Cơn sốt tiền Pi trên ứng dụng miễn phí
Cộng đồng mạng Việt Nam những ngày này đang bị "bội thực" vì một đồng tiền mã hóa mới nổi mang tên Pi Network được quảng cáo tràn ngập khắp Facebook, đồng tiền này hi vọng biến giấc mơ đổi đời của nhiều người mà không mất chi phí nào.
Vào năm 2010, giá một đồng bitcoin chỉ là 0,08 USD nhưng đến năm 2020-2021 đã vượt mốc 50.000 USD. Mọi người kỳ vọng đến thời điểm nào đó đồng tiền Pi cũng có giá trị như bitcoin, và những con ong thợ săn Pi sẽ trở thành tỷ phú!
Pi là đồng tiền ảo được giới thiệu là có thể khai thác trên điện thoại thông minh, thông qua ứng dụng miễn phí Pi Network.
Theo cộng đồng đào tiền ảo Pi, dự án tiền ảo Pi Network do nhóm các tiến sĩ tại ĐH Stanford thực hiện với tham vọng trở thành đồng tiền số phổ biến trên thế giới.
Vì ứng dụng Pi giới hạn một người chỉ đào được 0,12 Pi/giờ, tương đương khoảng 2,88 Pi/ngày. Như vậy để tăng tốc độ đào tiền, người chơi phải tìm mọi cách lôi kéo thêm người mới vào mạng lưới tiền ảo này.
Thao tác để tham gia chơi Pi khá đơn giản, bạn chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, thực hiện xác minh đăng nhập, sau đó bật ứng dụng và để máy tự đào. Việc làm của bạn là hàng ngày là bật ứng dụng lên để điểm danh, còn việc đào tiền ảo sẽ do hệ thống đảm nhiệm.
Theo các chuyên gia, nếu nhìn vào việc chào mời để kiếm thêm tiền thì đào Pi không khác gì mô hình đa cấp. Liệu Pi có trở thành một phiên bản khác như Forex Trading hay không khi Pi Network hiện có 13 triệu người sử dụng?
Tại Việt Nam đã hình thành nhiều nhóm chiêu dụ người mới tham gia vào mạng lưới của mình.
Nhiều "Pier" "trổ tài" phân tích, rải code mời người chơi tham gia với lời kêu gọi hấp dẫn về số tiền nhận được sau khi đầu tư. Càng nhiều người mới sử dụng mã của người hiện hữu, họ sẽ hưởng lợi lớn nhất khi số tiền đào cao hơn.
Không có bữa ăn miễn phí
Phải hiểu rõ rằng, một số đối tượng chào mời mua tiền Pi bằng tiền thật, chiêu dụ nạp tiền vào hệ thống kiếm lãi cao theo kiểu mô hình đa cấp bằng cách lấy tiền của người trước trả lãi cho người sau. Khi chủ sàn sập đồng nghĩa với việc tiền mất tật mang, người thiệt hại là người đầu tư.
Hơn nữa, không ai có thể đảm bảo việc thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng sẽ bị hack trên nền tảng ứng dụng Pi Network. Nếu lấy tiền thật để mua đồng tiền số kiểu này mà thiếu sự hiểu biết sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro cho người chơi, vừa mất tiền vừa không được luật pháp bảo vệ.
Pi chỉ là những con số ảo và không thể nào so sánh với Bitcoin hay Ethereum. Năm 2015, câu chuyện của OneCoin là một minh chứng về câu chuyện rủi ro tiền ảo.
Lãnh đạo cao cấp của dự án OneCoin bị bắt giữ vì cáo buộc lừa đảo "hàng tỷ USD" từ các nhà đầu tư thông qua mô hình Ponzi.
Cuộc điều tra của Mỹ chỉ ra rằng, từ quý IV/2014 cho đến quý III/2016, OneCoin đã ghi nhận đến 3,7 tỷ USD doanh thu và "lợi nhuận" lên đến 2,5 tỷ USD.
OneCoin thực chất chỉ là một âm mưu kim tự tháp, khi các thành viên sẽ nhận được tiền hoa hồng nếu tuyển thêm được người mới tham gia vào hệ thống. Người mới sẽ phải mua các gói đầu tư tiền điện tử, thu hút được 3 triệu nhà đầu tư trên toàn cầu tại thời điểm ấy.
Giống bitcoin, những đồng tiền OneCoin được coi như một mỏ vàng với số lượng "vàng" có hạn. Để có cơ may đào được đồng OneCoin, bạn phải có nhiều token, để có nhiều token, bạn phải "đóng" bằng tiền thật. Nói cách khác, giá trị của token càng tăng, giá trị của OneCoin lại càng tăng cao hơn và ngày càng nhiều người muốn có hơn, đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ tiền vào nhiều hơn.
Dùng tiền thật mua tiền ảo, tiền Pi đều là mặt hàng cấm trong kinh doanh đa cấp, khuyến cáo người dân không nên tham gia vào những hình thức kinh doanh này. Nếu có rủi ro, người đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nguyên Anh