xem mô hình kinh doanh của họ xoay quanh chuyện tổ chức để mọi người “tự nguyện” đăng tải nội dung, kể cả tin tức lên trang của họ hoàn toàn “miễn phí”, công việc của họ là sắp xếp nội dung này hiển thị cho từng người dùng, kể cả bán quảng cáo đi kèm.
Nếu đồng ý trả tiền cho tin tức, họ sẽ phải trả tiền cho các đòi hỏi tương tự khác, kể cả nội dung của người dùng đưa lên - và mô hình kinh doanh của họ sẽ phá sản. Thử nghĩ nếu Google bị buộc phải trả tiền cho tờ The Australian vì hiển thị một số dòng tin bài trong kết quả tìm kiếm, ắt hẳn họ cũng bị đòi phải trả tiền cho hàng triệu blog, hàng triệu trang web khác!
Nhìn từ góc độ này, Facebook rút lại quyết định không cho người dùng chia sẻ tin tức từ báo chí Úc là bởi Chính phủ Úc đã sửa đổi dự thảo điều luật trước khi Quốc hội nước này thông qua theo đúng ý muốn của Facebook. Dự thảo cũ quy định nếu có tranh chấp giữa nền tảng công nghệ và báo chí truyền thông không đạt được thỏa thuận thì một viên chức phân xử của chính quyền sẽ đưa ra quyết định sau cùng với mức chi trả do viên chức này ấn định.
Nay điều luật mới không còn cơ chế này nữa, thay vào đó là một khoảng thời gian để hai bên tiếp tục thương lượng nhằm đạt thỏa thuận sau cùng. Quy định không phân biệt, tức buộc nền tảng công nghệ chi trả cho mọi loại báo như nhau cũng đã biến mất trong điều luật mới.
Quan trọng nhất, việc có áp dụng điều luật mới thông qua này sẽ xem xét đến chuyện liệu nền tảng công nghệ đó đã “đóng góp đáng kể vào tính bền vững của ngành báo chí Úc thông qua việc đạt được những thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp truyền thông báo chí”. Nói cách khác, nếu Facebook chịu chi ra một khoản tiền cho nền báo chí Úc họ sẽ được miễn trừ trước điều luật mới.
Chính vì lẽ đó mà Facebook ra tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỉ đô la trong vòng ba năm tới cho ngành báo chí nói chung. Trước đó họ cho biết đã chi 600 triệu đô la từ năm 2018 cho một số báo cụ thể để tin bài của các nơi này xuất hiện trong mục Facebook News.
Google cũng vậy, tuyên bố sẽ chi 1 tỉ đô la trong ba năm tới để hợp tác với các báo trong dịch vụ News Showcase mới. Chừng nào họ xác định đây là những khoản chi cụ thể cho từng báo cụ thể để làm một điều gì đó cụ thể, họ sẽ sẵn lòng chi - miễn sao không phá vỡ mô hình kinh doanh của họ, tức bị buộc chịu trách nhiệm cho nội dung người dùng đưa lên (tranh chấp về quyền kiểm duyệt) và trả tiền bản quyền (như tranh chấp ở Úc).
Câu chuyện ở Úc sẽ lập lại ở nhiều nước khác như Canada, Đức, Pháp. Liệu Facebook “hủy kết bạn” như từng làm với báo chí Úc ở quy mô hàng chục nước được không? Liệu các nước có đồng ý nhượng bộ như Úc miễn sao Facebook chịu mở hầu bao thương lượng với từng tờ báo?
Câu trả lời là chưa rõ nhưng có một số điều đã rõ: trong cuộc đối đầu này, các tờ báo nhỏ, không nằm trong các tập đoàn báo chí lớn sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì sức nặng thương lượng của họ không cao bằng. Thậm chí trong tuần lễ Facebook không cho người dùng chia sẻ tin tức từ báo chí Úc, có nhiều tờ báo nhỏ, nhiều trang web bình thường bảo họ không cần Facebook trả tiền cho họ, họ chỉ muốn sử dụng nó như một kênh truyền bá tin bài rộng ra cho độc giả - trong trường hợp này tại sao lại cấm cửa họ?
Xem thêm: lmth.court-tam-pohc-ia/012413/nv.semitnogiaseht.www