Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng 2021 sẽ không chứng kiến sự suy sụp như giai đoạn trước.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới; xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.
Trong nước, thiên tai, dịch bệnh tác động không nhỏ tới các hoạt động của nền kinh tế và cuộc sống của người dân; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao.
Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng.
Thị trường bất động sản được dự đoán sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 và 2011.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam, mặc dù tăng trưởng GDP năm 2020 đạt thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì đó là một thành công của Việt Nam với tốc độ tăng thuộc nhóm nước cao nhất thế giới.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố bởi Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho bố, cùng với Trung Quốc và Myanmar, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực trong năm nay; đồng thời quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD).
Tuy nhiên sang 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, thị trường được dự đoán sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 và 2011.
"Vào năm 2010 và 2011, thị trường đã chứng kiến việc rớt giá đến 30% trong cả nước, có thể kể đến một số lí do quan trọng như: thị trường đã tăng trưởng quá nóng trước đó, kế tiếp là tăng trưởng trong tín dụng quá nóng từ từ 30%-45%, cộng với việc tăng trưởng trong lãi suất qua đêm từ 10%-12% lên tới hơn 20%", ông Khương nói.
Theo vị chuyên gia, tình hình hiện tại thì tuy là vẫn tồn đọng những khó khăn nhưng thị trường bất động sản khác trước rất nhiều. Với giả định rằng những mục tiêu về kinh tế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được ít nhất như năm 2020, lãi suất tiền gửi và lãi suất huy động như năm 2020, biên độ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 30%, tỷ giá hối đoái và tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát tốt.
"Do vậy bức tranh xấu nhất của thị trường nhà ở trong năm 2021 là giá cả sẽ bằng năm 2020, ngoài ra giá chỉ có thể tăng nếu không xảy ra những biến cố khác", ông Khương nhận định.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, xu hướng đầu tư của họ cũng có những sự dịch chuyển và thay đổi nhất định. TS. Khương cho biết, thường các nhà đầu tư cá nhân sẽ có xu hướng lựa chọn vàng và bất động sản là kênh trú ẩn an toàn.
Trong quá khứ, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh và dịch bệnh thì thường nhà đầu tư sẽ chuyển từ những khoản đầu tư mạo hiểm với khả năng thanh khoản cao sang những khoản đầu tư ít rủi ro và thanh khoản thấp hơn.
Nếu như thế hệ trước trong thời kì chiến tranh bất ổn tích trữ vàng thì giờ này được chuyển sang bất động sản. Với các nhà đầu tư cá nhân thì đầu tư bất động sản là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng.
Tuy nhiên ông Khương vẫn đặc biệt lưu ý các nhà đầu tư nếu phải đang dùng đòn bẩy quá lớn thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!