‘Nâng lô giao dịch lên 1.000 là không công bằng với nhà đầu tư nhỏ’
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Việc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) tính toán chuyện nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu để giảm nghẽn hệ thống được người trong cuộc giải thích theo kiểu lý do “vạn bất đắc dĩ”. Thế nhưng, ở góc nhìn của những người đang trong cùng nhịp đập của thị trường chứng khoán, giải pháp nào cũng cần có sự nghiên cứu thấu đáo thay vì áp đặt một cách cứng nhắc.
Việc điều chỉnh tăng lô giao dịch tạm thời trong ngắn hạn cần có một cơ sở vững chắc hơn. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Loại nhà đầu tư nhỏ ra khỏi cuộc chơi bluechip
Sau động thái nâng lô giao dịch cổ phiếu từ mức lên 10 lên mức 100 vào đầu tháng 1, người đứng đầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đề xuất thêm một phương án mới: nâng lô giao dịch lên tới 1.000 đơn vị.
Điều này cũng đồng nghĩa nhà đầu tư sẽ phải bỏ tiền thêm gấp 10 lần nếu muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán hiện nay. Ví dụ, với cổ phiếu bluechip như Vinamilk, số tiền tối thiểu phải bỏ ra là 103 triệu đồng mới có thể đầu tư chứng khoán.
Do đó, ý tưởng đề xuất này ngay lập tức nhận được làn sóng phản ứng mạnh mẽ của giới đầu tư, đặc biệt là các đầu tư nhỏ. Nhiều nhà đầu tư còn cay đắng nói rằng: “thị trường chứng khoán giờ chỉ dành cho đại gia”.
Ở một khía cạnh khác, nhiều nhà đầu tư tin rằng nếu quy định này có hiệu lực, các cổ phiếu có mức giá nhỏ sẽ là đích ngắm đến vì không đủ tiền để mua cổ phiếu giá cao. Mà số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ thì lại không hề nhỏ, đặc biệt là nhà đầu tư F0, không ít người chỉ “lận lưng” vài chục triệu tiền vốn tham gia thị trường.
“Việc nâng lô giao dịch đã đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào tình thế phải chấp nhận rủi ro cao hơn, vì họ có muốn cổ phiếu tốt nhưng giá cao thì không mua được. Nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như bị loại bỏ khỏi nhóm bluechip, điều này là không công bằng”, bà Bảo Ngọc, một nhà đầu tư cá nhân lâu năm trên thị trường đánh giá.
Ngoài yếu tố “đẩy” mặt bằng chi phí đầu tư trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư còn đặt câu hỏi lớn về việc giải quyết hậu quả của việc nâng lô từ mức 10 lên 100 mới đây, đó là về xử lý cổ phiếu lô lẻ.
Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu lô lẻ (số cổ phiếu dưới mức 100 – lô giao dịch tối thiểu theo quy định hiện nay). Số cổ phiếu này đa phần đến từ việc chia cổ phiếu thưởng, hoặc nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Người sở hữu cổ phiếu lô lẻ ở tình trạng “thiệt đơn thiệt kép” vì mức giá bán thì phải theo mức giá sàn cộng phí. Nhưng ngay cả chấp nhận mức giá thấp hơn đáng kể so với thị giá thì nhà đầu tư cũng chỉ có thể bán lại cho công ty chứng khoán, nhưng công ty chứng khoán thì lại thu mua theo đợt, và bao giờ mua lại thì cũng chẳng biết được. Thêm nữa, thiệt hại về mặt giá trị của nhà đầu tư khi bán cổ phiếu lô lẻ cũng tăng lên đáng kể nếu tăng giới hạn lô giao dịch.
Ngay cả lãnh đạo HoSE cũng thừa nhận, nếu áp dụng biện pháp nâng lô giao dịch thì sẽ cần phải giải quyết câu chuyện giao dịch cổ phiếu lô lẻ cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh câu chuyện của lô 100 chưa giải quyết xong, việc dọn đường tính toán cho lô 1.000 dường như là quá sớm khi các nhà đầu tư ở trong trạng thái “bất cân xứng” về thông tin.
Tình trạng nghẽn lệnh chưa được khắc phục triệt để dù Sở giao dịch đã nâng lô từ 10 lên 100 vào đầu tháng 1. Ảnh minh họa: Thành Hoa. |
Giải pháp tình thế tạm thời
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay”, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE chia sẻ với báo giới trước đó về kế hoạch lô 1.000. Theo lãnh đạo Sở, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ và có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.
Giải pháp tình thế này cũng được lãnh đạo công ty chứng khoán đồng tình, như ý kiến chia sẻ trên trang cá nhân của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Chứng khoán SSI. Theo ông Hưng, đã gọi là giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, do đó “trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn”.
Giải pháp xử lý triệt để vấn đề nghẽn hệ thống vẫn là thay mới. Đại diện HoSE cho biết các chuyên gia nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 12 năm ngoái để triển khai công việc theo kế hoạch. Hiện nay, các chuyên gia đang kiểm tra lần cuối năng lực các thiết bị phần cứng, cài đặt các phần mềm và HoSE đã thông báo tới các công ty chứng khoán chuẩn bị kế hoạch kiểm thử.
Nâng lô 1.000 được người trong cuộc giải thích theo kiểu lý do “vạn bất đắc dĩ”, nhưng ở góc độ khác, nhiều chuyên gia khác cho rằng một giải pháp tăng lô lên cao như hiện nay, nếu muốn thực hiện cũng phải có sự nghiên cứu thấu đáo thay vì cứng nhắc áp đặt.
Đánh giá của HoSE cho thấy, giải pháp nâng lô lên 100 từ ngày 4-1 đã có tác động giảm tải đáng kể được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15-18% như dự kiến. Còn việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch, theo chia sẻ trước đó của lãnh đạo Sở.
Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên trường Đại học Bristol (Anh), tỏ ý nghi ngờ chuyện tăng lô giao dịch sẽ giúp tăng thanh khoản, vì thanh khoản trên thị trường sẽ bị tác động bởi rất nhiều yếu tố.
Thậm chí, nhiều nghiên cứu của nước ngoài cho kết quả ngược lại là giảm lô giao dịch mới tăng thanh khoản. Ở trường hợp Việt Nam, nếu điều chỉnh tăng lô giao dịch, kéo theo đó là số lệnh đi vào thị trường giảm và hệ quả có thể là đồng thời kéo theo thanh khoản giảm.
Ngoài ra, cũng theo ông Tuấn, lập luận cho rằng việc nâng lô sẽ gián tiếp thúc đẩy nhà đầu tư nhỏ, lẻ chọn hình thức đầu tư qua quỹ để thúc đẩy ngành công nghiệp quản lý quỹ phát triển chưa thực sự hợp lý trong bối cảnh thực tế. “Các nhà đầu tư Việt Nam chưa chú trọng vào các quỹ vì vướng mắc về chính sách sản phẩm, các loại thuế, phí chứ không phải vì lô giao dịch”, ông Tuấn đánh giá.
Do đó, việc điều chỉnh tăng lô giao dịch tạm thời trong ngắn hạn cần có một cơ sở vững chắc và cũng nên được truyền thông một cách hợp lý, để nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thực sự hiểu được câu chuyện và hệ quả của chúng.
Xem thêm: lmth.ohn-ut-uad-ahn-iov-gnab-gnoc-gnohk-al-0001-nel-hcid-oaig-ol-gnan/862413/nv.semitnogiaseht.www