Truyền thông đã góp phần bóp méo chính sách thế nào?
MĐ
(TBKTSG Online) - Ngày hôm nay (4-3), dư luận bỗng dưng xôn xao nháo nhác trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào yêu cầu học sinh từ lớp 3 đến 12 bắt buộc học tiếng Hàn, tiếng Đức. Thông tin này được nhiều tờ báo chính thống đăng tải và giật tít: “Bộ GD&ĐT quy định tiếng Hàn, Đức là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến 12”, “Học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 bắt buộc học tiếng Hàn”, Tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến 12?
Cách giật tít gây hiểu nhầm của báo chí khiến dư luận hoang mang. |
Nhiều người chỉ đọc những tít bài trên và cho rằng từ nay tất cả học sinh phổ thông từ lớp 3 bắt buộc phải học tiếng Hàn, tiếng Đức. Từ đó đã thổi bùng những cơn giận dữ của các phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục. Thực hư của vấn đề này thế nào?
Theo quy định, ngoại ngữ là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Từ năm 2006, học sinh và các nhà trường được chọn 1 (hoặc hơn) trong số 4 ngoại ngữ sau để học tập và giảng dạy. Đó là tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung. Đến năm 2011 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm tiếng Nhật. Và bây giờ có thêm tiếng Đức, tiếng Hàn theo quyết định số 712/QĐ-BGDĐT vừa được công bố.
Như vậy, học sinh có 7 thứ tiếng để lựa chọn làm môn ngoại ngữ bắt buộc cho mình. Thích ngoại ngữ nào thì sẽ chọn trường đó hoặc khối lớp giảng dạy ngôn ngữ đó. Vậy là có thêm lựa chọn đa dạng.
Lẽ ra, khi tiếp cận và phổ biến văn bản này, một số cơ quan truyền thông cần nói rõ đây là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung tiếng Hàn, tiếng Đức vào chương trình ngoại ngữ phổ thông, thêm quyền lựa chọn cho học sinh. Vậy mà một số tờ báo vì mục đích giật tít câu view đã phớt lờ nhiệm vụ “tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ” mà cố tình mập mờ nội dung, khiến cho dư luận hoài nghi, hiểu nhầm và thậm chí tức giận trước cái mà họ cho là sự kỳ quặc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có người, thậm chí còn đề nghị Thủ tướng đình chỉ quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì cho rằng... tiếng Hàn và tiếng Đức không phải ngôn ngữ phổ biến.
Cần phải nói rõ rằng, quy định ngoại ngữ là môn học bắt buộc đã có từ lâu và đây là chủ trương hợp lý. Các học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp phổ thông cần phải biết thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ của mình.
Hiện nay, đa số các em vẫn chọn học tiếng Anh, thứ ngôn ngữ toàn cầu. Nhưng các em hoàn toàn có thể chọn các tiếng khác trong số các ngoại ngữ Pháp, Nga, Trung, Đức, Hàn, Nhật.
Tiếng Anh tuy phổ biến nhưng không phải là ngoại ngữ duy nhất cần cho giao lưu văn hoá, giao thương quốc tế của người Việt Nam. Thực tế cho thấy nhiều người Hoa, người Nhật, người Hàn không thạo tiếng Anh. Vậy nếu người Việt biết thêm các ngôn ngữ đó chẳng có lợi hay sao?
Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc gia tăng lựa chọn cho học sinh là hoàn toàn hợp với thực tế.
Vì vậy quyết định này cần được hiểu đúng mà người cần hiểu nhất là những người làm truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Cách giật tít như trên rõ ràng khiến người đọc hiểu sai vấn đề. Nếu muốn phản biện về việc vì sao lại chọn tiếng Hàn, tiếng Đức thì đó lại là một chuyện khác.
Xem thêm: lmth.oan-eht-hcas-hnihc-oem-pob-nahp-pog-ad-gnoht-neyurt/982413/nv.semitnogiaseht.www