Luật sư tư vấn
Theo Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, căn nhà cha mẹ bạn tạo lập từ năm 1996 được xem là tài sản chung của vợ chồng.
Cha bạn mất thì tài sản chung sẽ được chia đôi, trong đó một nửa sẽ thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp của mẹ bạn. Phần còn lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật dân sự về thừa kế.
Do cha bạn không để lại di chúc nên phần tài sản này sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, phần tài sản cha bạn để lại là quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với một nửa nhà đất sẽ được chia đều thành 4 phần cho mẹ bạn, bạn và 2 anh trai.
Theo đó, mẹ bạn chỉ có thể lập di chúc đối với một nửa nhà đất là tài sản chung của cha mẹ bạn và phần tài sản mẹ bạn được thừa kế từ cha bạn, chứ không thể lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà cho bạn.
Để đảm bảo việc thực hiện thủ tục kê khai di sản sau này được thuận lợi hơn, tránh những rắc rối, tranh chấp, nên thực hiện kê khai di sản thừa kế đối với phần di sản mà cha bạn để lại trước. Sau đó thực hiện cập nhật biến động trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Sau khi hoàn thành thủ tục này, mẹ bạn có thể lập di chúc đối với phần tài sản của mẹ bạn. Lưu ý là, cần thỏa mãn các điều kiện của di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha
Xem thêm: lmth.8091424-gnuhc-nas-iat-iov-iod-cuhc-id-pal-coud-oc-ov-tehc-gnohc/ten.sserpxenv