Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nghị quyết nêu rõ, tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có tốc độ lây rất nhanh, lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, Covid-19 đã ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Số người nhiễm tăng cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế - xã hội.
Chính phủ nhận định, thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế, trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay.
Chính phủ giao TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước ngày 1/9. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trước ngày 25/8.
Từ hôm nay, Hà Nội bắt đầu thực hiện 7 ngày cao điểm, xét nghiệm diện rộng khoảng 300.000 mẫu tại 30 quận, huyện, thị xã nhằm bóc tách hết các F0 ngoài cộng đồng. Thành phố cũng đã ban hành phương án đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người mắc Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 40.000 ca mắc Covid-19).
Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ bệnh sẽ phân chia các cơ sở thu dung, điều trị như sau: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không có triệu chứng và nhẹ (có các phương án riêng).
Việc điều phối bệnh nhân Covid-19 đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.
Phương án cũng phân công rõ công tác điều trị người bệnh Covid-19 có mức độ nặng, nguy kịch tại các bệnh viện của thành phố và đề xuất các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành hỗ trợ. Phân luồng người bệnh thường quy tại các bệnh viện đã được giao nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh Covid-19 đến khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế lân cận.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, các ca bệnh ngoài cộng đồng tiếp tục gia tăng. Do đó, thành phố giãn cách thêm 15 ngày, tận dụng thời gian giãn cách để "vét sạch" F0 ra khỏi cộng đồng.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, CDC Hà Nội sẽ cùng với các quận, huyện đánh giá các nguy cơ ở các địa bàn chia theo 3 khu vực: khu vực đỏ (nguy cơ cao nhất trong vùng phong toả), khu vực vàng (nguy cơ cao) và khu vực khác (có nguy cơ).
Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, có trọng tâm, chia theo các khu vực. Thành phố giao chỉ tiêu lấy mẫu sớm, có kết quả nhanh trong vòng 24h. Việc tổ chức xét nghiệm dựa vào lực lượng y tế sẵn có trên địa bàn, đồng thời huy động thêm gần 1.000 sinh viên trường Cao đẳng Y Hà Nội hỗ trợ. Đội ngũ này đã được tập huấn lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 (trong đó có 300 sinh viên đã đi hỗ trợ phòng chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang).
Ông Cương yêu cầu tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian vàng giãn cách để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Sáng 10/8, Hà Nội ghi nhận thêm 56 ca Covid-19, như vậy, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, thành phố có tổng 1.909 ca, trong đó 1.108 người ngoài cộng đồng và 801 người trong khu cách ly tập trung. Tính riêng từ ngày 5/7 đến trưa 10/8 có 1.640 trường hợp.
Minh Nhân
Doanh nghiệp và tiếp thị
Xem thêm: nhc.35691728101801202-8-52-yagn-court-hneb-hcid-taos-meik-uad-nahp-ion-ah-oaig-uhp-hnihc/nv.zibefac